'Bão' giá khí đốt – Cú sốc mới cho kinh tế châu Âu?

Giá khí đốt châu Âu đang leo thang chóng mặt, đẩy nền kinh tế khu vực vào vòng xoáy bất ổn mới. Đâu là nguyên nhân và tác động ra sao? Liệu có lối thoát nào trước nguy cơ lạm phát và suy thoái kép?

Trạm nén khí đốt ở Ihtiman, Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Trạm nén khí đốt ở Ihtiman, Bulgaria. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang tin châu Âu Euronews.com, thị trường khí đốt châu lục này đang chứng kiến một đợt tăng giá đáng báo động. Chỉ số Trung tâm Giao dịch Khí đốt TTF Hà Lan (hay Cơ sở chuyển nhượng quyền sở hữu Hà Lan) - thước đo quan trọng của thị trường khí đốt châu Âu - đã tăng 16% trong tháng 11, đạt mức 46 euro/megawatt-giờ (MWh). Đây là mức cao nhất kể từ tháng 10/2023.

Điều đáng chú ý là giá khí đốt đã có sự biến động mạnh mẽ so với mức đáy ba năm vào tháng 2 năm nay, khi chỉ còn dưới 25 euro/MWh. Đến ngày 22/11, hợp đồng TTF tháng 12 năm nay đã leo lên mức 47 euro/MWh.

Nguyên nhân và dự báo

Đợt tăng giá này được cho là kết quả của nhiều yếu tố xấu cộng hưởng. Theo báo cáo của Quantum Commodity Intelligence, một đợt lạnh bất thường đã tràn vào khu vực Tây Bắc Âu và Đông Bắc Mỹ, khiến nhu cầu sưởi ấm tăng cao đột biến.

Cùng lúc đó, sản lượng điện gió suy giảm buộc các nhà máy điện phải chuyển sang sử dụng khí đốt nhiều hơn. Hậu quả là mức dự trữ khí đốt của châu Âu đã giảm xuống dưới 90% công suất.

Tình hình địa chính trị càng làm trầm trọng thêm vấn đề. Việc tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga bất ngờ ngừng cung cấp khí đốt cho Áo gần đây đã gây ra lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung trên diện rộng. Thêm vào đó, thỏa thuận vận chuyển đường ống giữa Nga và Ukraine sắp hết hạn vào cuối năm 2024, đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp chiếm 5% nhu cầu khí đốt của châu Âu.

Goldman Sachs đã đưa ra những dự báo không mấy lạc quan về tình hình thị trường khí đốt châu Âu. Ngân hàng này ước tính nhu cầu sưởi ấm có thể tăng thêm 46 triệu mét khối khí đốt mỗi ngày so với năm trước. Điều này có thể khiến mức dự trữ khí đốt chỉ còn 40% công suất vào cuối tháng 3/2025, thấp hơn nhiều so với mức 53% của tháng 3/2024.

Trước tình hình này, Goldman Sachs đã nâng dự báo giá TTF năm 2025 lên 40 euro/MWh, tăng so với mức 34 euro trước đó. Đặc biệt, trong kịch bản xấu nhất, bao gồm việc trì hoãn các dự án LNG (khí tự nhiên hóa lỏng), nhu cầu cao bất thường từ châu Á và thời tiết khắc nghiệt, giá có thể tăng vọt lên tới 77 euro/MWh.

Tác động đến nền kinh tế châu Âu

Đợt tăng giá này đang gây ra những lo ngại nghiêm trọng về tác động kinh tế. Chi phí năng lượng tăng cao sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chi tiêu của các hộ gia đình và hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, từ đó có thể cản trở đà phục hồi kinh tế và thúc đẩy lạm phát ở "Lục địa già".

Cùng với đó, các ngành công nghiệp năng lượng cao của châu Âu đang đứng trước nguy cơ mất lợi thế cạnh tranh so với đối thủ ở những khu vực có chi phí năng lượng thấp hơn. Điều này có thể buộc các nhà hoạch định chính sách châu Âu phải cân nhắc việc tăng trợ cấp năng lượng hoặc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.

Tuy nhiên, một điểm sáng là mức giá hiện tại vẫn thấp hơn so với đỉnh điểm 350 euro/MWh vào mùa hè 2022. Điều này cho thấy thị trường đã có những bước tiến trong việc thích nghi với tình hình mới, dù vẫn còn nhiều thách thức phía trước.

Công Thuận/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bao-gia-khi-dot-cu-soc-moi-cho-kinh-te-chau-au-20241125191112561.htm
Zalo