Phát triển GD đến 2030, tầm nhìn đến 2045: Dồn lực xóa phòng học tạm

Quyết tâm kiên cố hóa trường lớp được đặt ra mạnh mẽ trong Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (Duy Xuyên, Quảng Nam). Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (Duy Xuyên, Quảng Nam). Ảnh: NTCC

Theo đó, đến năm 2030, cả nước phấn đấu tỷ lệ phòng học kiên cố cấp tiểu học, THCS, THPT đạt 100%. Để thực hiện điều này tại địa phương có tỷ lệ phòng học kiên cố hóa thấp so với trung bình cả nước, cần có những chính sách đột phá.

Những ngôi trường 30 - 40 năm tuổi

Theo số liệu của Sở GD&ĐT Quảng Nam, toàn tỉnh có gần 9.000 phòng học được kiên cố hóa, đạt tỷ lệ 78%, thấp hơn nhiều so với bình quân chung cả nước 86,6%. Cụ thể, số phòng học được kiên cố hóa ở mầm non chỉ đạt 66% so với tỷ lệ 83% của cả nước; ở cấp tiểu học là 75,3% - 83,2%, cấp THCS 88,6% - 94,9%. Quảng Nam là địa phương có tỷ lệ phòng học kiên cố hóa thấp nhất trong số các địa phương khu vực miền Trung, chỉ cao hơn một vài tỉnh ở Tây Nguyên.

Ông Thái Viết Tường - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, nhu cầu kiên cố hóa phòng học của ngành Giáo dục trong giai đoạn tới là hơn 2.400 phòng. Trong đó, nhiều nhất là cấp tiểu học với 1.353 phòng, mầm non là 865 phòng, cấp THCS và THPT chưa đến 100 phòng mỗi bậc học.

Chỉ tính riêng hệ thống trường THPT và PTDTNT do sở GD&ĐT quản lý, nhiều ngôi trường xây dựng đã lâu nên các phòng học bị xuống cấp, hư hỏng nặng, không đáp ứng yêu cầu dạy học. Thậm chí, một số trường học tuổi đời gần 40 năm, đến nay còn sử dụng như Trường Phổ thông DTNT Phước Sơn, THPT DTNT tỉnh Quảng Nam hay THPT Trần Hưng Đạo (thành phố Hội An) đã hơn 30 năm.

Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Duy Xuyên) có những dãy phòng học xây dựng từ năm 1983. Các phòng học bộ môn lạc hậu, không đáp ứng tiêu chuẩn mới. Qua khảo sát cho thấy, Quảng Nam có 17 trường THPT, chiếm 32% có phòng học đưa vào sử dụng 20 năm nay và bắt đầu xuống cấp.

Công trình dãy nhà 2 tầng gồm 10 phòng học, 2 phòng làm việc của Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt (Gio Linh, Quảng Trị) đưa vào sử dụng từ năm 2006. Tháng 3/2023, nhà trường làm báo cáo gửi cơ quan cấp trên về tình trạng xuống cấp của công trình.

Theo đó, toàn bộ tường phía Bắc bị rạn nứt nghiêm trọng, bong tróc, phần mái bị thấm dột nhiều chỗ, không thể tiếp tục tổ chức dạy học. Thời điểm cuối năm học 2022 - 2023, nhà trường phải chuyển sang dạy học trực tuyến cho hơn 200 học sinh khối 1 và 2.

Theo kết quả giám định của Trung tâm Quy hoạch và Kiểm định xây dựng, Sở Xây dựng Quảng Trị (trước đây) vào tháng 7/2023, công trình dãy phòng học 2 tầng của Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt có mức độ nguy hiểm cấp D. Công trình không thể đáp ứng được yêu cầu sử dụng bình thường, nguy hiểm tổng thể; kết cấu móng, cột, dầm, sàn đã xuống cấp.

Để giải quyết việc thiếu phòng học, 2 năm học nay, Trường Tiểu học thị trấn Cửa Việt phải sử dụng 4 phòng bộ môn, thiết bị để làm phòng học. Ngoài ra, đơn vị mượn thêm 5 phòng học từ cơ sở 2 của Trường THCS & THPT Cửa Việt để làm phòng học tạm.

 Ảnh minh họa INT.

Ảnh minh họa INT.

Hướng đến mục tiêu chuẩn hóa

Mục tiêu của Quảng Nam là đầu tư xây dựng các trường THPT theo hướng kiên cố hóa và chuẩn hóa, bảo đảm điều kiện cơ sở vật chất tối thiểu cho triển khai chương trình giáo dục phổ thông, phấn đấu đến năm 2030 toàn bộ trường THPT được xây dựng kiên cố, trong đó 60% trở lên đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Quảng Nam đã hoàn thiện Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT giai đoạn 2026 - 2030 với tổng mức đầu tư 820 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh dự kiến trình tại kỳ họp HĐND tỉnh tới đây được kỳ vọng sẽ tạo nên sức bật mới mang tính đột phá cho đầu tư phát triển trường THPT.

Trong số này, 12 trường THPT được đầu tư xây dựng đạt chuẩn để đáp ứng yêu cầu, với tổng mức đầu tư hơn 80,3 tỷ đồng nằm trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Về công tác sửa chữa, xây mới năm 2025, qua khảo sát có 44 công trình với tổng khái toán đầu tư hơn 80 tỷ đồng.

Riêng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Tiên Phước) hoàn chỉnh hạng mục nhà đa năng còn nợ khi công nhận đạt chuẩn năm 2024. Vì năm 2025 là năm cuối cùng thực hiện chỉ tiêu giao về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nên theo ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam sẽ ưu tiên nguồn lực đầu tư để hoàn thành như kế hoạch.

Ngành GD-ĐT Quảng Nam đề xuất giải pháp thời gian tới ưu tiên bố trí nguồn ngân sách xây dựng cơ sở vật chất, bổ sung trang thiết bị đảm bảo dạy học theo quy định tại Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT. Ngoài ra, cần đẩy mạnh huy động nguồn xã hội hóa từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

HĐND tỉnh Quảng Trị đã có Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xóa phòng học tạm, phòng học mượn, cải tạo nâng cấp các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh và xây dựng Trường THPT Hướng Hóa để tháo gỡ khó khăn do có sự thay đổi về giá nhân công, vật liệu…

Dự án xóa phòng học tạm, phòng học mượn, cải tạo nâng cấp các trường dân tộc nội trú, bán trú giai đoạn 2021 - 2024 và xây dựng Trường THPT Hướng Hóa (Dự án) có tổng mức đầu tư 130 tỷ đồng. Trong đó, phần dự án xóa phòng học tạm, phòng học mượn, cải tạo nâng cấp các trường dân tộc nội trú, bán trú trên địa bàn tỉnh 85 tỷ đồng, phần dự án Trường THPT Hướng Hóa 45 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện Dự án từ năm 2022 - 2025.

Tính đến ngày 30/8/2024, Quảng Trị có 13 công trình trường học đưa vào sử dụng và đang triển khai thi công, chờ nghiệm thu. 14 công trình khác nằm trong dự án, trong đó 5 công trình đã phê duyệt hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công, 9 công trình hoàn thành lập hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công và đang trình thẩm định. Việc điều chỉnh quy mô đầu tư các hạng mục chưa hoàn thiện sẽ giúp Dự án sớm về đích, đáp ứng nhu cầu dạy học của các trường.

Ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, với Đề án chuẩn hóa cơ sở vật chất các trường THPT giai đoạn 2026 - 2030, ngành Giáo dục và các ban, ngành liên quan cần lưu ý rà soát vấn đề quy hoạch.

Trong đó, các cơ sở giáo dục cần xây dựng và phê duyệt quy hoạch mặt bằng tổng thể khuôn viên nhà trường, đảm bảo các công trình được đầu tư xây dựng đúng quy hoạch, tránh đầu tư manh mún, chắp vá, không đồng bộ, hiệu quả thấp. Đầu tư xây dựng mới phải toàn diện, phân kỳ đầu tư đảm bảo hợp lý, phục vụ yêu cầu trường chuẩn và nâng cao chất lượng dạy học.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/phat-trien-gd-den-2030-tam-nhin-den-2045-don-luc-xoa-phong-hoc-tam-post726813.html
Zalo