Cập nhật mới nhất tình hình ca viêm não ở Thái Bình

Thông tin mới nhất về các trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh nam thanh niên 17 tuổi bị viêm não mô cầu ở xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình.

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật (CDC) tỉnh Thái Bình cho biết, CDC Thái Bình hiện đang theo dõi chặt chẽ 74 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh viêm não mô cầu ở xã An Ấp, huyện Quỳnh Phụ.

Bệnh nhân là em N.T.T. (17 tuổi) có biểu hiện sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ kèm đau rát vùng hầu họng, được gia đình đi mua thuốc và tự điều trị tại nhà. Ngày 17/3, sau khi đi học về, em T. có biểu hiện đau mỏi người kèm nôn, có uống thuốc nhưng không đỡ, được gia đình đưa đến Bệnh viện Đa khoa Quỳnh Phụ khám và được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình. Sau đó, tình trạng bệnh nhân nặng lên và được chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai khám, điều trị.

Kết quả xét nghiệm PCR cho thấy bệnh nhân dương tính với não mô cầu và được chẩn đoán viêm màng não mô cầu, biến chứng viêm cơ tim cấp, nhồi máu não.

Đốm xuất huyết xuất hiện ở bệnh nhân mắc viêm não mô cầu. Ảnh minh họa của CDC Thái Bình

Đốm xuất huyết xuất hiện ở bệnh nhân mắc viêm não mô cầu. Ảnh minh họa của CDC Thái Bình

Chiều 27/3, trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Nguyễn Đình Triệu - Trạm trưởng Trạm y tế xã An Ấp - cho biết, hiện tại, sức khỏe của các trường hợp tiếp xúc gần với ca mắc viêm não mô cầu đều ổn định.

Sau khi ca bệnh được phát hiện, Trạm Y tế xã An Ấp đã hướng dẫn gia đình bệnh nhân và người dân trong khu vực ổ dịch thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh nơi ở. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ người tiếp xúc gần, sử dụng kháng sinh uống dự phòng.

Ngoài ra, CDC tỉnh Thái Bình phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Quỳnh Phụ theo dõi sát sao tình hình ổ dịch và triển khai các hoạt động điều tra, xử lý ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh theo quy định.

Theo các chuyên gia y tế, một trong những biện pháp phòng bệnh quan trọng là tiêm vaccine. Tuy nhiên, không phải cứ tiêm vaccine là có thể phòng được tất cả các chủng vi khuẩn gây bệnh.

Bên cạnh việc tiêm phòng, các biện pháp phòng bệnh khác như giữ vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và tránh tiếp xúc gần với người bệnh cũng rất quan trọng để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm vì bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là bệnh lây lan theo đường hô hấp.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (nay là Cục Phòng bệnh, Bộ Y tế) - viêm não mô cầu là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, nhưng điểm đặc biệt là không nhất thiết chỉ lây lan ở những vùng có dịch bùng phát mạnh.

"Người mắc bệnh không cần thiết phải từng đến vùng thông báo có dịch mới có nguy cơ nhiễm bệnh. Ngay cả những trường hợp chưa đi đến vùng dịch hoặc chưa tiêm vaccine vẫn có khả năng mắc bệnh nếu tiếp xúc với người mang mầm bệnh", PGS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Thanh Minh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cap-nhat-moi-nhat-tinh-hinh-ca-viem-nao-o-thai-binh-380316.html
Zalo