Thứ trưởng Bộ Y tế: Sẽ sửa Luật BHYT, tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân
Ngành y tế đang lấy ý kiến sửa đổi Luật BHYT, để cụ thể một số nội dung tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia cho biết thông tin trên tại hội thảo "Nâng cao hơn nữa quyền lợi của người bệnh trong chẩn đoán và điều trị" do Bộ Y tế và Báo Tiền phong tổ chức hôm nay (8/5) ở Hà Nội.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội đồng Y khoa Quốc gia phát biểu.
Lộ trình từng bước hiện thực hóa hai chủ trương: khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm và tiến tới miễn viện phí toàn dân
Theo Thứ trưởng Trần Văn Thuấn, hành lang pháp lý cho công tác y tế ngày càng được hoàn thiện, nổi bật là việc ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Luật BHYT và Luật Dược sửa đổi.
Các chính sách không chỉ chuyển từ định hướng sang hành động cụ thể mà còn khẳng định rõ hơn quyền và nghĩa vụ của người bệnh, góp phần nâng cao chất lượng và sự an toàn trong khám, chữa bệnh.
Chất lượng khám chữa bệnh tiếp tục được cải thiện, cả về chuyên môn và quy trình phục vụ. Hệ thống bệnh viện không ngừng được mở rộng, năng lực y tế cơ sở được củng cố, kỹ thuật cao được chuyển giao sâu rộng về cơ sở.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người dân tham gia BHYT đạt trên 94% đã giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí cho người bệnh, nhất là với các nhóm yếu thế.
Đặc biệt, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết chuyển đổi số trong y tế có nhiều bước tiến quan trọng: 4 nền tảng số y tế dùng chung đã được hoàn thiện; hồ sơ sức khỏe điện tử và khám chữa bệnh từ xa bước đầu được triển khai đồng bộ, giúp rút ngắn thời gian tiếp cận, tăng tính minh bạch và nâng cao hiệu quả chẩn đoán, điều trị.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng cho rằng, thẳng thắn nhìn nhận, quyền lợi của người bệnh trong quá trình chẩn đoán và điều trị vẫn còn những bất cập. Một số cơ sở y tế còn quá tải, thời gian chờ đợi kéo dài, chi phí ngoài luồng vẫn tồn tại. Việc liên thông dữ liệu chưa đồng bộ dẫn đến tình trạng xét nghiệm, chẩn đoán trùng lặp, gây tốn kém và ảnh hưởng đến chất lượng điều trị.
Việc cung cấp thông tin đầy đủ cho người bệnh – về chỉ định chuyên môn, lựa chọn phương pháp điều trị, quyền được đồng thuận – chưa được thực hiện một cách đầy đủ, minh bạch. Tiếp nhận, xử lý phản ánh còn thiếu chuyên nghiệp, chưa trở thành một công cụ cải tiến dịch vụ hiệu quả.
Chính sách BHYT, mặc dù đã có những bước tiến đáng ghi nhận, song trong bối cảnh kỹ thuật y tế không ngừng phát triển, danh mục thuốc, vật tư và kỹ thuật thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế cần tiếp tục được cập nhật để người bệnh không bị bỏ lại phía sau vì rào cản tài chính.
"Những tồn tại này đặt ra yêu cầu cấp thiết: phải đảm bảo đầy đủ, thực chất quyền lợi của người bệnh, đặc biệt trong quá trình chẩn đoán và điều trị – không chỉ ở khía cạnh chuyên môn hay kỹ thuật, mà còn ở góc độ thể chế, công bằng xã hội và đạo đức phục vụ. Ngành Y tế vẫn đang ra sức nỗ lực để từng bước khắc phục những hạn chế này"- Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói.

Quang cảnh hội thảo.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cho biết, một trong những định hướng lớn mang tính đột phá đã được đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh gần đây, đó là: "Phấn đấu để mỗi người dân được khám sức khỏe định kỳ ít nhất một lần mỗi năm và tiến tới miễn viện phí toàn dân". Đây là những mục tiêu cụ thể, giàu tính nhân văn, thể hiện rõ bản chất ưu việt của chế độ ta và quyết tâm chính trị trong xây dựng một hệ thống y tế phục vụ nhân dân.
Ngành y tế xác định lộ trình 2026-2030 và 2031-2035 sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ trọng tâm để từng bước hiện thực hóa hai chủ trương lớn này. Đây là hành trình dài hơi, cần bước đi vững chắc, nhưng cũng là cơ hội lớn để chúng ta chuyển đổi hệ thống y tế từ chăm sóc bệnh sang bảo vệ sức khỏe, từ bị động sang chủ động, đồng thời nâng cao thực chất quyền lợi người bệnh.
Sửa toàn bộ Luật BHYT để người dân được khám sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh nguy hiểm
Thứ trưởng Trần Văn Thuấn thông tin, đến hết năm 2023, quỹ BHYT kết dư 40.000 tỷ đồng. Năm nay quỹ BHYT kết dư dự kiến tăng thêm. Hiện tại, ngành Y tế đang định hướng sửa đổi Luật BHYT, để cụ thể một số nội dung tiến tới khám chữa bệnh miễn phí cho người dân theo chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm.
Dự kiến thời gian tới, nước ta sẽ sửa toàn bộ Luật BHYT, trong đó có nhiều nội dung tập trung khám chữa bệnh cho người dân, đặc biệt là khám chữa bệnh để sàng lọc, phát hiện sớm một số bệnh nguy hiểm.
Theo ThS Hoàng Trung Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT, đến cuối năm 2024, tỷ lệ người dân tham gia BHYT tại Việt Nam đạt 94,2%. Nhóm yếu thế như hộ nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi được Nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần mức đóng, trong khi người lao động, hưu trí đóng theo tỷ lệ lương hoặc mức lương cơ sở.
Với mức đóng hiện nay, quỹ BHYT vẫn giữ trạng thái cân đối. Dù vậy, việc mở rộng quyền lợi, tăng chi trả và điều chỉnh giá dịch vụ đòi hỏi ngành y tế nghiên cứu linh hoạt lại mức đóng, bảo đảm tương xứng với khả năng chi trả của từng nhóm đối tượng và ngân sách Nhà nước.

TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ tham luận.
Tại hội thảo TS.BS Trần Chí Cường - Giám đốc Bệnh viện SIS Cần Thơ cho rằng nếu muốn giảm chi phí, hướng đến miễn viện phí thì giải pháp là dự phòng làm sao để giảm được bệnh tật.
Ông cũng kiến nghị cần tiếp tục đầu tư phát triển để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh chất lượng cao, thực hiện mục tiêu 'đón' lượng bệnh nhân từ các nước Đông Nam Á; Kết hợp Y tế - Phát triển kinh tế, du lịch...
Nâng cao kiến thức cộng đồng trong dự phòng bệnh tật: lối sống sinh hoạt, môi trường; Định hướng phát triển hạ tầng xã hội theo hướng có lợi cho sức khỏe; thực thi luật pháp chế tài để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, coi việc bảo vệ sức khỏe là trách nhiệm của mỗi cá nhân. Nâng cao quyền lợi của người dân tiến tới nâng cao sức khỏe cộng đồng và giảm áp lực chi phí cho mỗi ca bệnh đến bệnh viện.
Cần gia tăng các quỹ phúc lợi xã hội BHYT để bảo đảm quyền lợi của bệnh nhân tham gia BHYT, ưu tiên các bệnh hiểm nghèo; thanh toán bảo hiểm theo thực tế, nhu cầu chuyên môn. Bên cạnh đó cần có giải pháp đảm bảo hành lang an toàn cho đội ngũ chuyên môn, bệnh viện khi tham gia khám chữa bệnh BHYT (tâm lý sợ xuất toán BHYT).

PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Giám đốc Bệnh viện Mắt TW tham luận.
Còn PGS.TS Phạm Ngọc Đông - Giám đốc Bệnh viện Mắt TW cho rằng, hơn 90% người dân có BHYT nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa làm được miễn phí khám chữa bệnh hoàn toàn, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nếu mua bảo hiểm nhân thọ là hoàn toàn miễn phí. Khác biệt BHYT và bảo hiểm nhân thọ là mức đóng.
'Tôi cho rằng, mức lương cơ bản rất thấp và đóng BHYT theo lương cơ bản càng thấp hơn. Tại sao không đóng BHYT theo thu nhập chứ không theo lương?', Giám đốc BV Mắt Trung ương nêu ý kiến.