Cây di sản - chứng nhân lịch sử
Trong tiến trình phát triển của đất nước, cây xanh luôn gắn kết với con người. Có những cây xanh tuổi đời hàng trăm, hàng ngàn năm, là chứng nhân của lịch sử, của sự biến động, đổi thay của một vùng đất, của nhiều thế hệ con người... Có những cây xanh thuộc hàng cổ thụ mọc tự nhiên nơi rừng núi. Cũng có những cây trồng ở làng quê, đô thị, được chăm sóc bởi nhiều thế hệ, những người góp công khẩn hoang lập ấp, lập làng...
Thế giới rất quý trọng cây có tuổi thọ hàng trăm năm trở lên, xác định là cây di sản để có chính sách bảo vệ. Bởi ngoài giá trị văn hóa, giáo dục, xã hội và sinh thái, cây di sản cũng rất được du khách quan tâm, tạo ra nguồn thu lớn cho ngành du lịch địa phương.
Cây di sản đã có ở 54 tỉnh, thành phố
Ở Việt Nam, từ năm 2010, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã khởi xướng việc tuyển chọn, vinh danh cây di sản với tên gọi “Bảo tồn cây di sản Việt Nam” được nhiều địa phương hưởng ứng. Từ đó đến nay, cây di sản Việt Nam đã có ở hầu khắp tỉnh, thành phố trên cả nước, từ thành thị đến miền biên giới, hải đảo xa xôi như huyện Lý Sơn, Côn Đảo, Trường Sa…
Trong đó, cây di sản trên các đảo có hàng trăm năm tuổi, gắn liền với lịch sử khai phá, phát triển của người dân Việt Nam. Các cây di sản là minh chứng cho sự có mặt liên tục của người Việt trên quần đảo Trường Sa từ rất sớm. Đây là mắt xích của lịch sử, xâu chuỗi, liên kết quá trình khai hoang, mở mang bờ cõi của những thế hệ tiền nhân để lại cho con cháu đời sau…
Có thể nói, đến bất cứ nơi đâu trên mảnh đất hình chữ S này, chúng ta đều có thể bắt gặp những cây cổ thụ có tuổi đời hàng thế kỷ, thể hiện sự trường tồn nơi đất lành. Đây không chỉ là tài sản sinh thái quý báu của nhân dân ta mà còn là nơi chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử quý báu của cha ông, ẩn trong vẻ u tịch, xù xì của những “cụ” cây hàng trăm năm tuổi.
Cây di sản Việt Nam - hành trình bảo tồn và phát triển
Theo Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, cây di sản không đơn thuần là những cây cổ thụ mà còn là chứng nhân lịch sử, văn hóa của đất nước, của dân tộc cần được tôn vinh và bảo vệ.
Để được công nhận là cây di sản phải đáp ứng các tiêu chí như: Cây mọc tự nhiên, phải sống hơn 200 năm, cao to, hùng vĩ và có dáng đặc sắc. Cây cao hơn 40m, chu vi hơn 6m đối với cây gỗ đơn thân; cao hơn 25m, chu vi hơn 15m đối với cây đa, si thuộc chi Ficus. Đối với cây trồng, phải sống hơn 100 năm, cao to, hùng vĩ, có hình dáng đặc sắc. Cây cao hơn 30m, chu vi hơn 3,5m đối với cây gỗ đơn thân; cao hơn 20m, chu vi hơn 10m đối với các cây đa, si thuộc chi Ficus.
Cây không đạt các tiêu chí kỹ thuật nêu trên nhưng có giá trị đặc biệt về khoa học hoặc lịch sử, văn hóa, mỹ quan cũng sẽ được xem xét.
Bình Phước lần thứ 2 vinh danh cây di sản
Ngày 25-11-2022, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam trao bằng công nhận cây di sản cho 39 cây thuộc Vườn quốc gia Bù Gia Mập, gồm: quần thể 37 cây săng lẻ (còn gọi là bằng lăng), 1 cây sộp và 1 cây tung… Điều này mở ra nhiều triển vọng để đưa khu rừng trở thành điểm du lịch sinh thái tiêu biểu trong và ngoài nước.
Gần 1 năm sau lễ vinh danh, ngày 9-12 này, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam tiếp tục vinh danh 162 cây di sản tại rừng Mã Đà thuộc Tiểu khu 379, xã Tân Hòa, huyện Đồng Phú.
Tính độc đáo, đặc sắc, độc nhất của quần thể những cây di sản Việt Nam tại Tiểu khu 379 Mã Đà chính là rừng cây duy nhất trong cả nước có 15 loài cây. Tuổi cây cổ thụ trong rừng cao, với 117 cây hơn 500 tuổi.
Quần thể cây kơ nia ở đây có tính độc nhất là: cây mọc tự nhiên, cây mọc thành quần thể, cây tái sinh theo tự nhiên. Riêng kơ nia có đến 7 cây hơn 1.000 tuổi, trong đó cây kơ nia tổ khoảng 1.230 tuổi.
Cây di sản thành tài sản
Tiến sĩ Trần Văn Miều, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam khẳng định, việc lựa chọn và vinh danh “cây di sản” góp phần bảo tồn nguồn gen tiêu biểu, quảng bá sự phong phú, đa dạng với giá trị khoa học cao của hệ thực vật Việt Nam; tạo nguồn cho du lịch sinh thái, nghiên cứu khoa học, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Hoạt động bảo tồn cây di sản Việt Nam cũng là sáng kiến quan trọng và trực tiếp góp phần bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ cảnh quan môi trường. Đây cũng là kết nối truyền thống văn hóa của dân tộc Việt, góp phần cải thiện đời sống người dân và mở ra những hướng hoạt động mới trong lĩnh vực quản lý tài nguyên, du lịch sinh thái, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Không chỉ vậy, gìn giữ, bảo tồn cây di sản còn khơi dậy niềm tự hào của người dân địa phương, nhất là những người dành cả thanh xuân, sức khỏe, quãng thời gian đẹp nhất của đời người để bảo vệ rừng.
Gìn giữ, phát huy giá trị cây di sản chính là thể hiện lòng biết ơn của hậu thế đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun trồng, bảo vệ cây, từ đó góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường, nâng cao ý thức tôn trọng tự nhiên và trách nhiệm bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Ngày 9-12, trong chương trình lễ công nhận quần thể 162 cây di sản Việt Nam, chúng ta sẽ được cảm nhận nhiều hơn, rõ hơn về những người cựu chiến binh đã dành cả thanh xuân cho màu xanh của đất nước. Ở đó, có vợ chồng cựu chiến binh Bình Phước Phạm Công Trường và Nguyễn Thị Hồng Tươi thủy chung, son sắt, kiên trì gần 30 năm gắn bó với rừng Mã Đà - Chiến khu D.