Trung Quốc tiếp tục 'gom' vàng dù giá cao kỷ lục
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mua vàng để dự trữ trong tháng thứ ba liên tiếp dù giá kim loại quí này tăng tốc lên mức cao kỷ lục.
![Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mua thêm vàng gần 5 tấn trong tháng 1, đánh dấu tháng mua ròng thứ ba liên tiếp dù kim loại quí này tăng lên mức cao kỷ lục. Ảnh: Shutterstock](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_08_112_51427634/3a6d4fcb75859cdbc594.jpg)
Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) mua thêm vàng gần 5 tấn trong tháng 1, đánh dấu tháng mua ròng thứ ba liên tiếp dù kim loại quí này tăng lên mức cao kỷ lục. Ảnh: Shutterstock
Theo dữ liệu chính thức công bố hôm 7-2, khối lượng vàng dự trữ của PBoC trong tháng 1 tăng thêm 0,16 triệu troy ounce ( 1 troy ounce = 1,097 ounce), tương đương gần 5 tấn.
Tính đến cuối tháng 1, dự trữ vàng của PBoC là 73,45 triệu ounce vàng (tương đương 2.285 tấn), so với 73,29 triệu ounce vàng vào cuối tháng trước đó. Giá trị dự trữ vàng của PBoC đã tăng lên 206,53 tỉ đô la Mỹ vào cuối tháng trước từ mức 191,34 tỷ đô la vào cuối tháng 12-2024.
PBoC mua ròng vàng trong 18 tháng liên tục trước khi tạm dừng mua vào tháng 5 ngoái, rồi nối lại hoạt động mua vào tháng 11 năm ngoái.
Động thái mua thêm vàng cho thấy cam kết của PBoC trong việc đa dạng hóa tài sản dự trữ ngay cả khi vàng ở mức cao kỷ lục trong bối cảnh bất ổn về địa chính trị và kinh tế.
Giá kim loại quí này phá vỡ nhiều kỷ lục trong năm nay, phần lớn là do sự bất ổn xung quanh chính sách thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, làm gia tăng lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu và áp lực lạm phát.
“Tôi nghĩ việc PBoC mua thêm vàng cho thấy Bắc Kinh lo ngại cuộc chiến thương mại (với Mỹ) sẽ kéo dài”, Ross Norman, nhà phân tích kim loại độc lập ở London nói.
Mỹ áp mức thuế bổ sung 10 % đối với tất cả hàng nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ ngày 4-2 và Bắc Kinh áp thuế trả đũa từ 10-15% đối với than, dầu thô, LNG, thiết bị nông nghiệp và một số sản phẩm ô tô từ Mỹ, có hiệu lực từ ngày 10-2.
“PBoC có thể sẽ tiếp tục đa dạng hóa tài sản dự trữ trong dài hạn do tình hình bất ổn địa chính trị gia tăng”, David Qu, nhà kinh tế tại Bloomberg Economics nói.
Trong báo cáo gần đây, Hội đồng Vàng thế giới (WGC) nhận định, khu vực ngân hàng trung ương tiếp tục điều khiển thị trường trong năm 2025 với sự hỗ trợ của các nhà đầu tư quỹ hoán đổi danh mục (ETF) vàng.
“Bất ổn kinh tế và địa chính trị vẫn ở mức cao trong năm 2025 và có thể như thường lệ, các ngân hàng trung ương sẽ một lần nữa hướng đến vàng như là một tài sản chiến lược ổn định”, WGC cho biết.
Mặc dù Trung Quốc tăng đáng kể lượng vàng dự trữ nhưng kim loại quí này vẫn chỉ chiếm khoảng 5% tổng dự trữ ngoại hối quốc gia. Nhiều nhà phân tích cho rằng, Trung Quốc còn nhiều dư địa để tăng lượng vàng dự trữ lên 10% tổng dự trữ ngoại hối, ngang bằng hơn với tỷ lệ dự trữ vàng của ngân hàng trung ương ở các thị trường phát triển khác.
Krishan Gopaul, chuyên gia phân tích cao cấp phụ trách khu vực châu Âu, Trung Đông và châu Phi của WGC lưu ý, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất mua vàng trong tháng 1. Dữ liệu từ Ngân hàng quốc gia Ba Lan (NBP) cho thấy, ngân hàng này đã mua 3 tấn vàng trong tháng 1.
“Điều này nâng tổng dự trữ vàng của Ba Lan lên 451 tấn, cao hơn 26% so với tháng 1-2024”, Gopaul nói và lưu ý thêm, Ba Lan là nước mua vàng nhiều nhất năm ngoái khi NBP tăng dự trữ thêm 90 tấn.
Gopaul cho biết thêm, Ngân hàng quốc gia Séc cũng đã mua 3 tấn vàng trong tháng 1. Cuối cùng, Uzbekistan là nước mua vàng lớn nhất vào tháng trước khi ngân hàng trung ương nước này mua 8 tấn vàng.
Trong một diễn khác, hôm 7-2, Cơ quan Quản lý tài chính quốc gia Trung Quốc (NFRA) công bố chương trình thí điểm cho phép một số công ty bảo hiểm trong nước đầu tư vào vàng để đa dạng hóa quỹ bảo hiểm và tăng cường năng lực quản lý rủi ro.
Chương trình thí điểm đưa ra danh sách 10 công ty bảo hiểm sẽ được phép đầu tư vào vàng bằng cách thực hiện các giao dịch bao gồm hợp đồng giao ngay trên Sàn giao dịch vàng Thượng Hải (SGE).
Theo nhiều nhà phân tích, chương trình sẽ mở rộng nhu cầu của các tổ chức và có thể hỗ trợ giá vàng ở Trung Quốc trong dài hạn tùy thuộc vào nhu cầu của các quỹ bảo hiểm.
“Chắc chắn sẽ có tác động tích cực về mặt nhu cầu mới. Tất nhiên, điều chúng ta không biết là các công ty bảo hiểm ở Trung Quốc muốn bao nhiêu vàng”, nhà phân tích Rhona O’Connell của StoneX nói.
Giá vàng đã tăng tuần thứ 6 liên tiếp. Hôm 7-2, giá vàng giao ngay trên thị trường quốc tế tăng lên mức cao kỷ lục mọi thời, 2.886,81 đô la Mỹ/ounce trước khi thoái lùi và chốt phiên giao dịch ở mức 2.860,39 đô la/ounce, tăng 0,14% so với giá đóng cửa hôm trước đó.
Theo Bloomberg, Business Times, Kitco News