Doanh nghiệp có Nghị quyết 68 như 'nắng hạn gặp cơn mưa rào'

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Chính phủ sẵn sàng tiếp nhận các đề xuất cũng như lắng nghe những băn khoăn, lo lắng của cộng đồng doanh nghiệp để triển khai tốt việc thực hiện Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Sáng 18-5, tại Hội nghị toàn quốc quán triệt và triển khai thực hiện hai Nghị quyết 66 và 68 của Bộ Chính trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian lắng nghe, giải đáp một số vấn đề doanh nghiệp nêu.

Doanh nghiệp nhiều lúc bị bó tay, bó chân

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco, nêu Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đã xác định kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế.

Theo ông, đây là sự thay đổi mang tính chiến lược, đột phá, với tầm nhìn bao trùm, nhận định đúng về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế. Đồng thời, xóa bỏ triệt để nhận thức, quan điểm, thái độ, định kiến về kinh tế tư nhân.

 Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Geleximco Vũ Văn Tiền. Ảnh: PHẠM THẮNG

“Chúng tôi khẳng định đây là cuộc cách mạng toàn diện về việc giải phóng lực lượng sản xuất. Tôi cảm nhận Nghị quyết 68 giống như “nắng hạn gặp cơn mưa rào”. Bao năm nay doanh nghiệp tư nhân rất bức xúc, rất khó chịu, rất muốn cống hiến mà không thể làm được, nhiều lúc bị bó tay, bó chân. Điều này nay đã được Bộ Chính trị, Ban Bí thư giải phóng cho chúng tôi”- ông Tiền nói.

Quan tâm đến vấn đề thực thi Nghị quyết, ông Tiền kiến nghị nên để một bộ phận, một tổ chức, cơ quan độc lập thực hiện giám sát, đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh, chỉ số tuân thủ, chỉ số chấp hành thực thi hiệu quả của các bộ, ngành địa phương.

Đây cũng là kênh tiếp nhận những vấn đề phản ánh của DN, người dân, để những vướng mắc, khó khăn và không thực thi Nghị quyết 68 được phản ánh lên Tổng Bí thư và Thủ tướng. Ông kiến nghị nên giao cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện việc này.

Xây dựng Cổng pháp lý số để giảm chi phí cho doanh nghiệp

Là người phát biểu thứ hai, đại diện Hội doanh nhân trẻ Việt Nam hỏi: Chính phủ có chương trình số hóa văn bản quy phạm pháp luật thế nào để giúp cộng đồng doanh nghiệp tra cứu dễ dàng, xem được tiến độ giải quyết pháp lý để giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí?

 Đại diện Hội doanh nhân trẻ Việt Nam. Ảnh: PHẠM THẮNG

Đại diện Hội doanh nhân trẻ Việt Nam. Ảnh: PHẠM THẮNG

Giải đáp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay ông đã giao việc này cho Bộ trưởng Bộ Tư pháp, xây dựng Cổng pháp lý số để trên cơ sở đó, các DN, doanh nhân tiếp cận các chính sách, chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước thuận lợi hơn, giảm chi phí.

Mặt khác, doanh nhân, doanh nghiệp thông qua cổng pháp lý số này đóng góp cho xây dựng chính sách cũng như hoàn thiện thể chế trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị, Nghị quyết 198 của Quốc hội và Nghị quyết 139 của Chính phủ.

“Doanh nghiệp đỡ phải đến, đỡ phải đi hỏi, đỡ phải làm việc với các cơ quan khi các công việc được xử lý trên Cổng pháp lý số này. Nói tóm lại là thực hiện chuyển đổi số ngay trong việc thực hiện Nghị quyết 68 này”- Thủ tướng nói.

30 tỉ để thuê 1ha đất, doanh nghiệp nhỏ lấy đâu ra tiền?

Ông Vương Quốc Toàn, Chủ tịch tập đoàn bất động sản Lan Hưng chuyên về phân khúc nhà ở xã hội, cho biết đất và vốn là hai vấn đề chủ đạo để DN vừa và nhỏ có điều kiện để sản xuất.

Theo ông Toàn, hiện nay, hàng triệu DN vừa và nhỏ, nhất là các hộ sản xuất, không có đất để sản xuất, kinh doanh. Đất ở các khu công nghiệp phải từ 1ha trở lên mới cho thuê, trong khi các doanh nghiệp vừa và nhỏ chỉ có 3,4 tỉ hay 5,7 tỉ nhưng cũng giải quyết cho hàng chục lao động.

 Chủ tịch tập đoàn bất động sản Lan Hưng Vương Quốc Toàn. Ảnh: PHẠM THẮNG

Chủ tịch tập đoàn bất động sản Lan Hưng Vương Quốc Toàn. Ảnh: PHẠM THẮNG

“1 ha như vậy muốn thuê cũng phải mất khoảng 30 tỉ, doanh nghiệp vừa và nhỏ lấy đâu ra tiền”- ông Toàn nói và kiến nghị Trung ương chỉ đạo các địa phương mở các khu công nghiệp cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hộ kinh doanh thuê từ 2.000 đến 5.000 m2 trở lại.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Nghị quyết 68 nêu rõ các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế, xác định quỹ đất đối với từng khu công nghiệp, cụm công nghiệp đảm bảo bình quân tối thiểu 20 ha/khu, cụm công nghiệp hoặc 5% tổng quỹ đất đã đầu tư kết cấu hạ tầng dành cho các doanh nghiệp.

Chính phủ tới đây sẽ ban hành nghị định để cụ thể hóa các quy định của Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 198 của Quốc hội, theo người đứng đầu Chính phủ.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính giải đáp ý kiến của doanh nghiệp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Thủ tướng Phạm Minh Chính giải đáp ý kiến của doanh nghiệp. Ảnh: PHẠM THẮNG

Liên quan đến việc tiếp cận vốn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, Thủ tướng cho biết Nghị quyết yêu cầu có chính sách ưu tiên một phần nguồn tín dụng thương mại để dành cho doanh nghiệp tư nhân, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa...

“Có hết trong Nghị quyết rồi, bây giờ phải thể chế hóa. Nghị quyết 139 của Chính phủ đã giao cho Ngân hàng nhà nước triển khai phù hợp với tình hình”- Thủ tướng cho hay Thống đốc Ngân hàng nhà nước sẽ ban hành hướng dẫn cụ thể thực hiện nội dung này.

“Chủ trương rất rõ rồi, yên tâm hoàn toàn. Quá trình tổ chức thực hiện phải có điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện của đất nước”- Thủ tướng nói thêm và khẳng định Chính phủ sẵn sàng tiếp nhận các đề xuất cũng như lắng nghe những băn khoăn, lo lắng của cộng đồng doanh nghiệp để giải quyết thấu đáo các vấn đề.

ĐỨC MINH

NGUYỄN THẢO

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/doanh-nghiep-co-nghi-quyet-68-nhu-nang-han-gap-con-mua-rao-post850361.html
Zalo