Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp phối hợp toàn diện về công tác pháp chế

Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp đã cùng phối hợp và đạt được những kết quả toàn diện trong triển khai công tác pháp chế.

Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025.

Chiều 2/1, Bộ GD&ĐT tổ chức hội nghị đánh giá kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2024, phương hướng nhiệm vụ năm 2025. Dự hội nghị có lãnh đạo Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), lãnh đạo Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật (Bộ Tư pháp) và đại diện lãnh đạo các đơn vị, cục, vụ liên quan của 2 Bộ.

Phối hợp toàn diện trên các mặt công tác pháp chế

Ngày 20/12/2023, Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp đã ký Kế hoạch số 2181/KH-BGDĐT-BTP về việc phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa hai Bộ.

Theo bà Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT), hội nghị nhằm đánh giá chính xác, khách quan, toàn diện về những việc đã làm được, những ưu điểm trong công tác pháp chế. Đồng thời, phân tích, chỉ ra những hạn chế và nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm; phát hiện vấn đề mới phát sinh để đề ra các giải pháp tháo gỡ, khắc phục nhằm thực hiện ngày càng tốt hơn trong bối cảnh tiếp tục thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT.

Đây là diễn đàn để các đơn vị chức năng, các chuyên gia pháp luật thảo luận, chia sẻ trao đổi thông tin, kinh nghiệm; có hướng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT, đi đến thống nhất các giải pháp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác pháp chế.

Báo cáo kết quả phối hợp thực hiện công tác pháp chế năm 2024 và phương hướng nhiệm vụ năm 2025 giữa 2 Bộ, ông Đào Hồng Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) cho biết: Năm 2024, công tác phối hợp được triển khai thực hiện một cách toàn diện trên các mặt công tác pháp chế như công tác xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật; theo dõi thi hành pháp luật; kiểm tra, xử lý, rà soát hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; pháp điển, hợp nhất...

Các đơn vị chức năng của hai Bộ đã có sự phối hợp, gắn kết và có hiệu quả trong công tác chuyên môn, góp phần thực hiện tốt công tác pháp chế của ngành Giáo dục.

 Bà Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc hội nghị.

Bà Mai Thị Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) phát biểu khai mạc hội nghị.

Kết quả cho thấy, trong năm 2024, đội ngũ những người làm công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT ngày càng trưởng thành, được đánh giá là một trong các tổ chức pháp chế mạnh trong khối các Bộ, ngành. Chất lượng văn bản do Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo trình cấp có thẩm quyền ban hành và ban hành theo thẩm quyền đã đảm bảo về chất lượng và tiến độ. Một số văn bản có nội dung phức tạp, có phạm vi ảnh hưởng lớn đã được các đơn vị phối hợp tham mưu để cấp có thẩm quyền ban hành tạo hành lang pháp lý cho ngành giáo dục hoạt động có hiệu quả.

Đạt được kết quả như trên là bởi hai Bộ đã sớm ban hành và thống nhất triển khai kế hoạch phối hợp. Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ nhận được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo hai Bộ. Các đơn vị thuộc hai Bộ nói chung và hai đơn vị được phân công làm đầu mối là Vụ Pháp chế và Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật đã tích cực, chủ động phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Đội ngũ cán bộ, công chức các đơn vị của hai Bộ tham gia tích cực, nhiệt tình, có trách nhiệm…

Bên cạnh kết quả đạt được còn một số khó khăn, tồn tại như tổ chức, hoạt động của pháp chế ở một số sở GD&ĐT, cơ sở giáo dục đại học còn chưa được quan tâm thỏa đáng; một số địa phương còn thiếu đội ngũ cả về số lượng và chất lượng.

Xây dựng các quy định về giáo dục là những vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều bộ, ngành, phạm vi ảnh hưởng rộng nên trong quá trình xây dựng, soạn thảo gặp nhiều khó khăn trong việc lấy ý kiến góp ý, thẩm định, thẩm tra và thống nhất ý kiến. Một số văn bản có nội dung mới, phức tạp, chưa có kinh nghiệm thực tiễn, đòi hỏi phải có thời gian nghiên cứu kỹ nên tiến độ soạn thảo một số văn bản còn chậm…

 Bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp trình bày dự thảo Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2025.

Bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp trình bày dự thảo Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2025.

Dự kiến 7 nội dung phối hợp trong năm 2025

Tại hội nghị, bà Đỗ Thị Thanh Hương, Phó Vụ trưởng Vụ Các vấn đề chung về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã trình bày dự thảo Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác pháp chế giữa Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp năm 2025. Kế hoạch này là căn cứ để Bộ GD&ĐT, Bộ Tư pháp chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ công tác pháp chế ngành Giáo dục năm 2025 thiết thực và hiệu quả.

Theo đó, có 7 nội dung phối hợp, bao gồm: Công tác xây dựng pháp luật; kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, pháp điển quy phạm pháp luật, hợp nhất văn bản quy phạm pháp luật; công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; công tác quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi tình hình thi hành pháp luật; công tác bồi thường nhà nước; phối hợp triển khai công tác pháp chế; phối hợp triển khai thực hiện Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 13/9/2023 về việc phê duyệt “Chương trình tăng cường kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân luật giai đoạn 2023-2030”.

Trao đổi tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các đơn vị cục, vụ của 2 Bộ đã cùng thảo luận, đánh giá thẳng thắn, khách quan về kết quả thực hiện Chương trình phối hợp trong năm 2024; cho ý kiến về Kế hoạch phối hợp thực hiện công tác pháp chế năm 2025 và việc thực hiện công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT. Các ý kiến cũng đề xuất, gợi mở các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa 2 Bộ nhằm nâng cao hiệu quả công tác pháp chế của Bộ GD&ĐT trong thời gian tiếp theo.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Thị Anh đề nghị các đơn vị của 2 Bộ tiếp tục tăng cường phối hợp, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp chế; đồng thời, xây dựng kế hoạch hành động rõ ràng, khoa học, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng các nhiệm vụ được giao.

“Năm 2025, chúng ta cần tập trung ưu tiên các nhiệm vụ trọng tâm nhằm thực hiện hiệu quả các nội dung của Chương trình số 1355/CTr-BGDĐT-BTP ngày 30/12/2019 của Bộ GD&ĐT và Bộ Tư pháp; Chương trình phối hợp năm 2025 của 2 Bộ; cụ thể là các nội dung, nhóm công việc cụ thể được nêu trong dự kiến Chương trình phối hợp năm tới”, bà Mai Thị Anh lưu ý.

Hiếu Nguyễn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/bo-gddt-bo-tu-phap-phoi-hop-toan-dien-ve-cong-tac-phap-che-post714427.html
Zalo