82 xã, phường ở Nghệ An đổi tên theo nguyện vọng cử tri

Chiều 8/5, tại TP Vinh, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021–2026 tổ chức Kỳ họp thứ 29 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, thảo luận và thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị quyết số 09/NQ-HĐND ngày 28.4.2025 về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh năm 2025.

Dự kỳ họp có: Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Trung; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Như Khôi; cùng các đại biểu trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh...

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Quỳnh Thúy

Các đại biểu tham dự kỳ họp. Ảnh: Quỳnh Thúy

Trước đó, ngày 28.4.2025, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ-HĐND cho ý kiến về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Trung ương. Theo phương án đã được thông qua tại nghị quyết này, toàn tỉnh Nghệ An sẽ tiến hành sắp xếp, sáp nhập 404 xã, phường, thị trấn, hình thành 122 đơn vị hành chính cấp xã mới.

Trong số này, có 82 đơn vị thuộc 14 huyện, thành phố, thị xã được đặt tên theo phương thức gắn tên cấp huyện với số thứ tự. Riêng thành phố Vinh có một đơn vị mang tên địa danh Cửa Lò, huyện Nam Đàn có một đơn vị mang tên địa danh Kim Liên. Đồng thời, 40 xã mới thành lập tại các địa phương như Kỳ Sơn, Tương Dương, Thanh Chương, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong được đặt tên theo các địa danh mang yếu tố truyền thống, văn hóa, lịch sử.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long trình bày Tờ trình. Ảnh: Quỳnh Thúy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long trình bày Tờ trình. Ảnh: Quỳnh Thúy

Sau sắp xếp, Nghệ An có tổng cộng 130 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 122 xã, phường mới và 8 xã giữ nguyên). Trong đó, có 119 xã và 11 phường, giảm 282 đơn vị hành chính cấp xã so với trước khi sắp xếp. Các xã giữ nguyên gồm: Mỹ Lý, Bắc Lý, Keng Đu, Huồi Tụ, Mường Lống (huyện Kỳ Sơn); Châu Bình (huyện Quỳ Châu); Hữu Khuông và Lượng Minh (huyện Tương Dương).

Tuy nhiên, từ thực tiễn triển khai tại các địa phương trong cả nước, cho thấy có xu hướng thay đổi về việc đặt tên đơn vị hành chính cấp xã mới sau sắp xếp – theo hướng không sử dụng tên cấp huyện gắn số thứ tự, mà ưu tiên các tên gọi mang đậm bản sắc truyền thống, văn hóa, lịch sử và dễ ghi nhớ, dễ đọc. Trên cơ sở đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cùng cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, cử tri theo đúng quy định. Kết quả cho thấy sự đồng thuận cao trong cử tri và Nhân dân đối với phương án sửa đổi tên gọi đơn vị hành chính cấp xã theo hướng nêu trên.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh, có đến 96,92% cử tri đồng thuận với việc đổi tên các đơn vị hành chính cấp xã từ phương thức đặt tên cũ sang sử dụng tên gọi mang yếu tố văn hóa – lịch sử truyền thống.

Tại kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Đình Long trình bày Tờ trình của UBND tỉnh về việc sửa đổi tên gọi các đơn vị hành chính. Theo đó, UBND tỉnh đề xuất sửa đổi tên gọi của 82 xã, phường từ hình thức sử dụng tên huyện kèm số thứ tự sang các địa danh có yếu tố truyền thống, lịch sử và văn hóa, nhằm bảo đảm sự hài hòa giữa quy định và nguyện vọng thực tiễn.

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Thành Chung trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quỳnh Thúy

Trưởng Ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Thành Chung trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quỳnh Thúy

Tiếp đó, Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Phạm Thành Chung trình bày báo cáo thẩm tra nội dung Tờ trình, khẳng định tính hợp pháp, hợp lý và sự cần thiết của việc sửa đổi Nghị quyết số 09.

Với tinh thần thống nhất cao, các đại biểu HĐND tỉnh đã biểu quyết thông qua nghị quyết sửa đổi tên gọi cho 82 đơn vị hành chính cấp xã thuộc 11 huyện: Anh Sơn, Con Cuông, Diễn Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Yên Thành; 2 thị xã: Hoàng Mai, Thái Hòa và thành phố Vinh.

Việc đổi tên này giúp 130 đơn vị hành chính cấp xã (sau sáp nhập) trên địa bàn tỉnh có tên gọi gần gũi, thân thuộc, phản ánh được đặc trưng truyền thống – văn hóa địa phương, tạo thuận lợi cho công tác quản lý hành chính, ghi nhớ, định danh và phát triển bản sắc vùng miền.

Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu. Ảnh: Quỳnh Thúy

Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu phát biểu. Ảnh: Quỳnh Thúy

Phát biểu kết luận kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đề nghị Ban Pháp chế HĐND tỉnh, Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh khẩn trương hoàn thiện thủ tục, trình Chủ tọa kỳ họp ký chứng thực Nghị quyết. Đồng thời, yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ đề án sắp xếp đơn vị hành chính, trình Bộ Nội vụ thẩm định và báo cáo Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết nghị, bảo đảm đúng tiến độ gấp rút mà Trung ương đề ra.

Các đại biểu thông qua nghị quyết. Ảnh: Quỳnh Thúy

Các đại biểu thông qua nghị quyết. Ảnh: Quỳnh Thúy

Chủ tịch HĐND tỉnh cũng nhấn mạnh yêu cầu sẵn sàng triển khai các điều kiện cần thiết cho việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh nghiêm túc tổ chức triển khai kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo đúng tinh thần dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch và thực chất. Cùng với đó, cần chuẩn bị kỹ lưỡng cho kỳ họp thường lệ giữa năm 2025 của HĐND tỉnh.

Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh nghiêm túc thực hiện trách nhiệm TXCT trước kỳ họp thường lệ giữa năm theo đúng kế hoạch đã được ban hành, bảo đảm gắn bó mật thiết với Nhân dân, tiếp thu đầy đủ ý kiến, kiến nghị để phản ánh tại nghị trường trung thực, hiệu quả.

Hải Phong

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/82-xa-phuong-o-nghe-an-doi-ten-theo-nguyen-vong-cu-tri-10371807.html
Zalo