'Cánh tay nối dài' của ngành Y tế
Gia Lai có khoảng 2.000 nhân viên y tế thôn bản. Đây là 'cánh tay nối dài' hỗ trợ ngành Y tế triển khai các hoạt động truyền thông, góp phần nâng cao nhận thức người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số trong việc chăm sóc sức khỏe ban đầu và phòng-chống dịch bệnh.

Các cô đỡ, nhân viên y tế thôn bản tham gia lớp tập huấn, cập nhật kiến thức chuyên môn. Ảnh: N.N
Chị Rơ Châm H’Nhoai (làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) làm cô đỡ từ năm 2000 đến nay, đồng thời kiêm luôn nhiệm vụ y tế thôn bản. Công việc hàng ngày của chị là tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức trong việc chăm sóc sức khỏe. Đặc biệt, với phụ nữ có thai, chị đến tận nhà thăm khám, vận động thai phụ tới cơ sở y tế thăm khám định kỳ, bổ sung sắt và tiêm ngừa uốn ván theo quy định; khi đến kỳ sinh đẻ thì đến cơ sở y tế để “vượt cạn” an toàn.
“Song song với đó, vào các đợt tiêm chủng mở rộng định kỳ, mình thường đến các gia đình có con em trong độ tuổi tiêm chủng nhắc nhở cho trẻ đi tiêm. Mình giải thích rõ lợi ích thiết thực của việc tiêm chủng giúp phòng bệnh cho trẻ để bà con hiểu và thực hiện.
Như trong chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng-chống dịch sởi vừa qua, mình vận động các gia đình đưa trẻ đi tiêm và hầu hết trẻ trong độ tuổi tại làng Bua đều tiêm đầy đủ. Công việc y tế thôn bản cũng như cô đỡ ở đây tuy vất vả, phụ cấp không đáng kể nhưng mình luôn cố gắng để giúp dân làng”-chị H’Nhoai chia sẻ.
Nhân viên y tế thôn bản không chỉ “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” theo kiểu truyền thống mà còn tìm tòi, có giải pháp tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chính sách y tế, phòng tránh bệnh hiệu quả.
Gắn bó với công việc y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản từ năm 2009 đến nay, chị Nhỏ (làng Groi, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang) luôn chọn cách tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để người dân hiểu lợi ích của việc tiêm phòng, sinh con tại cơ sở y tế cũng như trong phòng-chống dịch bệnh.
“Từ đầu năm đến nay, những thai phụ mà mình chăm sóc, theo dõi thai kỳ đều theo lời khuyên của mình tới cơ sở y tế để sinh con. Các gia đình cũng đưa con em đến trạm y tế tiêm chủng đúng lịch và đủ liều”-chị Nhỏ cho hay.
Trong quá trình làm việc, chị Nhỏ thường xuyên tham gia tập huấn, đào tạo. Nhiều khóa tập huấn kéo dài, chị và các đồng nghiệp phải mang theo con nhỏ. “Vất vả là thế nhưng chị em bảo nhau cố gắng học tập đầy đủ để cập nhật kiến thức mới, góp phần làm tốt công việc được giao”.
Nhờ đội ngũ y tế thôn bản mà nhiều chiến dịch về chăm sóc sức khỏe tại Gia Lai thời gian qua như: chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình; tiêm chủng phòng-chống dịch bệnh; vệ sinh môi trường phòng-chống sốt xuất huyết; phòng-chống suy dinh dưỡng… được triển khai hiệu quả.
Nếu như trước kia, nhiều phụ nữ, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn sinh con tại nhà thì những năm trở lại đây, họ đã chủ động đến cơ sở y tế sinh đẻ, qua đó góp phần giảm tỷ lệ tử vong cho mẹ và bé; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em được cải thiện; giảm dần tình trạng sinh nhiều con ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Chị Rơ Châm H’Nhoai (bìa phải; làng Bua, xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ) tham gia tập huấn cập nhật kiến thức cho cô đỡ thôn bản. Ảnh: Như Nguyện
Bác sĩ A Lanh (Trạm Y tế xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) chia sẻ: Trạm Y tế xã có 7 nhân viên y tế thôn bản. Họ đóng vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ đơn vị chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân tại cơ sở. Nhờ có họ mà thông tin từ Trạm được chuyển tải kịp thời đến với từng hộ gia đình.
Nhân viên y tế thôn bản còn giúp tuyên truyền, giáo dục sức khỏe tại cộng đồng; tuyên truyền chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em và kế hoạch hóa gia đình; sơ cứu ban đầu và chăm sóc bệnh thông thường. Định kỳ, y tế thôn bản tham gia giao ban với Trạm Y tế, qua đó giúp Trạm kịp thời nắm tình hình thực tế tại cơ sở và triển khai hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân.
Đánh giá về vai trò của y tế thôn bản, bác sĩ Đinh Xuân Dũng-Trạm trưởng Trạm Y tế xã Ia Kly (huyện Chư Prông) nhận xét: Xã có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 90%, vì vậy, vai trò của các y tế thôn bản rất quan trọng. Tại 5 thôn, làng đều có y tế thôn bản. Họ am hiểu tiếng nói, phong tục địa phương nên sâu sát đối tượng tuyên truyền, vận động. Nhân viên y tế thôn bản đã hỗ trợ tích cực công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân trên địa bàn.
“Rất mong Nhà nước, ngành Y tế quan tâm nâng cao phụ cấp cho đội ngũ y tế thôn bản để họ yên tâm công tác và gắn bó lâu dài với công việc”-bác sĩ Dũng đề xuất.