CDC Mỹ hỗ trợ Việt Nam đối phó bệnh đậu mùa khỉ

Giám đốc Quốc gia phụ trách văn phòng Việt Nam của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ - bác sĩ Eric Dziuban nhận định dịch đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh chóng khi số ca bệnh trên toàn cầu tăng từ 16.000 ca lên 21.000 ca chỉ trong vòng một tuần.

Tính đến sáng 29/7, tổng số ca mắc đậu mùa khỉ được ghi nhận trên toàn cầu đã lên tới 21.148 ca. Đáng chú ý, trong số 78 quốc gia đang lưu hành bệnh đậu mùa khỉ, có tới 71 quốc gia lần đầu tiên ghi nhận ca bệnh này, và 7 quốc gia đã từng có ca bệnh trước đó.

Theo bác sĩ Eric Dziuban, bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan nhanh chóng khi số ca bệnh trên toàn cầu tăng từ 16.000 ca lên 21.000 ca chỉ trong vòng một tuần.

Dựa trên số liệu mới nhất, Mỹ hiện đang đứng đầu thế giới về số ca đậu mùa khỉ, với hơn 4.600 ca. Tây Ban Nha đứng vị trí thứ 2 với hơn 3.700 ca.

Tỷ lệ tử vong của bệnh đậu mùa khỉ rất thấp (5 ca tử vong trên 16.000 ca bệnh, theo số liệu tính đến ngày 22/7, tương đương 0,03%). Các ca tử vong chủ yếu tập trung ở châu Phi - khu vực từng lưu hành bệnh đậu mùa khỉ trước đây.

Ngoài ra, đậu mùa khỉ không dễ lây lan như COVID-19, có ít nguy cơ gây đại dịch hơn. Bệnh thường không gây tử vong và người mắc có thể tự khỏi.

Tuy nhiên, bác sĩ Dziuban nhấn mạnh các quốc gia vẫn cần cẩn trọng vì đợt bùng phát đậu mùa khỉ lần này có nhiều điểm khác biệt.

Nhiều quốc gia bên ngoài châu Phi đã ghi nhận ca bệnh. Trong đó hầu hết các ca bệnh là nam giới trưởng thành, đặc biệt là nam có quan hệ đồng giới. Các nốt phát ban thường bắt đầu ở bộ phận sinh dục, quanh hậu môn, đôi khi không lan ra các bộ phận khác trên cơ thể. Các ca bệnh thường được ghi nhận tại các phòng khám ngoại trú vì dễ bị nhầm với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Các triệu chứng trước phát ban (sốt, đau nhức, mệt mỏi) ít khi xảy ra hơn.

Theo bác sĩ Dziuban, cần cẩn trọng trong việc phân biệt đậu mùa khỉ với các bệnh da liễu khác và các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ông nhấn mạnh căn bệnh này không chỉ lây truyền trong nhóm nam quan hệ đồng giới, nên việc tuyên truyền chính xác là rất quan trọng để tránh kỳ thị.

Giám đốc Quốc gia phụ trách văn phòng Việt Nam của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ - bác sĩ Eric Dziuban.

Giám đốc Quốc gia phụ trách văn phòng Việt Nam của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ - bác sĩ Eric Dziuban.

Từ đầu tháng 6 đến nay, CDC Mỹ đã phối hợp với Bộ Y tế Việt Nam để đưa ra khuyến cáo, hướng dẫn khảo sát, theo dõi, xét nghiệm, chẩn đoán lâm sàng, điều trị dự phòng… bệnh đậu mùa khỉ.

Nhận định về nguy cơ căn bệnh này xâm nhập Việt Nam, bác sĩ Dziuban nói: “Mỗi tuần chúng tôi đều ghi nhận quốc gia mới có ca đậu mùa khỉ. Do đó, nếu căn bệnh này xuất hiện ở Việt Nam thì cũng không quá ngạc nhiên vì Việt Nam đã mở cửa đi lại. Tuy nhiên, Việt Nam có lợi thế vì đã có 2 tháng để học hỏi và chuẩn bị từ khi dịch nhen nhóm".

Đại diện CDC Mỹ cho biết cơ quan này đang làm việc chặt chẽ với Bộ Y tế Việt Nam và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để Việt Nam cũng như các quốc gia khác trên thế giới có được bộ sinh phẩm xét nghiệm đậu mùa khỉ sớm nhất.

Về việc phân bổ vắc xin, một số quốc gia hiện đã triển khai tiêm vắc xin đậu mùa để phòng đậu mùa khỉ, nhưng đó chủ yếu là những nước đã có ca bệnh. “Chúng tôi muốn vắc xin được phổ biến rộng rãi hơn. Mỹ cùng các quốc gia khác đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị sản xuất vắc xin để tăng nguồn cung.”

Dù vậy theo bác sĩ Dziuban, vắc xin hiện chỉ là một trong số những công cụ để ngăn ngừa bệnh đậu mùa khỉ. “Đó là một công cụ hiệu quả, có thể sử dụng cho những người đã phơi nhiễm hoặc có nguy cơ phơi nhiễm. Nhưng chúng ta vẫn còn những công cụ khác, các biện pháp dự phòng như truyền thông, giáo dục cộng đồng, để mọi người biết phải làm gì khi có triệu chứng và ngăn chặn căn bệnh lây lan.”

Đặc điểm bệnh đậu mùa khỉ

Đậu mùa khỉ giống đậu mùa, nhưng tỷ lệ tử vong thấp hơn nhiều

Bệnh thường kéo dài 2 - 4 tuần, và những triệu chứng đầu tiên có thể xuất hiện 2-5 ngày trước khi nổi những nốt ban đặc trưng

Đậu mùa khỉ có thể lây truyền từ người sang người với các đường lây truyền sau:

Tiếp xúc với nốt ban

Dịch tiết đường hô hấp

Những đồ vật mà người mắc bệnh đậu mùa khỉ đã chạm vào, bao gồm băng gạc, ga trải giường

Lây truyền từ mẹ sang con

Tiếp xúc với các mô bị nhiễm khuẩn hoặc bị nhiễm trùng

Tiếp xúc với nước tiểu, phân (ghi nhận trong các mô hình ở động vật)

Một bệnh nhân bị đậu mùa khỉ có khả năng lây truyền cho người khác từ khi bắt đầu có triệu chứng cho đến khi các nốt ban bong vảy và hình thành một lớp da mới

Ngoài ra, căn bệnh này cũng có thể lây từ động vật sang người.

Dự phòng:

Tránh tiếp xúc gần, da kề da với những người có nốt phát ban giống bệnh đậu mùa khỉ

Vệ sinh tay

Giáo dục cộng đồng

Đào tạo, hướng dẫn cơ sở y tế

Phương án tiêm vắc xin vẫn còn hạn chế và thiếu hụt nguồn cung

Điều trị:

Hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh đậu mùa khỉ

Một số quốc gia đã chấp thuận việc sử dụng phương pháp điều trị bệnh đậu mùa cho các ca bệnh đậu mùa khỉ

Hầu hết các ca bệnh nhẹ, có thể tự khỏi

Những người được xem xét điều trị bao gồm:

Những người mắc bệnh nặng

Những người có nguy cơ mắc bệnh nặng như: người bị suy giảm miễn dịch, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc cho con bú, người có một hoặc nhiều biến chứng

Những người nhiễm các dòng virus đậu mùa khỉ có thể tạo nên mối nguy hiểm đặc biệt

Minh Hạnh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/cdc-my-ho-tro-viet-nam-doi-pho-benh-dau-mua-khi-post1457422.tpo
Zalo