Câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ tài nguyên bản địa
Tỉnh Gia Lai có nhiều điều kiện thuận lợi cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, như tài nguyên phong phú, văn hóa đa dạng và vị trí địa lý thuận lợi. Đây là yếu tố then chốt để các doanh nghiệp, những người trẻ phát triển những tài nguyên vốn có của bản địa để tạo ra tính cạnh tranh trong nền kinh tế số và cách mạng công nghiệp 4.0. Trong bối cảnh đó, xuất hiện hai xu hướng khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mà nhiều cá nhân, doanh nghiệp tại Gia Lai đang theo đuổi, đó là khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở và khởi nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa.
Khởi nghiệp sáng tạo mở: Từ dược liệu đến trà thảo dược
Khởi nghiệp sáng tạo mở là mô hình khởi nghiệp dựa trên việc kết nối nguồn lực, kiến thức và công nghệ từ nhiều bên khác nhau để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ mới mẻ, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Công ty TNHH Dược thảo LiLa (trụ sở tại thôn Tân Phong, xã Tân An, huyện Đăk Pơ) do chị Nguyễn Thị Thu Trang làm chủ là một ví dụ điển hình về đổi mới sáng tạo mở tại Gia Lai. Công ty của chị Trang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh các sản phẩm trà thảo dược chăm sóc sức khỏe từ nguồn dược liệu tự nhiên sẵn có tại Gia Lai, như: linh chi, đinh lăng, dâu tằm, lạc tiên, linh chi rừng, trà tam thất...
Công ty còn đầu tư nghiên cứu, sáng tạo thêm các sản phẩm mới lạ như: trà lợi sữa, các sản phẩm hỗ trợ sức khỏe phụ nữ... được đóng gói bắt mắt, đảm bảo chất lượng và an toàn cho người tiêu dùng. Hiện nay, công ty có đội ngũ nhân sự có chuyên môn và chất lượng cao ở các ngành công nghệ sinh học, dược, y học cổ truyền; thị phần chủ yếu tập trung tại Thành phố Hồ Chí Minh, Gia Lai và một số tỉnh lân cận. Sản phẩm trà linh lăng của công ty đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Theo chị Nguyễn Thị Thu Trang, khó khăn lớn nhất là việc đưa sản phẩm ra thị trường và tạo dựng uy tín cho thương hiệu. Để giải quyết vấn đề này, công ty đã áp dụng các giải pháp như: tăng cường hợp tác với các đối tác trong nước (đối tác nào), tham gia các triển lãm, hội chợ, sự kiện về dược liệu và trà thảo dược; tiếp cận những nền tảng công nghệ số (như: sàn thương mại điện tử Lazada, Shopee; các kênh mạng xã hội TikTok, Facebook, Zalo)... nhằm quảng bá các sản phẩm đến với người tiêu dùng. Nhờ vậy, công ty đã tạo được sự tin tưởng, hài lòng cho khách hàng và đối tác.
Khởi nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa: Từ mây tre đến thời trang
Khác với khởi nghiệp sáng tạo mở, mô hình khởi nghiệp dựa vào tài nguyên bản địa do anh Đỗ Mạnh Cương (xã Ayun, huyện Mang Yang) sáng lập ra Tổ mây tre đan tại làng Đê Kjiêng đang là một mô hình có điểm nhấn tại địa phương. Anh Cương thành lập tổ nghề này từ nghề đan lát truyền thống của người bản địa Tây Nguyên, tạo ra các sản phẩm thời trang từ mây tre của người dân bản địa trong sinh hoạt thường ngày. Sau không ít khó khăn với hướng đi mới này, đến đầu năm 2023, tổ đan lát đã có những đơn hàng về kẹp tóc, vali, túi xách thời trang đầu tiên.
Anh Đỗ Mạnh Cương chia sẻ: “Sau nhiều trăn trở, tôi quyết định đi theo con đường khởi nghiệp dựa vào tài nguyên có sẵn tại địa phương, như: nguồn nguyên liệu, văn hóa, truyền thống, đặc sản... để tạo ra những sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng, có tính sáng tạo cao, phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và xu hướng hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng của văn hóa Tây Nguyên. Ngoài ra, tôi cũng mong muốn góp phần bảo tồn và phát triển nghề truyền thống của người dân tộc thiểu số, tạo ra việc làm và thu nhập cho bà con”.
Hỗ trợ và phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Gia Lai
Để khơi dậy và phát huy tiềm năng của tỉnh trong lĩnh vực khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tỉnh Gia Lai đã triển khai nhiều hoạt động và chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp, cá nhân trong lĩnh vực này, như: tổ chức các cuộc thi ý tưởng; xây dựng các khu công nghệ cao, cổng thông tin khởi nghiệp; kết nối các doanh nghiệp với các nguồn vốn, thị trường và chuyên gia, đào tạo và nâng cao năng lực cho các doanh nhân và nhân viên; tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, minh bạch và công bằng.
Ông Nguyễn Ngọc Cường, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai cho biết: "Thực tế cho thấy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Gia Lai cũng còn nhiều thách thức và hạn chế như: thiếu nguồn nhân lực có chất lượng và trình độ cao; thiếu sự kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan trong hệ sinh thái khởi nghiệp; thiếu sự quan tâm và tham gia của cộng đồng; thiếu sự chấp nhận và ủng hộ của thị trường; thiếu sự linh hoạt và sáng tạo trong việc áp dụng các quy định pháp luật".
Theo chuyên gia Nguyễn Hương Quỳnh, Giám đốc điều hành Nền tảng kết nối đổi mới sáng tạo mở - BambuUP, đổi mới sáng tạo mở giúp doanh nghiệp theo kịp tốc độ phát triển của thị trường, thu hút nhân tài, tối ưu giá trị các khoản đầu tư của doanh nghiệp.
Để khắc phục những khó khăn này, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Gia Lai thông tin thêm, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, tạo ra một môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp, cá nhân có ý tưởng, đam mê và năng lực khởi nghiệp. Tỉnh cũng sẽ tăng cường việc quảng bá, vinh danh và tôn vinh những doanh nghiệp, cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực này, nhằm tạo ra sự lan tỏa và khích lệ cho cộng đồng khởi nghiệp.
Từ những câu chuyện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo mở và khởi nghiệp từ tài nguyên bản địa ở Gia Lai, có thể thấy sự nỗ lực, sáng tạo và đam mê của các doanh nghiệp, cá nhân trong việc phát triển kinh tế địa phương, góp phần vào sự phát triển chung của cả nước. Đây cũng là một minh chứng cho việc khởi nghiệp không chỉ là một xu hướng hiện đại, mà còn là một cách để bảo tồn và phát huy giá trị của văn hóa, truyền thống và tài nguyên bản địa.