Cấp đông, nâng giá trị sầu riêng
Từ con số không, Lưu Hoàng Tuấn (33 tuổi) khởi nghiệp với sầu riêng tại huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng. Bằng việc chế biến cấp đông để nâng cao giá trị, Cty đạt doanh thu trên 5 tỷ đồng mỗi năm, tạo công ăn việc làm cho hàng chục thanh niên tại địa phương. Mới đây, anh Tuấn vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2024 do T.Ư Đoàn tổ chức.
![Anh Lưu Hoàng Tuấn (bên trái) vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2024](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_20_51427357/f753338d09c3e09db9d2.jpg)
Anh Lưu Hoàng Tuấn (bên trái) vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2024
Từ ước mơ đến khởi nghiệp
Lưu Hoàng Tuấn sinh ra trong một gia đình công nhân viên chức, không có nền tảng về nông nghiệp. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp.
Tới những năm 2010, huyện Đạ Huoai chủ yếu trồng điều, một loại cây có giá trị kinh tế thấp. Năm 2017, sau một thời gian mua bán sầu riêng, anh Tuấn nhận ra loại quả này có nhiều tiềm năng. Thời gian này, các thị trường nước ngoài ưa chuộng sầu riêng cấp đông vì hương vị đặc biệt và thời gian bảo quản lâu hơn. Tuấn nhìn thấy cơ hội. “Sầu riêng rất khó bảo quản và vận chuyển. Khi đó, tôi nghĩ, tại sao không chế biến sầu riêng để bảo quản lâu hơn và nâng cao giá trị? Ý tưởng chế biến sầu riêng cấp đông chín tự nhiên ra đời từ đó”, anh Tuấn chia sẻ.
Nghĩ là làm. Anh Tuấn tìm hiểu đủ thứ. Từ kỹ thuật cấp đông nhanh, cách giữ mùi hương tự nhiên, cho đến bao bì xuất khẩu. Ban đầu, anh Tuấn gặp rất nhiều khó khăn, vấn đề lớn nhất là vốn. Anh phải vay ngân hàng để mua đất là cơ sở chế biến và đầu tư hạ tầng. “Những ngày đầu, tôi thất bại nhiều lần, nhất là khi thử nghiệm công nghệ chế biến. Ước tính thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè, Đoàn Thanh niên và Hội Nông dân, tôi vẫn tiếp tục kiên trì”, anh Tuấn nói.
Năm 2021, anh thành lập Cty TNHH Nông sản Bảo Thi. Cty tập trung chế biến sầu riêng cấp đông chín tự nhiên, đảm bảo chất lượng quả đạt 95% so với sầu riêng tươi. "Tôi muốn sản phẩm của mình không chỉ giữ được hương vị thơm ngon mà còn bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng", anh Tuấn cho hay.
Để đảm bảo nguồn cung ứng ổn định, anh Tuấn đã mua đất trồng sầu riêng. Năm 2017, đất trồng điều rất rẻ, anh quyết định mua và chuyển đổi sang trồng sầu riêng. Theo anh Tuấn, đây là một bước đi mạo hiểm, nhưng đến năm 2025, vùng nguyên liệu này sẽ cho sản lượng lớn, dự kiến đạt 40 tấn/năm.
“Tôi muốn sầu riêng Đạ Huoai trở thành một thương hiệu quốc gia, nâng cao giá trị nông sản quê hương và giúp bà con cải thiện đời sống. Hiện Cty đang tạo công ăn việc làm 5 nhân viên chính thức, 10 nhân viên thường xuyên và hơn 50 nhân công thời vụ”.
Anh Lưu Hoàng Tuấn
Tập trung nâng cao chất lượng
Ngoài vùng trồng của gia đình, Cty của anh Tuấn còn hợp tác với 5 hợp tác xã trên địa bàn huyện Đạ Huoai, xây dựng 12 mã vùng trồng đạt chuẩn với tổng diện tích hơn 450ha. Sản lượng hàng năm dự kiến lên tới 5.000 tấn sầu riêng tươi. “Liên kết với các hợp tác xã giúp tôi mở rộng vùng nguyên liệu, đảm bảo nguồn cung ổn định cho chế biến”, anh Tuấn giải thích.
Anh Tuấn cũng nhấn mạnh, một số nông dân hiện chỉ tập trung vào mẫu mã và trọng lượng, bỏ qua chất lượng bên trong quả sầu riêng. Điều này ảnh hưởng lớn đến thương hiệu địa phương. Chính vì vậy, anh luôn cố gắng thay đổi nhận thức bằng cách hỗ trợ họ áp dụng tiêu chuẩn canh tác tốt.
Hiện tại, Cty Nông sản Bảo Thi sở hữu nhà máy chế biến và đóng gói rộng 1.200m2, với hệ thống kho cấp đông có khả năng xử lý 3 tấn/mẻ trong 8 giờ và kho trữ lạnh chứa 30 tấn. Khu vực đóng gói có công suất đạt 4 container mỗi ngày. Các sản phẩm chính như sầu riêng cấp đông chín tự nhiên - sầu được chế biến để giữ trọn hương vị và chất lượng, phục vụ thị trường nội địa; Các loại sầu riêng tươi như Dona và Ri6, cung cấp theo đơn đặt hàng của đối tác Trung Quốc và thị trường nội địa.
“Hiện tổng vốn đầu tư cho dự án lên tới 6 tỷ đồng, trong đó phần lớn là vốn vay ngân hàng. Dù vậy, công ty đã đạt doanh thu hàng năm trên 5 tỷ đồng, với lợi nhuận trung bình 500 triệu đồng. “Con số này không lớn so với quy mô thị trường, nhưng với tôi, đây là động lực để tiếp tục”, anh Tuấn nói.
Theo chàng trai trẻ, hiện tại việc tiếp cận khó khăn nhất vẫn là nguồn vốn để mở rộng diện tích vùng nguyên liệu kết hợp dịch vụ du lịch Farmstay. Bên cạnh đó, một số chính sách về cơ chế như mở rộng mặt bằng để triển khai xây dựng và cơ sở sản xuất chưa phù hợp khiến Cty gặp khó khăn. Đồng thời tỉnh chưa có cơ chế siết chặt quản lý chất lượng sầu riêng tại vùng nguyên liệu khiến đầu ra gặp khó.
Anh Lưu Lập Đức - Phó chủ nhiệm Mạng lưới Lương Định Của toàn quốc cho hay, cách làm của bạn trẻ Lưu Hoàng Tuấn rất hay, dám nghĩ dám làm. Mô hình sản xuất sầu riêng cấp đông là một thị trường đầy tiềm năng hướng xuất khẩu.