'Vườn ươm' cho 2 triệu doanh nghiệp

Nghị quyết 68/NQ-TW trực tiếp đề ra loạt giải pháp hỗ trợ thực chất và đồng bộ để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, tạo nền tảng cho mục tiêu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế vào năm 2030.

Nghị quyết 68-NQ-TW đề ra mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đến năm 2045 có hơn 3 triệu doanh nghiệp. Ảnh: BaoChinhphu.

Nghị quyết 68-NQ-TW đề ra mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, đến năm 2045 có hơn 3 triệu doanh nghiệp. Ảnh: BaoChinhphu.

Ban hành ngày 4/5/2025, Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân của Bộ Chính trị đã đánh dấu bước ngoặt mang tính cải cách sâu sắc, tiếp nối và nâng tầm tư tưởng Đổi Mới sau gần 40 năm mở cửa.

Với sự đột phá về tư duy tư duy quản trị và xây dựng thể chế kinh tế, Nghị quyết đặt ra những mục tiêu định lượng cụ thể: đến năm 2030, phấn đấu có 2 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế, có ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Tốc độ tăng trưởng bình quân của kinh tế tư nhân đạt khoảng 10 - 12%/năm; đóng góp khoảng 55 - 58% GDP, qua đó đưa kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.

Khai sinh 200.000 doanh nghiệp mỗi năm

Chỉ có 5 năm để hoàn thành mục tiêu tăng thêm hơn 1 triệu doanh nghiệp trong nền kinh tế quốc dân, theo tinh thần của Nghị quyết 68, tương ứng bình quân mỗi năm cần có thêm 200.000 doanh nghiệp.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu tính toán trong kịch bản đó, tốc độ tăng trưởng số lượng doanh nghiệp các năm sẽ đều phải đạt mức hai chữ số, trong đó năm đầu tiên ước tính mức tăng lên tới gần 20%. Trong khi những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng chỉ khoảng 3-4%, thậm chí có năm âm.

Vậy cách nào để có thêm hơn 1 triệu doanh nghiệp hoạt động trong nền kinh tế? Tính khả thi của mục tiêu này dựa trên cơ sở hơn 5 triệu hộ kinh doanh sẵn có, trong số này có rất nhiều hộ mà quy mô kinh doanh đã vượt qua các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ nhưng chưa chịu chuyển đổi thành doanh nghiệp.

 TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV. Ảnh: Baodautu

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV. Ảnh: Baodautu

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, khu vực hộ kinh doanh trong nền kinh tế đã có sự tăng trưởng đáng kể cả về quy mô vốn và tài sản trong những năm qua. Tuy nhiên, tâm lý bao trùm là sự ngần ngại chuyển đổi thành doanh nghiệp do các yếu tố như thủ tục phức tạp, thiếu thông tin rõ ràng cùng với môi trường kinh doanh không minh bạch…

“Họ lo ngại khi trở thành doanh nghiệp, họ sẽ phải đối mặt với nhiều nghĩa vụ pháp lý hơn, như duy trì sổ sách kế toán và tuân thủ các quy định về thuế và giấy phép, điều này có thể tạo ra những gánh nặng tài chính và thời gian không cần thiết”, TS. Cấn Văn Lực phân tích.

Nếu có được những cơ chế cụ thể, thiết thực để hộ kinh doanh an tâm chuyển đổi thành doanh nghiệp, không chỉ chủ hộ mà cả nền kinh tế sẽ cùng đi lên; thể hiện qua việc cải thiện năng lực cạnh tranh và khả năng tiếp cận các nguồn lực, tạo ra nhiều việc làm cho nền kinh tế, cũng như tăng cường sự minh bạch trong hoạt động kinh doanh. Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân sẽ có lợi thế hơn trong việc mở rộng thị trường, tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã thẳng thắn thừa nhận “điểm nghẽn” về cơ chế kìm hãm sự lớn mạnh của khu vực kinh tế tư nhân, góp phần khiến cho hộ kinh doanh e ngại bước lên sân chơi mới rộng mở hơn. Đó là việc thể chế pháp luật còn vướng mắc, bất cập; môi trường kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, minh bạch, công bằng với các rào cản hành chính...

Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp hỗ trợ thực chất, hiệu quả và đồng bộ đã được đặt ra trong Nghị quyết, bao gồm việc hoàn thiện khung khổ pháp lý; tạo mọi điều kiện thuận lợi đặc biệt về chế độ tài chính, kế toán; xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026; đào tạo về quản trị doanh nghiệp… để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.

Nghị quyết đồng thời thiết lập nhiều điều kiện thuận lợi để giảm bớt phần nào gánh nặng tài chính và tạo động lực vượt khó trong giai đoạn đầu cho các doanh nghiệp mới thành lập hay chuyển đổi từ hộ kinh doanh như bãi bỏ lệ phí môn bài; miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 3 năm đầu; đa dạng hóa nguồn cung tín dụng, một số hỗ trợ về công nghệ, đào tạo nhân lực…

Về lâu dài, hộ kinh doanh khi chuyển đổi thành doanh nghiệp cũng sẽ được hưởng lợi từ các cải cách sâu sắc trong nền hành chính quốc gia: loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo; cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật, ít nhất 30% điều kiện kinh doanh… ngay trong năm nay.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Báo Chính phủ

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Bình. Ảnh: Báo Chính phủ

Rút kinh nghiệm từ giai đoạn trước, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu kiến nghị trong kế hoạch hành động lần này, Chính phủ cần giao cho một Bộ hay một cơ quan, đơn vị cụ thể, từ đó gắn trách nhiệm cá nhân người đứng đầu thực hiện mục tiêu. Khi có người chịu trách nhiệm, sẽ có việc đánh giá kết quả thực hiện hàng tháng, theo quý, theo năm. Ví dụ, một năm cần có 200.000 doanh nghiệp, mỗi tháng phải có thêm 17.000 doanh nghiệp, vậy số doanh nghiệp tham gia thị trường hàng tháng, hàng năm đó có đạt mục tiêu không, từ đó kiến nghị ngay các giải pháp thúc đẩy hay tháo gỡ…

Cùng đó, mọi chỉ tiêu phải được bóc tách và làm rõ, ví dụ nói bãi bỏ 30% điều kiện kinh doanh, giảm 30% chi phí tuân thủ, nhưng phải xác định được 30 % của con số nào...

Tư duy mới cần cách làm khác

Nhìn chung, sau sự hân hoan trước một văn kiện quan trọng bậc nhất từ trước tới nay hướng tới khu vực kinh tế tư nhân, điều cộng đồng doanh nghiệp chờ đợi lúc này là các định hướng phát triển, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nêu trong Nghị quyết 68 phải được thực thi nhanh nhất, hiệu quả nhất.

Đại biểu Phan Đức Hiếu nhìn nhận: "Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã chuyển tải một tư duy rất mới, rất khác, cùng với một hệ thống giải pháp quyết liệt so với trước đây. Trên cơ sở đó, việc thực thi cũng cần một cách làm khác; không phải chỉ vì đạt mục tiêu mà còn vì cơ hội phát triển đột phá một khi bỏ lỡ sẽ rất khó có lại".

Việc thực thi ấy phải đảm bảo "đúng và trúng" tinh thần rất mới của Nghị quyết 68. Một là giảm sự phiền hà, tập trung vào việc cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập và hoạt động trên thị trường. Hai là khơi thông mọi nguồn lực thông qua việc tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, công nghệ và các nguồn lực khác phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ba là, tăng cường mức độ bảo vệ với sự đảm bảo quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp, tạo sự an tâm cho nhà đầu tư và doanh nhân.

Trong đó, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu nhận định hướng đến gia tăng sự bảo vệ cho doanh nghiệp là một điểm rất mới của Nghị quyết 68, bởi những rủi ro về thể chế và kinh doanh nếu vẫn tồn tại sẽ tác động đến tâm lý khởi nghiệp, khả năng sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của doanh nhân, doanh nghiệp. Theo Đại biểu, đây là lần đầu tiên một Nghị quyết của Đảng đề cập thẳng thắn, cụ thể về vấn đề này.

Cụ thể, nội dung Nghị quyết 68 đã nêu rõ quan điểm bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng…của kinh tế tư nhân; đồng thời tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự; giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm…

Nghị quyết xác định việc ưu tiên áp dụng các biện pháp về dân sự, kinh tế, hành chính trước trong khi xử lý các sai phạm, vụ việc về dân sự kinh tế, cho phép các doanh nghiệp, doanh nhân được chủ động khắc phục sai phạm, thiệt hại.

Trường hợp thực tiễn áp dụng pháp luật có thể dẫn đến xử lý hình sự hoặc không xử lý hình sự thì kiên quyết không áp dụng xử lý hình sự. Trường hợp đến mức xử lý hình sự thì ưu tiên các biện pháp khắc phục hậu quả kinh tế trước và là căn cứ quan trọng để xem xét các biện pháp xử lý tiếp theo. Không hồi tố các quy định pháp luật để xử lý bất lợi cho doanh nghiệp…, Nghị quyết 68 nhấn mạnh.

"Kinh doanh không tránh được những sai lầm và cần phải cho họ có cơ hội để sửa sai và làm lại, đây là tạo dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, văn minh", Đại biểu Phan Đức Hiếu nhìn nhận.

Việc sửa đổi Bộ luật Hình sự hướng đến tách bạch giữa các vi phạm hành chính, dân sự, kinh tế và hình sự sẽ giúp tạo ra một môi trường kinh doanh an toàn, minh bạch và ổn định, khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, đổi mới sáng tạo và mở rộng sản xuất kinh doanh.

Thùy Dung

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/vuon-uom-cho-2-trieu-doanh-nghiep.html
Zalo