Cảnh giác với 'cò' nhà ở xã hội
Sở hữu nhà ở xã hội là ước mơ của rất nhiều gia đình có thu nhập thấp, nhất là trong bối cảnh giá bất động sản thương mại không ngừng tăng cao. Tuy nhiên, lợi dụng mong muốn và nhu cầu chính đáng này, hiện đang xuất hiện các đối tượng trung gian, môi giới lừa đảo, chiếm đoạt tiền đặt cọc của người mua nhà.

Một dự án nhà ở xã hội đang được triển khai.
Anh Nguyễn Văn Trung (huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội) cho biết, do có nhu cầu mua nhà ở xã hội, khi tìm hiểu thông tin trên mạng xã hội, anh được nhiều người môi giới mời chào dịch vụ hỗ trợ hồ sơ. Chưa cần kiểm tra điều kiện mua nhà, người môi giới đã đề nghị anh sử dụng dịch vụ trọn gói với giá từ 50-70 triệu đồng/hồ sơ. Với giá bán tạm tính 25 triệu đồng/m²; một căn hộ 70m² với 2 phòng ngủ sẽ có giá khoảng 1,75 tỷ đồng.
Dù đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay trong phân khúc nhà ở xã hội, nhưng so với giá chung cư thương mại trên thị trường hiện tại, con số này vẫn được coi là “đáng mơ ước”, vì vậy anh Trung đã đặt cọc một số tiền lớn để mua. Mọi giao dịch đều diễn ra thuận lợi, cho đến khi anh đến gặp trực tiếp chủ đầu tư, mới vỡ lẽ hai căn hộ mà mình bỏ hàng trăm triệu để đặt cọc mua thực tế đã thuộc sở hữu của người khác, lúc đó anh mới biết bị lừa.
Không chỉ riêng anh Trung, nhiều người khác cũng gặp tình trạng tương tự. Chị Vân Anh (quận Long Biên, thành phố Hà Nội) muốn đăng ký mua nhà ở xã hội tại Thượng Thanh. Dù dự án mới được cấp phép, nhiều người môi giới đã chào bán suất "ngoại giao" với giá tiền chênh hàng trăm triệu đồng.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, một trong những “chiêu trò” phổ biến nhất của các đối tượng lừa đảo là hứa hẹn suất nội bộ, "ngoại giao". Các môi giới thường quảng cáo rằng có thể giúp khách hàng mua được nhà ở xã hội mà không cần xét duyệt hoặc có suất ưu tiên. Nhiều môi giới sử dụng hình thức ký hợp đồng tư vấn pháp lý hoặc hợp đồng hỗ trợ hồ sơ để lách luật. Họ yêu cầu người mua đặt cọc giữ chỗ hoặc trả phí tư vấn với lời hứa bảo đảm suất mua hoặc bốc thăm trúng quyền mua nhà.
Tuy nhiên, sau khi nhận tiền, các đối tượng này có thể chậm trễ trong việc thực hiện cam kết, thậm chí mất liên lạc hoàn toàn, khiến khách hàng rơi vào tình trạng tiền mất, tật mang. Một số trường hợp khác, môi giới cam kết giao nhà nhanh chóng mà không cần xét duyệt.
Không chỉ vậy, một số dự án nhà ở xã hội chưa được cấp phép nhưng vẫn được rao bán rầm rộ. Các môi giới bất động sản lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân để nhận đặt cọc mua nhà ngay cả khi dự án chưa hoàn thiện thủ tục pháp lý, dự án bị đình trệ hoặc không được triển khai, vì thế khách hàng có nguy cơ mất trắng số tiền đã nộp.
Các quy định pháp luật về thủ tục, điều kiện mua nhà ở xã hội rất rõ ràng, quá trình bốc thăm suất mua tại các dự án nhà ở xã hội cũng được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm công khai, minh bạch. Những hành vi rao bán suất nội bộ, "ngoại giao" không được pháp luật cho phép. Vì thế, người dân không nên tin vào quảng cáo của đơn vị, cá nhân không phải chủ đầu tư. Khi có nhu cầu mua nhà, người dân cần liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội.