Cạnh tranh tuyển dụng lao động để bảo đảm sản xuất
Nhiều tập đoàn lớn hiện diện tại Việt Nam đang có nhu cầu tuyển dụng tới hàng nghìn lao động để bảo đảm mục tiêu tăng trưởng sản xuất.
Thiếu hụt chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, dịch vụ
Ghi nhận tại Bắc Giang, nhu cầu tuyển nhân sự trong các cụm, khu công nghiệp năm nay rất lớn, như: Công ty TNHH Luxshare-ICT cần tuyển 40.000 người, Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) khoảng 40.000 người, Công ty TNHH Newwing Interconnect Technology cần 11.000 người… Lãnh đạo Foxconn Việt Nam cho biết, ngay quý I/2025, công ty cần tuyển hơn 22.000 lao động.
Không chỉ ở Bắc Giang, nhiều địa phương trong cả nước như: Hà Nội, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hải Dương, Ninh Bình, Phú Thọ, Hải Phòng… cũng có nhu cầu tuyển dụng lượng lớn lao động.

Dệt may là một trong những lĩnh vực có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn. Ảnh minh họa
Tại phiên giao dịch việc làm kết nối lao động, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo tại 13 tỉnh, thành phố vừa diễn ra tại Bắc Giang, nhiều địa phương có chỉ tiêu tuyển dụng trên 1.000 lao động, như: Phú Thọ 6.511 người, Thái Nguyên 6.172 người, Ninh Bình 5.086 người, Nam Định 4.974 người, Hải Dương 4.223 người, Hải Phòng 2.694 người, Hà Nội 2.634 người, Hà Nam 1.044 người…
Nhóm ngành các doanh nghiệp cần nhiều nhân sự nhất là điện - điện tử, tin học, dệt, may, bao bì, giày da, công nghiệp chế biến, chế tạo… Đáng nói, nhu cầu tuyển dụng đầu năm nay trải đều ở các phân khúc lao động, bao gồm cả nhóm có trình độ chuyên môn và lao động phổ thông. Vị trí tuyển mới chủ yếu là lao động chưa qua đào tạo chuyên môn kỹ thuật hoặc không yêu cầu kinh nghiệm.
Theo ông Chou I-Wen - Phó Tổng giám đốc phụ trách tổng bộ Foxconn Việt Nam: Foxconn tại Việt Nam đạt mức tăng trưởng doanh thu hơn 70% trong năm 2024 và đặt mục tiêu tăng trưởng 50% vào năm 2025. Foxconn đang triển khai trên 10 dự án đầu tư quy mô lớn tại 5 tỉnh thành. Với kế hoạch mở rộng sản xuất, ngay quý I/2025, công ty cần tuyển hơn 22.000 lao động đáp ứng nhu cầu.
Thực tế, trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã dự báo, sau Tết, thị trường lao động sẽ có tình trạng thiếu hụt lao động cục bộ tạm thời. Nhu cầu tuyển dụng mới trong quý I/2025 tăng cao, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất, dịch vụ.
Có chính sách tốt để "giữ chân" lao động
Đánh giá của giới chuyên gia, so với mọi năm, thị trường lao động sau Tết Nguyên đán 2025 ổn định hơn, nhờ doanh nghiệp thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội để “giữ chân” người lao động, như: Tặng tiền mặt, quà Tết hoặc thưởng lương tháng thứ 13 cũng được thực hiện để đảm bảo quyền lợi, tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động.
Với vai trò của mình, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã chỉ đạo các cấp công đoàn chủ động tham mưu với cấp ủy, chuyên môn đồng cấp thực hiện các biện pháp ổn định tình hình quan hệ lao động, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, hỗ trợ nguồn lực để tổ chức hoạt động chăm lo cho người lao động tại địa phương, đơn vị; chỉ đạo các cấp công đoàn bố trí nguồn lực, tổ chức có hiệu quả, thiết thực hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động.
Ông Phan Văn Anh - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - cho biết, theo báo cáo nhanh và chưa đầy đủ của các địa phương, đơn vị trong dịp Tết Nguyên đán 2025 có trên 8,6 triệu lượt đoàn viên, người lao động được thụ hưởng các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn, với tổng kinh phí hơn 4.750,5 tỷ đồng.
Báo cáo của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, tiền lương năm 2024 bình quân của người lao động ước đạt 8,88 triệu đồng/tháng, tăng 4% so với năm 2023. Tiền thưởng Tết Âm lịch Ất Tỵ 2025, mức bình quân 7,72 triệu đồng, tăng 13% mức thưởng dịp so với thưởng Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Cũng nhờ làm tốt công tác an sinh xã hội, bảo đảo tiền lương, thưởng nên các cuộc ngừng việc tập thể trước Tết Nguyên đán 2025 giảm cả về tính chất và quy mô. Tính trong tháng 12/2024 và tháng 1/2025, cả nước xảy ra 7 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể tại 5 tỉnh, thành phố, giảm 8 cuộc so với dịp trước Tết Nguyên đán năm 2024. Đây cũng là yếu tố giúp thị trường lao động ổn định hơn.
Đánh giá về thị trường lao động năm 2025, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho hay, qua theo dõi, từ tháng cuối của năm 2024 đã rất sáng sủa, đặc biệt đối với một số lĩnh vực như dệt may, điện tử… Những tháng đầu năm 2025, xu hướng tuyển dụng tốt hơn nữa.
Trong một khảo sát gần đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam liên quan đến tuyển dụng lao động trong ngành dệt may năm 2025, hơn 40% doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng và tuyển dụng lao động tăng thêm cao hơn so với hiện tại, hơn 45% sẽ duy trì lao động ít nhất như hiện nay, chỉ có vài % doanh nghiệp giảm lao động.
Từ thực tế ở địa phương, ông Nguyễn Xuân Sơn - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Bắc Giang - chia sẻ, trong 3 năm gần đây, doanh nghiệp mở rộng đầu tư, nhu cầu tuyển lớn để đáp ứng đơn hàng. Việc này tạo ra sự cạnh tranh về nhân sự mới giữa các công ty, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chính sách tiền lương, phúc lợi, điều kiện lao động, môi trường làm việc tốt để "giữ chân" người lao động.
Giới chuyên gia nhận định, cơ hội việc làm với người lao động trong năm 2025 rất cởi mở. Về phía doanh nghiệp cũng có nhiều thuận lợi trong công tác tuyển dụng. Với những kết quả đáng khích lệ từ đầu năm, nhiều tín hiệu lạc quan cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% của đất nước trong năm 2025.