Cánh cửa hội nhập đã mở, doanh nghiệp Việt có sẵn sàng bước qua?
FTA chính là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Nhưng việc khai thác các lợi thế của FTA lại phụ thuộc vào khả năng của từng doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp sẽ tìm được hướng đi của riêng mình.
DN gặp khó trước biến động toàn cầu
Chiều 17/4, phát biểu tại "Diễn đàn Doanh nghiệp 2025: Trợ lực cho doanh nghiệp vượt thách thức, nâng cao năng lực cạnh tranh", ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết năm 2025 mở ra trong một bức tranh toàn cầu đầy bất định.
Kinh tế thế giới đang đối mặt với hàng loạt rủi ro, từ căng thẳng địa chính trị, chiến tranh thương mại - công nghệ, chủ nghĩa bảo hộ gia tăng cho đến các vấn đề an ninh năng lượng, an ninh mạng, và biến đổi khí hậu cực đoan. Những yếu tố này không chỉ đẩy giá cả, lạm phát tăng trở lại mà còn khiến chuỗi cung ứng toàn cầu đứng trước nguy cơ đứt gãy, đe dọa tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tại Việt Nam, quý I/2025 ghi nhận những tín hiệu tích cực khi tăng trưởng kinh tế đạt 6,93%, cùng với hơn 72.900 doanh nghiệp thành lập mới hoặc quay trở lại hoạt động. Tuy nhiên, theo khảo sát của VCCI, chỉ 32% doanh nghiệp dự kiến mở rộng sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Điều đó phản ánh tâm lý thận trọng và những lực cản vẫn hiện hữu trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Mặc dù đã có gần 1 triệu doanh nghiệp đang hoạt động, tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa (chiếm đến 98%) và chỉ có khoảng 2% các doanh nghiệp lớn", ông Phòng chỉ ra.

Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Do đó, để có thể bứt phá vào năm 2025, Phó Chủ tịch VCCI cho rằng, việc cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy và hỗ trợ doanh nghiệp sẽ là những "chìa khóa" then chốt.
Không chỉ là tăng khả năng hấp thụ vốn cho doanh nghiệp, việc phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân để từng bước làm chủ công nghệ lõi, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu là yêu cầu quan trọng được đặt ra thời gian tới.
“Thực tế thời gian qua, để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã có nhiều quyết sách để phát triển doanh nghiệp, hướng tới bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Tuy vậy, trong một thế giới biến động, các doanh nghiệp cũng cần thêm nhiều trợ lực hơn nữa từ chính quyền các cấp”, ông Hoàng Quang Phòng nhận định.
Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng mới và tạm hoãn áp dụng trong vòng 90 ngày, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực đang phải đối mặt với áp lực lớn. Do đó, việc hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu và thúc đẩy tiêu dùng trong nước đang được đặt ra những vấn đề cấp bách.
Để DN "bước qua ngưỡng cửa" hội nhập
Tại Diễn đàn, ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế chia sẻ, Việt Nam hiện là một trong những nền kinh tế có độ mở cao nhất thế giới. Với 20 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và đang đàm phán, trong đó có 16 hiệp định đang thực thi, Việt Nam đang nắm trong tay cơ hội tiếp cận thị trường rộng lớn chiếm tới 90% GDP toàn cầu.
Kết quả của việc hội nhập sâu rộng rất đáng khích lệ, trong 3 năm liên tiếp, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới. Riêng năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 786 tỷ USD, xuất siêu gần 25 tỷ USD - năm thứ 9 liên tiếp Việt Nam xuất siêu. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường FTA như EU, Canada, Nhật Bản đều ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng.
Tuy nhiên, ông Trịnh Minh Anh cũng thẳng thắn chỉ ra một thực tế: “Việc khai thác lợi ích từ các FTA vẫn chưa tương xứng với tiềm năng”. Nguyên nhân đến từ việc nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn thiếu thông tin, chưa hiểu rõ về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, hay thủ tục ưu đãi thuế quan.

Ông Trịnh Minh Anh – Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế.
Bên cạnh đó, các rào cản phi thuế như tiêu chuẩn môi trường, lao động hay phát triển bền vững ngày càng khắt khe, trong khi tỉ lệ nội địa hóa trong một số ngành vẫn thấp, ảnh hưởng lớn đến khả năng hưởng lợi từ FTA.
Để tận dụng hiệu quả các FTA, ông Trịnh Minh Anh khuyến nghị doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tiếp cận thông tin từ các cơ quan chức năng như Bộ Công Thương, VCCI, các hiệp hội ngành hàng.
Việc nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư công nghệ, cải thiện chất lượng sản phẩm, và đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật là "chìa khóa" để doanh nghiệp “bước qua ngưỡng cửa” hội nhập.
Đặc biệt, theo ông Trịnh Minh Anh, việc tạm hoãn thuế 90 ngày và áp mức 10% trong thời gian đàm phán tạo cơ hội cho Việt Nam thương thảo, đa dạng hóa thị trường (EU, Nhật Bản, ASEAN) và tái cấu trúc chuỗi cung ứng để giảm thiểu rủi ro.
Trước tình hình này, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, thành lập ngay Đoàn đàm phán Chính phủ về các vấn đề thương mại với Hoa Kỳ và Văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành kinh tế là cơ quan phụ trách việc tổ chức, điều phối đoàn đàm phán. Trước mắt, Việt Nam sẽ đưa ra phương án thương thảo với Hoa Kỳ để đạt kết quả tốt nhất.
"Tuy nhiên, giải pháp để đạt được mục tiêu bền vững và lâu dài trong tăng trưởng xuất khẩu thì đòi hỏi chúng ta phải hành động quyết liệt hơn để khai thác hiệu quả các FTA hiện có, mở rộng thị trường, giảm phụ thuộc vào một số thị trường truyền thống và thích nghi với những chuẩn mực thương mại ngày càng cao”, ông Trịnh Minh Anh bày tỏ.
Và trước thực tiễn đã nêu, để doanh nghiệp tận dụng hiệu quả các FTA, ông Trịnh Minh Anh khuyến nghị doanh nghiệp cần nghiên cứu kỹ các quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ (C/O), tiêu chuẩn kỹ thuật, và các cam kết phi thương mại (lao động, môi trường, phát triển bền vững) trong từng FTA (như CPTPP, EVFTA, UKVFTA).
Bên cạnh đó, cần tối ưu hóa quy tắc xuất xứ (C/O), đảm bảo sản phẩm đáp ứng quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan, như tỉ lệ nội địa hóa hoặc xuất xứ thuần túy theo quy định của từng FTA; liên kết với nhà cung cấp trong nước hoặc khu vực FTA để tăng tỉ lệ nguyên liệu nội khối, giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu ngoài khu vực.
Nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua cải thiện chất lượng sản phẩm, đầu tư vào công nghệ, đổi mới mẫu mã, và đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm của thị trường FTA (như tiêu chuẩn xanh của thị trường EU).
“FTA chính là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu rộng với thế giới. Nhưng việc khai thác các lợi thế của FTA lại phụ thuộc vào khả năng của từng doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp sẽ tìm được hướng đi của riêng mình, tận dụng hiệu quả nhất những cơ hội từ FTA, góp phần phát triển bền vững nền kinh tế đất nước”, ông Trịnh Minh Anh nhấn mạnh.