'Cầu nối' chắp cánh ước mơ thoát nghèo

Dòng vốn tín dụng chính sách (TDCS) mang sứ mệnh cao cả đã và đang tìm đúng 'địa chỉ đỏ' để lan tỏa vào đời sống người dân Yên Bái. Hành trình ấy được thực hiện thông qua những tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV), mô hình được ví như cầu nối bền chặt, tin cậy, chắp cánh cho bao giấc mơ thoát nghèo, vươn lên làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương.

Cán bộ NHCSXH tỉnh hướng dẫn các tổ trưởng tổ TK&VV sử dụng ứng dụng quản lý TDCS.

Cán bộ NHCSXH tỉnh hướng dẫn các tổ trưởng tổ TK&VV sử dụng ứng dụng quản lý TDCS.

Mô hình tổ TK&VV là sự phối hợp chặt chẽ, tâm huyết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) và 4 tổ chức chính trị - xã hội là: Hội phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên. Đây không chỉ đơn thuần là kênh dẫn vốn mà thực sự là những "cánh tay nối dài" đưa dòng vốn chính sách tiếp cận nhanh chóng, đúng đối tượng và phát huy hiệu quả tối đa trong bối cảnh địa bàn miền núi đặc thù của Yên Bái.

Thông qua mạng lưới rộng khắp của các tổ chức đoàn thể, chính sách về tín dụng ưu đãi được tuyên truyền một cách dễ hiểu, gần gũi đến từng người dân. Họ được hướng dẫn tận tình về thủ tục vay vốn, cách sử dụng vốn hiệu quả và cả ý thức trả nợ, tiết kiệm tích lũy. Hơn thế, các tổ TK&VV còn đóng vai trò quan trọng trong giám sát, đồng hành, đảm bảo nguồn vốn đến đúng người cần, sử dụng đúng mục đích, mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho từng hộ.

Toàn tỉnh hiện có 2.323 tổ TK&VV đang hoạt động tại 629 tổ chức hội cấp xã, quản lý dư nợ của 86.871 hộ nghèo và đối tượng chính sách. Đến hết quý I năm 2025, mạng lưới tổ TK&VV trên địa bàn tỉnh đã quản lý tổng dư nợ ủy thác qua 4 tổ chức hội đạt 5.625,5 tỷ đồng, tăng 147,6 tỷ đồng so với đầu năm.

Công tác kiểm tra, giám sát sau giải ngân được triển khai chặt chẽ, với 30.606 hộ vay vốn với số tiền 1.800 tỷ đồng được kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất trong cùng kỳ.

Công tác tập huấn nghiệp vụ cho Ban quản lý các tổ TK&VV luôn được chú trọng, với 4.333 người đã tham gia trong quý I/2025, đạt 93% kế hoạch. Qua đó, tỷ lệ nợ quá hạn ở mức rất thấp (khoảng 0,05% tổng dư nợ). Đây là minh chứng sống động cho thấy chất lượng tín dụng bền vững và sự quản lý hiệu quả của mô hình ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng vốn TDCS thực sự trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế hộ gia đình. Điển hình như ông Thào A Trừ ở thôn Sán Trá, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu. Năm 2020, được vay vốn thông qua tổ TK&VV của Hội Cựu chiến binh xã, ông Trừ đầu tư chăn nuôi trâu. Đến nay, gia đình ông có 4 con trâu cùng lợn, gà các loại; thu nhập gia đình đạt trên 70 triệu đồng mỗi năm, nhà cửa được xây dựng khang trang, đầy đủ tiện nghi. Câu chuyện của ông Thào A Trừ là một trong hàng vạn minh chứng về hiệu quả của đồng vốn TDCS.

Mô hình tổ TK&VV còn góp phần lan tỏa mạnh mẽ ý thức tiết kiệm trong cộng đồng. Gần 100% tổ viên (86.012 người) tham gia gửi tiết kiệm định kỳ hàng tháng qua tổ TK&VV. Số tiền tiết kiệm này không chỉ tạo thành "kho quỹ dự phòng" hữu ích khi cần, mà còn rèn luyện cho người dân thói quen kỷ luật tài chính, củng cố thêm niềm tin vào chính sách của Đảng và Nhà nước. Mô hình tổ TK&VV còn kết nối các hộ làm kinh tế, tạo điều kiện sinh hoạt cộng đồng, chia sẻ kinh nghiệm, cùng nhau tiến bộ.

Ông Đỗ Long Thảo - Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh khẳng định: "Mô hình tổ TK&VV thông qua ủy thác là một sáng tạo phù hợp thực tiễn, đặc biệt hiệu quả tại địa bàn vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tổ TK&VV không chỉ làm nhiệm vụ tài chính mà còn là thiết chế cộng đồng, xây dựng niềm tin - trách nhiệm - sự gắn bó giữa người dân. Với quyết tâm cao của ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội và hệ thống NHCSXH, mô hình này đang không ngừng được củng cố và hoàn thiện”.

Từ "cầu nối" mang tên tổ TK&VV, dòng vốn chính sách xã hội đang tiếp tục lan tỏa, thấm sâu vào từng giấc mơ đổi thay của người dân nghèo. Mô hình tổ TK&VV đã vượt ra khỏi vai trò một công cụ tài chính đơn thuần, trở thành một thiết chế cộng đồng đầy nhân văn, thắp sáng niềm tin, giúp người nghèo vững tâm bước lên hành trình thoát nghèo bền vững, vươn lên làm chủ cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Trong quý I, NHCSXH Yên Bái đã tổ chức 514 phiên giao dịch tại xã; triển khai ứng dụng quản lý tín dụng xã giúp rút ngắn thời gian giao dịch đáng kể (trung bình 40-60 phút/phiên tại 100% tổ TK&VV). Đội ngũ cán bộ NHCSXH, đặc biệt là các tổ trưởng tổ TK&VV và hội viên nòng cốt của 4 tổ chức hội, luôn tận tụy bám sát địa bàn, hiểu rõ từng hoàn cảnh, từng mảnh đời, giúp người nghèo vững tâm vươn lên làm chủ cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/349996/cau-noi-chap-canh-uoc-mo-thoat-ngheo.aspx
Zalo