Nỗi ám ảnh từ những công trình dang dở ở Bình Dương
Những con đường thi công dang dở đang trở thành 'nỗi ám ảnh' của người dân Bình Dương. Họ ngày ngày phải sống chung với bụi bặm mù mịt, ô nhiễm tiếng ồn. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng kinh tế mà còn làm suy giảm đáng kể chất lượng cuộc sống của các hộ dân.
Chưa thấy đẹp, chỉ thấy bụi
Hiện nay, Bình Dương đang nỗ lực triển khai công tác chỉnh trang đô thị, nâng cấp và mở rộng nhiều tuyến đường, vỉa hè. Mục tiêu là tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương và thay đổi diện mạo địa phương.
Bên cạnh những kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, người dân sống dọc các tuyến đường này đang phải gánh chịu những hệ lụy khôn lường từ việc thi công quá chậm trễ, dang dở và kéo dài. Bụi bặm bao phủ, tiếng ồn inh ỏi và tình trạng kẹt xe triền miên đang từng ngày bào mòn sức khỏe và làm suy giảm nghiêm trọng chất lượng cuộc sống của nhiều hộ dân.

Đường đang làm bụi bặm nên người dân ngao ngán
Chỉ cần dạo qua các tuyến đường huyết mạch như Quốc lộ 13, ĐH 402, Huỳnh Văn Lũy, Cách mạng tháng 8… hay len lỏi vào các tuyến đường nội đô tại TP Thủ Dầu Một, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, không khó để chứng kiến cảnh tượng ngổn ngang của những công trình giao thông.
Hàng rào chắn tạm bợ, đất đá ngổn ngang, vật liệu xây dựng vứt bừa bãi… biến những con đường thành "bãi chiến trường" bụi mù, nhếch nhác.
Các hoạt động kinh doanh, buôn bán dọc những tuyến đường này cũng trở nên ế ẩm, vắng khách vì người dân ngại cảnh bụi bặm và tắc nghẽn giao thông.

Nhiều cửa hàng trên đường ĐH 402 ở Tân Phước Khánh, Tân Uyên phải đóng cửa
Bà Nguyễn Thị Ngân, một người dân sống trên đường ĐH 402, đoạn qua phường Tân Phước Khánh, TP Tân Uyên, ngao ngán chia sẻ, đường xá đào bới nham nhở, bụi bay mù mịt khiến việc mua bán ế ẩm. Người dân ai cũng mong con đường sớm hoàn thành để cuộc sống trở lại bình thường.
“Bây giờ, khách chạy vào sát quán thì chạy ra hơi khó mà đậu ở ngoài lòng đường thì sợ công an. Nói chung người dân cũng mong muốn chính quyền làm cho nhanh để đi lại thuận tiện, mua bán dễ dàng”.
Cùng chung nỗi bức xúc, gia đình ông V.H. sống trên đường Nguyễn An Ninh, TP Dĩ An, cho biết: Con đường này thi công đã rất lâu nhưng vẫn chưa xong. Đơn vị thi công không làm theo kiểu "cuốn chiếu" mà cứ đào lên rồi để đó cả tháng trời mới lấp lại, đổ bê tông.
Ông V.H dẫn chứng: “Ví dụ mình đào từ đầu này đến đầu kia, đào gần xong thì làm lần lần tới thì đến cuối đường là xong. Chứ đừng đào quanh, đào khắp nơi mà chỗ nào cũng không xong hết”.
Tình trạng thi công kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mà còn khiến đời sống sinh hoạt hàng ngày của người dân bị đảo lộn. Sức khỏe của người dân ở đây cũng bị ảnh hưởng bởi môi trường bị ô nhiễm. Để bảo vệ sức khỏe, họ buộc phải đeo khẩu trang suốt cả ngày, đóng kín cửa nhà để hạn chế bụi và tiếng ồn xâm nhập.
Vướng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật
Từ những phản ánh bức xúc của người dân, phóng viên đã tìm hiểu nguyên nhân ở các ngành chức năng và chủ đầu tư các dự án nâng cấp, mở rộng, cải tạo đường tại Bình Dương.

Người dân thắc mắc đường Nguyễn An Ninh (TP Dĩ An) sao không làm cuốn chiếu mà cứ đào lên bỏ đó.
Tình trạng thi công kéo dài xuất phát từ nhiều yếu tố, trong đó nổi cộm là công tác giải phóng mặt bằng chậm trễ và sự phối hợp chưa thực sự đồng bộ giữa các sở, ban, ngành liên quan. Bên cạnh đó, năng lực hạn chế của một số nhà thầu cũng là một nguyên nhân khiến tiến độ dự án bị đình trệ.
Mặc dù chính quyền địa phương đã có những động thái quyết liệt đốc thúc các đơn vị thi công, song thực tế, nhiều dự án vẫn "ì ạch" khiến người dân bức xúc.
Ông Thượng Văn Bình, Chủ tịch UBND phường Tân Phước Khánh, TP Tân Uyên thông tin: Dự án xây dựng nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐH402 trên địa bàn phường, có chiều dài 4.425m. Đến nay, vẫn còn 32/486 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng. Hiện tại, địa phương đang thành lập tổ công tác để vận động người dân nhận tiền đền bù, bàn giao mặt bằng.
UBND phường đã yêu cầu đơn vị thi công ưu tiên triển khai thi công trên phần diện tích mặt bằng đã được người dân bàn giao.
"UBND phường thường xuyên giữ liên lạc chặt chẽ với Ban quản lý dự án và đơn vị thi công, yêu cầu đẩy nhanh tiến độ ở những khu vực người dân đã đồng ý bàn giao mặt bằng, đặc biệt là các nút giao quan trọng như ngã tư Hạnh Nguyên và khu vực chợ Khánh Long. Đây là những điểm phức tạp nhưng đến nay đã hoàn thành khoảng 80%”, ông Bình nói.
Về tình trạng đào đường kéo dài mới san lấp, nguyên nhân xuất phát từ những yếu tố khách quan, chủ yếu là do vướng các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm như hệ thống điện và cống thoát nước.
Đơn vị thi công buộc phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị quản lý hạ tầng để tiến hành rà soát và kiểm tra kỹ lưỡng trước khi thực hiện các công đoạn đổ đất, đá, bê tông, nhằm đảm bảo chất lượng và an toàn cho công trình.

Quốc lộ 13 nhiều lần lỗi hẹn vì vướng hạ tầng lưới điện
Ông Phạm Văn Đức, Phó trưởng Phòng Kinh tế Hạ tầng và Đô thị TP Dĩ An nói: "Trong quá trình đào đường, chúng tôi phát hiện nhiều hạng mục hạ tầng bị hư hỏng, nứt vỡ hoặc nằm không đúng vị trí thiết kế ban đầu, buộc phải di dời hoặc chỉnh sửa. Điều này tốn một khoảng thời gian nhất định. Ngay sau khi các đơn vị quản lý hạ tầng kỹ thuật thứ yếu hoàn tất việc điều chỉnh, đơn vị thi công sẽ khẩn trương triển khai các công đoạn tiếp theo như rải đá, lu lèn, đổ bê tông. Sau khi bê tông đạt đủ độ cứng, chúng tôi sẽ tiến hành lát gạch vỉa hè và hoàn trả lại hiện trạng ban đầu cho người dân sử dụng."
Mặc dù có những lý do khách quan từ phía chính quyền và đơn vị thi công, người dân vẫn bày tỏ sự bất an và mong mỏi các cấp chính quyền có những giải pháp quyết liệt và hiệu quả hơn nữa để đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án giao thông. Chỉ khi đó, "nỗi ám ảnh" mang tên công trình dang dở mới thực sự chấm dứt và sự phát triển bền vững, vì lợi ích của cộng đồng mới có thể được hiện thực hóa.