Cầu nối giúp trẻ thoát nạn bạo lực

Tại Đà Nẵng, công tác phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng vẫn còn đó tình trạng trẻ bị bạo hành và xâm hại trong một số gia đình và cơ sở giáo dục. Vì thế, ngành chức năng cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò của các bên tham gia, nhất là vai trò của người làm công tác xã hội.

Các tổ chức quốc tế tham quan mô hình tổng đài 111 tại Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng.

Các tổ chức quốc tế tham quan mô hình tổng đài 111 tại Trung tâm Công tác xã hội Đà Nẵng.

Theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Đà Nẵng, tính đến nay toàn thành phố có khoảng 310.000 trẻ em; trong đó có khoảng 3.600 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, khoảng 11.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.

Đằng sau những cuộc gọi...

Từ cuối năm 2018, Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng là đơn vị được giao quản lý và vận hành Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 vùng Nam Trung Bộ-Tây Nguyên, với chức năng tiếp nhận và xử lý các thông tin tố giác trẻ em bị bạo lực, xâm hại hoặc có nguy cơ. Suốt từ đó đến nay, tại đây, mỗi tiếng chuông điện thoại vang lên giục giã đều như một quả bom nổ chậm, vì mỗi giây phút trôi qua có thể sẽ khiến những đứa trẻ bị bạo lực, xâm hại mất niềm tin vào cuộc sống.

Với ý nghĩa đó, anh Nguyễn Tấn Hải Triều, Trưởng ca Tổng đài 111 vùng Nam Trung Bộ-Tây Nguyên, cùng các nhân viên khác của trung tâm đều cố gắng “thấu tình, đạt lý” trong mọi cuộc gọi, nhằm đưa ra những quyết định, lời khuyên đúng đắn, kịp thời cho nạn nhân.

Anh Triều kể lại: “Có những trường hợp trẻ gọi đến khi vừa xảy ra vụ việc, nên cảm xúc của trẻ chưa ổn định, hoảng loạn, hoặc bức xúc đến mức không muốn sống. Những cuộc gọi đó kéo dài đến cả tiếng và trẻ thường chỉ khóc. Do đó, nhân viên trực tổng đài phải kiên nhẫn, tìm biện pháp hỗ trợ trẻ về mặt tâm lý và đưa ra phương án can thiệp dựa trên từng mức độ”.

Theo Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng, bình quân hằng năm, Tổng đài 111 khu vực Nam Trung Bộ-Tây Nguyên tiếp nhận tư vấn, tham vấn khoảng 6.700 trường hợp, trong đó khoảng 7% trường hợp liên quan đến vấn đề bạo lực trẻ em; hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khoảng 300 trường hợp, trong đó hơn 30% trường hợp liên quan các vấn đề bạo lực trẻ em. Nội dung các cuộc gọi thường trình báo việc trẻ em bị bạo lực, bóc lột, xâm hại tình dục...; nhờ tư vấn về quyền trẻ em, tranh chấp quyền nuôi dưỡng và xử lý các mối quan hệ trong gia đình, nhà trường và xã hội của trẻ.

Những con số nói trên một mặt cho thấy vấn nạn bạo lực trẻ em vẫn như một “bóng ma” trong xã hội, mặt khác cho thấy mong muốn được lên tiếng, nhu cầu được hỗ trợ của trẻ em bị bạo lực. Anh Triều cho rằng: “Để tổng đài phát huy hiệu quả, người trực máy cần có đủ kiến thức, kinh nghiệm và sự nhạy cảm nghề nghiệp để có biện pháp hỗ trợ phù hợp”.

Nhằm đa dạng hóa kênh tiếp nhận các trường hợp trẻ bị xâm hại, bạo lực thông qua trung tâm, năm 2020, Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng và Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh thành phố Đà Nẵng đã ký quy chế phối hợp về tiếp nhận và xử lý thông tin về hỗ trợ và bảo vệ trẻ em thông qua tổng đài 1022.

Theo Giám đốc Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn Châu, Tổng đài 111 và Tổng đài 1022 trong thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ trong việc tiếp nhận, hỗ trợ các trường hợp cần tư vấn, tham vấn chuyên sâu về tâm lý, pháp luật về trẻ em; các trường hợp trẻ bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; trường hợp trẻ cần được áp dụng các biện pháp can thiệp khẩn cấp.

“Điều này góp phần tăng khả năng tiếp cận của người dân Đà Nẵng với các nguồn hỗ trợ liên quan đến bảo vệ trẻ em nói chung”, ông Nguyễn Văn Châu chia sẻ.

Phát huy vai trò đội ngũ công tác xã hội

Theo Trung tâm Công tác xã hội thành phố Đà Nẵng, sau khi Tổng đài 111 tiếp nhận thông tin, trung tâm sẽ cử cán bộ liên hệ, phối hợp Ủy ban nhân dân xã, phường xác minh sự việc, hỗ trợ chuyên môn cho cán bộ xã, phường tiến hành đánh giá rủi ro, lập và triển khai kế hoạch hỗ trợ trẻ theo quy định; đồng thời kết nối kịp thời các cơ quan, tổ chức, cơ sở cung cấp dịch vụ để can thiệp và hỗ trợ cho trẻ em bị xâm hại.

Tuy nhiên, thực tế đội ngũ cán bộ làm công tác phòng, chống bạo lực trẻ em tại địa phương trong thời gian qua thường xuyên thay đổi và kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau, dẫn đến việc tiếp cận, can thiệp các vụ việc còn chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Trước thực tế đó, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố ban hành quy chế phối hợp liên ngành trong công tác trẻ em, gồm các ngành như: giáo dục, tư pháp, y tế, công an,... tạo điều kiện thuận lợi trong việc phối hợp chia sẻ thông tin, kết nối cung cấp dịch vụ hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em bị xâm hại; đồng thời, đề nghị các địa phương thành lập tổ phối hợp liên ngành bảo vệ trẻ em cấp quận, huyện, nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã tại 56/56 xã, phường. Qua đó, thành phố đã hình thành mạng lưới người làm công tác xã hội, cộng tác viên phòng, chống bạo lực trẻ em rộng khắp, tăng cường khả năng phát hiện sớm các vụ việc.

Tại buổi làm việc với đoàn cấp cao UNICEF vừa qua, Đà Nẵng đã được đánh giá cao về những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống bạo lực trẻ em, đặc biệt là việc xây dựng mạng lưới người làm công tác xã hội và cơ chế phối hợp liên ngành. Theo bà Silvia Danailov, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam, đội ngũ làm công tác xã hội có thể coi là “xương sống” trong phòng, chống bạo lực trẻ em. “Chúng tôi đánh giá cao việc Đà Nẵng xác định vai trò quan trọng của đội ngũ làm công tác xã hội”, bà Silvia Danailov nói.

Theo bà Micaela Cronin, Chủ nhiệm Ủy ban Phòng chống bạo hành gia đình và lạm dụng tình dục của Chính phủ Australia, để ngăn chặn và giảm thiểu tình trạng bạo lực trẻ em, chúng ta cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa, nhằm khuyến khích nạn nhân và những người chung quanh mạnh dạn báo cáo các vụ việc. Thực tế cho thấy, nhiều trường hợp bạo lực trẻ em vẫn chưa được đưa ra ánh sáng, do nạn nhân e ngại không trình báo, hoặc không biết cách trình báo.

“Việc tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ, đặc biệt là những người làm công tác tuyến đầu như: nhân viên công tác xã hội, công an, y tế và giáo viên là rất quan trọng, nhằm trang bị kiến thức, kỹ năng phát hiện sớm các dấu hiệu của bạo lực, đánh giá mức độ rủi ro và cung cấp hỗ trợ kịp thời cho nạn nhân”, bà Micaela Cronin cho biết. Để có cơ sở pháp lý phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các bên, thành phố cũng đã xây dựng quy chế phối hợp liên ngành trong thực hiện quy trình hỗ trợ, can thiệp trẻ em bị xâm hại trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Bài và ảnh: CÔNG VINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cau-noi-giup-tre-thoat-nan-bao-luc-post851888.html
Zalo