Câu chuyện doanh nghiệp làm thương hiệu theo hành vi tiêu dùng Việt

Doanh nghiệp phải làm thương hiệu theo hành vi của người tiêu dùng bằng những hành động thiết thực như đổi mới sáng tạo và giới thiệu ra thị trường sản phẩm mới đảm bảo phát triển bền vững.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Ngày 22/11, tại chuỗi tọa đàm thuộc khuôn khổ Diễn đàn "Thương hiệu Dẫn dắt bền vững" do Hiệp hội doanh nghiệp Tp. Hồ Chí Minh và Tổ chức Vietnam Brand Purpose (Tổ chức Tư vấn chiến lược Xây dựng Thương hiệu Quốc Gia Việt Nam và các thương hiệu Made-in-Vietnam) tổ chức ở Tp.Hồ Chí Minh, nhiều doanh nghiệp cho rằng, kinh doanh phải có lợi nhuận và tăng trưởng, nhưng làm sao để hướng đến phát triển bền vững thì cần đặt người tiêu dùng làm trọng tâm.

Đồng thời, nắm bắt hành vi tiêu dùng trong bối cảnh xu hướng thị trường thay đổi nhanh, đòi hỏi những giải pháp cụ thể là yếu tố sống còn của thương hiệu, cũng như doanh nghiệp.

Ông Lý Huy Sáng, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Minh Long I (Minh Long I) cho biết, đối tượng khách hàng của doanh nghiệp thay đổi theo thời gian và hiện nay quan tâm đến tính phát triển bền vững của sản phẩm. Trước thực trạng này, doanh nghiệp phải làm thương hiệu theo hành vi của người tiêu dùng bằng những hành động thiết thực như đổi mới sáng tạo và giới thiệu ra thị trường sản phẩm mới đảm bảo tạo tác động đến sự phát triển bền vững.

Tại Minh Long I, doanh nghiệp đã tập trung vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm và chuyển đổi quy trình sản xuất giảm phát thải nhà kính, tái chế nguyên liệu – phụ phẩm trong dây chuyền sản xuất, tận dụng mọi tài nguyên thiên nhiên tránh lãnh phí… Hơn thế, Minh Long I còn chú trọng mẫu mã, chủng loại sản phẩm, và tăng cường tính năng tiện ích, bền vững khi tung ra thị trường, đến với người tiêu dùng.

Tương tự, bà Lê Thanh Tú, Giám đốc Tiếp thị và Phát triển bền vững, Nestlé Waters Việt Nam cho hay, doanh nghiệp có nhiều sáng kiến cam kết phát triển bền vững và xác định giải pháp phù hợp với từng thị trường; trong đó có thị trường Việt Nam. Điển hình, doanh nghiệp đưa ra giải pháp bao bì tái chế và định hướng người tiêu dùng, khách hàng quan tâm đến sức khỏe, duy trì năng lượng tốt cho hoạt động hàng ngày.

Theo đó, ban đầu doanh thu có thể chậm hoặc chững lại, nhưng sau thời gian triển khai chiến lược phát triển bền vững lấy người tiêu dùng làm một trong những yếu tố trọng tâm thì phát huy hiệu quả giúp doanh nghiệp định vị lại thương hiệu và doanh thu tăng cao hơn. Chiến lược phát triển bền vững của doanh nghiêp cũng đảm bảo tiêu chí sản phẩm đáp ứng yêu cầu khách hàng bằng việc đa dạng phiên bản; phát triển thông điệp giáo dục cộng đồng… đòi hỏi doanh nghiệp phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, thu gom bao bì và tái chế "chai trong chai" đảm bảo vệ môi trường.

Nhiều doanh nghiệp khác cũng chia sẻ, cùng với những thành công, thì câu chuyện làm thương hiệu cũng đối mặt với một số thách thức như vấn đề quyền sở hữu trí tuê, bởi đầu tư nghiên cứu, đổi mới sáng tạo rất tốn kém nhưng sản phẩm, dịch vụ khi tung ra thị trường luôn có rủi ro về nguy cơ sao chép và bị "sao chép". Ngoài ra, phát triển bền vững đòi hỏi nhiều yếu tố và doanh nghiệp dễ bị "lạc lối" nên khi lấy người tiêu dùng làm trọng tâm bắt buộc phải nắm bắt được xu hướng thị trường, đồng thời với sự phát triển kinh tế - xã hội – môi trường.

Theo báo cáo nghiên cứu "Thực trạng Việt Nam: Hành vi tiêu dùng bền vững của người tiêu dùng" công bố tại chuỗi tọa đàm cũng cho thấy, khách hàng Việt Nam xem trọng tính bền vững với 75% khách hàng cho rằng họ rất/khá quen thuộc với khái niệm bền vững. Cùng với đó, có 81% khách hàng tham gia khảo sát cho rằng, nỗ lực hướng đến sự bền vững của thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong quyết định mua hàng của họ.

Ngoài ra, người tiêu dùng lớn tuổi, đặc biệt với thu nhập cao có mức độ sẵn sàng trả nhiều hơn cho nhóm sản phẩm bền vững và 72% sẵn sàng trả thêm 10% hoặc cao hơn. Những con số này cho thấy, người tiêu dùng có hiểu biết và tiếp nhận tốt về các vấn đề bền vững, trong khi đó thương hiệu có thể đóng một vai trò quan trọng để tăng cường sự liên kết của họ giữa những vấn đề về con người, kinh doanh với bền vững.

Một số chuyên gia nhận định, thương hiệu với những sáng kiến có thể thay đổi hành vi người tiêu dùng và cũng chính người tiêu dùng sẽ là yếu tố quan trọng giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu. Bên cạnh đó, thương hiệu mạnh sẽ thúc đẩy tăng doanh số bán hàng và thị phần cho doanh nghiệp, quốc gia và vùng lãnh thổ trên thị trường toàn cầu.

Để vượt qua những thách thức trên con đường xây dựng thương hiệu phát triển bền vững, doanh nghiệp cần định hướng thương hiệu mang tính mục đích dựa trên những quy tắc, gồm tạo động lực cho người tiêu dùng, bám sát vào sản phẩm, hành động tạo tác động xã hội, thể hiện cá nhân hóa trong cộng đồng, định ra những tiêu chuẩn xã hội mới. Đặc biệt, thông điệp của thương hiệu phải thể hiện được giá trị đang không ngừng phát triển, mang lại tác động tích cực cho người tiêu dùng, đóng góp vào sự phát triển vững của con người và hành tinh.

Thương hiệu cần được sự chấp nhận của người tiêu dùng, khách hàng khi đưa ra lời quảng bá, nên doanh nghiệp phải cung cấp cách tiếp cận các thông tin công khai một cách dễ dàng nhằm hỗ trợ cho các lời quảng bá và xây dựng niềm tin thương hiệu. Trong bối cảnh, nhiều thương hiệu kích hoạt các hoạt động bền vững, nên thương hiệu của doanh nghiệp cần mới mẻ, gần gũi, sáng tạo và đảm bảo tính cá biệt.

Phân tích cụ thể, ông Roberto Sosa Jerez, Chuyên gia tư vấn chuyển đổi doanh nghiệp, Tập đoàn Thales (Pháp) chỉ ra rằng, người tiêu dùng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến quá trình sản phẩm, dịch vụ được tạo ra như thế nào, chứ không dừng lại ở chất lượng, giá cả… Do đó, doanh nghiệp muốn thay đổi tư duy tiêu dùng của khách hàng thì phải đổi mới sáng tạo để thiết kế nên một chu kỳ tiêu dùng khép kín và dễ dàng ứng dụng trong đời sống và kể và câu chuyện phía sau quy trình sản xuất sản phẩm.

Ông Roberto Sosa Jerez cũng nhấn mạnh, có khoảng cách giữa nói và làm nên vai trò của thương hiệu là không chỉ quảng bá hình ảnh doanh nghiệp, mà là truyền tải triết lý, văn hóa doanh nghiệp; câu chuyện sản xuất kinh doanh và nỗ lực của người lao động phía sau sản phẩm, dịch vụ. Tại Việt Nam đang trải qua những giai đoạn phát triển bền vững sẽ có điều kiện thuận lợi học hỏi bài học kinh nghiệm của các quốc gia đã phát triển để xây dựng nên những thương hiệu quốc gia mạnh trên thị trường toàn cầu.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cau-chuyen-doanh-nghiep-lam-thuong-hieu-theo-hanh-vi-tieu-dung-viet/354274.html
Zalo