Cắt giảm thủ tục hành chính: Còn băn khoăn về tính thực chất

Với sự chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn còn băn khoăn về tính thực chất, hiệu quả của việc cắt giảm thủ tục hành chính ở không ít bộ, ngành, địa phương.

Những tín hiệu tích cực

Theo Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công, những năm qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong việc cắt giảm điều kiện kinh doanh, cải cách TTHC, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn. Nhiều quy định đã được sửa đổi theo hướng đơn giản hóa, minh bạch và thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

Trên cơ sở chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành đã cắt giảm và đang tiếp tục lên phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC, nhất là các thủ tục liên quan tới sản xuất, kinh doanh. Phó tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn cho biết, qua nghiên cứu các dự thảo phương án cắt giảm, đơn giản hóa TTHC được gửi lấy ý kiến doanh nghiệp thì thấy các phương án này nhìn chung sẽ tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp.

 Thủ tục hải quan đã có nhiều cải tiến theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: THÙY LINH

Thủ tục hải quan đã có nhiều cải tiến theo hướng tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp. Ảnh: THÙY LINH

Việc phân cấp, phân quyền giải quyết TTHC cũng được đẩy mạnh. Kết quả thống kê của VCCI cho thấy, năm 2024, các bộ, ngành phân cấp, phân quyền giải quyết 172 TTHC. Tính theo giai đoạn 2022-2024, 19 bộ, ngành đã thực hiện phân cấp, phân quyền giải quyết 328 TTHC. Việc phân cấp, phân quyền giải quyết TTHC cho các địa phương đã tạo thuận lợi đáng kể cho doanh nghiệp, nhất là các thủ tục liên quan đến thực hiện dự án đầu tư. “Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao việc phân cấp này”, ông Đậu Anh Tuấn nói.

Một tín hiệu tích cực nữa, theo ông Phạm Tấn Công, đó là cộng đồng doanh nghiệp ngày càng chủ động hơn trong việc góp ý, phản biện chính sách. Nhiều chính sách ban hành trong năm 2024 đã thể hiện rõ dấu ấn từ thực tiễn doanh nghiệp.

Thủ tục hành chính sau phân cấp gần như không thay đổi

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp trong Báo cáo Dòng chảy pháp luật kinh doanh 2024 vừa được VCCI công bố thì mặc dù phương án mà các bộ, ngành đưa ra có cắt giảm, đơn giản hóa TTHC nhưng vẫn chưa có nhiều đột phá, đôi chỗ còn mang tính hình thức, chưa thực chất, chưa có đánh giá tác động cụ thể về cắt giảm TTHC đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đại diện các doanh nghiệp cho rằng, có những đề xuất còn mang tính nhỏ nhặt. Đặc biệt, một số đề xuất sửa đổi chỉ mang tính lý thuyết, vì thực tế các quy định này đã không còn hiệu lực, việc đưa ra đề xuất chỉ để tính vào số lượng thủ tục được cắt giảm hay đơn giản hóa cho đủ chỉ tiêu. Trong khi đó, rất ít đề xuất cắt bỏ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, bãi bỏ điều kiện kinh doanh, bãi bỏ hoàn toàn các TTHC không thực sự cần thiết. Việc rà soát chủ yếu tập trung ở các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, còn việc kiểm soát các thủ tục quy định trong văn bản mới chưa thực sự được chú trọng, dẫn tới “số quy định tạo gánh nặng cho doanh nghiệp có thể chưa thực sự giảm như tỷ lệ mà bộ đưa ra”. Vì thế, sau mỗi đợt rà soát, cải cách TTHC của các bộ, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp luôn đặt ra câu hỏi về tính thực chất của hoạt động này.

Kết quả nghiên cứu của VCCI đã chỉ ra rằng, trong các phương án phân cấp, phân quyền giải quyết TTHC, rất nhiều đề xuất chỉ đơn thuần theo hướng đưa thẩm quyền từ người đứng đầu cơ quan xuống cho người đứng đầu đơn vị chuyên môn, như từ bộ trưởng đưa xuống cho cục trưởng, từ chủ tịch UBND cấp tỉnh xuống giám đốc sở; còn trình tự, thời gian giải quyết TTHC không hề thay đổi. “Dưới góc độ của đối tượng thực hiện TTHC, thủ tục sau phân cấp gần như không thay đổi, trong khi đáng lẽ ra, việc phân cấp này sẽ giảm các tầng nấc trung gian và thời gian giải quyết thủ tục sẽ rút ngắn”, ông Đậu Anh Tuấn nhìn nhận.

Một vấn đề khác, các doanh nghiệp cho rằng, các bộ, ngành thường chỉ dựa vào các phương án phân cấp đã được phê duyệt để sửa đổi các văn bản pháp luật tương ứng. Hoạt động soạn thảo văn bản với mục tiêu tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân về TTHC đôi khi còn máy móc, chỉ sửa đổi những gì được phê duyệt mà không cân nhắc, xem xét các vấn đề khác. Điều này cũng gây ra tình trạng lãng phí vì phải soạn thảo nhiều lần để giải quyết vướng mắc, bất cập, trong khi có thể giải quyết trong một lần.

Chi phí tuân thủ tăng cũng là vấn đề được doanh nghiệp nêu ra. Giám đốc Công ty TNHH ExtendMax Việt Nam Trần Thanh Phương dẫn ý kiến từ khách hàng của doanh nghiệp cho biết, chi phí thử nghiệm và hợp quy cho một số sản phẩm điện tử thậm chí còn tăng so với trước đây.

Với thực tiễn còn không ít vướng mắc như vậy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo rất quyết liệt về việc tiếp tục cải cách thể chế, cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh hiện có, giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính và chi phí kinh doanh, chi phí không chính thức; phấn đấu trong 2-3 năm tới, môi trường đầu tư của Việt Nam nằm trong nhóm 3 nước đứng đầu ASEAN. Hiện nay, Chính phủ đang rất quyết liệt triển khai chương trình cải cách theo định hướng này, cho nên trong thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ có những thay đổi mạnh mẽ và thực chất hơn nữa trong cắt giảm các TTHC, tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp.

CHIẾN THẮNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/cat-giam-thu-tuc-hanh-chinh-con-ban-khoan-ve-tinh-thuc-chat-828810
Zalo