Cảnh báo sớm phòng vệ thương mại giúp xuất khẩu bền vững
Bộ Công Thương đã tăng cường triển khai thực hiện Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại hướng tới xuất khẩu bền vững.
Ngày 31/12/2024, Bộ Công Thương đã có văn bản số 10816/BCT-PVTM báo cáo tổng kết 5 năm triển khai Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại (Đề án 316) báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Tăng cường hoàn thiện cơ chế, chính sách
Ngày 1/3/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 316/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” (sau đây gọi là Đề án 316). Đề án nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là khi tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm để theo dõi, cảnh báo và hỗ trợ cơ quan điều tra về phòng vệ thương mại và các cơ quan liên quan trong việc điều tra, xử lý các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước, giải quyết tranh chấp tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), đảm bảo mục tiêu bảo vệ sản xuất trong nước, chủ động phòng ngừa và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài, hướng tới xuất khẩu bền vững.
Tại báo cáo, Bộ Công Thương cho biết, căn cứ Quyết định 316/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã xây dựng và ban hành Quyết định số 2074/QĐ-BCT ngày 5/8/2020 đưa ra chương trình hành động cụ thể để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định 316/QĐ-TTg. Trên cơ sở chương trình hành động, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đã triển khai hoạt động, cụ thể:
Về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu, rà soát, đối chiếu Luật Quản lý ngoại thương và các văn bản pháp luật liên quan trong lĩnh vực phòng vệ thương mại với các hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia để hoàn thiện cơ chế, chính sách. Qua đó, khai thác hiệu quả các hiệp định, điều ước quốc tế thông qua việc nâng cao năng lực điều tra, cảnh báo sớm và ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại trong và ngoài nước.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 42/2023/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2019/TT-BCT quy định chi tiết một số nội dung về các biện pháp phòng vệ thương mại. Đặc biệt, sau quá trình nghiên cứu và tổng kết, ngày 15/11/2024, Bộ Công Thương đã rà soát và trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định thay thế Nghị định 10/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý ngoại thương về các biện pháp phòng vệ thương mại. Bộ Công Thương cũng đã thường xuyên rà soát các quy định, điều khoản trong các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại tự do quốc tế, đa phương và song phương mà Việt Nam là thành viên nhằm kịp thời đối chiếu, thay đổi cho phù hợp với thực trạng pháp lý và nền kinh tế của Việt Nam tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao thương của nền kinh tế.
Riêng trong lĩnh vực phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương đã ban hành ba thông tư để hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu (EVFTA) và Hiệp định thương mại tự do với Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ai-len (UKVFTA).
Để triển khai chiến lược của Việt Nam về vấn đề đối thoại và vận động công nhận kinh tế thị trường với các đối tác thương mại lớn trong bối cảnh mới, Bộ Công Thương đã phối hợp với Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan, kết hợp vận động ngoại giao với đối thoại và đàm phán để các đối tác thương mại công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường. Kể từ khi Đề án 316 được phê duyệt, đã có thêm hai đối tác thương mại là Vương quốc Anh (2023) và Cô-xta Ri-ca (2024) đã công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường.
Bộ Công Thương nhấn mạnh, công tác đề nghị Hoa Kỳ công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường đã được triển khai khẩn trương và quyết liệt theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Thủ tướng Chính phủ. Mặc dù kết luận do Bộ Thương mại Hoa Kỳ ban hành tiếp tục chưa công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường, nhưng cũng đã ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực về nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua.
Hiện tại, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ Đề án tổng thể về việc đề nghị các nước công nhận Việt Nam là quốc gia có nền kinh tế thị trường trong các vụ việc phòng vệ thương mại giai đoạn 2024-2030 vào tháng 9/2024. Bộ Công Thương cũng đã thiết lập hệ thống đầu mối thông tin tại các bộ, ngành, hiệp hội, cơ quan đại diện Việt Nam tại một số thị trường đối tác thương mại lớn của Việt Nam nhằm cung cấp thông tin, cảnh báo, ứng phó và điều tra các vụ việc phòng vệ thương mại để đảm bảo chủ động trong việc điều tra, ứng phó với các biện pháp này.
Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm
Về việc xây dựng và vận hành Hệ thống cảnh báo sớm, theo Bộ Công Thương, ngay sau khi Đề án 316 được phê duyệt, Bộ đã triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng phần mềm phân tích, tính toán và cảnh báo sớm nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; cảnh báo nguy cơ hàng hóa nước ngoài lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại do Việt Nam áp dụng; đánh giá hiệu quả của các biện pháp phòng vệ thương mại đang được áp dụng.
Cơ sở dữ liệu thống kê về xuất nhập khẩu của các đối tác thương mại lớn của Việt Nam đã từng bước được xây dựng và hoàn thiện. Đến nay, cơ sở dữ liệu này đảm bảo việc khai thác thông tin về trao đổi thương mại của 38 quốc gia và vùng lãnh thổ chi tiết đến từng dòng thuế, từng đối tác (trong đó có trao dồi thương mại với Việt Nam) và được cập nhật hàng tháng. Cơ sở dữ liệu về hệ thống pháp luật trong và ngoài nước thuộc lĩnh vực phòng vệ thương mại, cơ sở dữ liệu về các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại trên thế giới cũng thường xuyên được bổ sung, cập nhật.
Với các cơ sở dữ liệu và phần mềm được xây dựng đồng bộ, hiện tại, Bộ Công Thương đang thường xuyên theo dõi biến động của trên 300 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam có khả năng bị điều tra phòng vệ thương mại, từ đó định kỳ đưa ra các cảnh báo đối với những mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao bị điều tra để các doanh nghiệp, hiệp hội và cơ quan quản lý nhà nước chủ động chuẩn bị các biện pháp phòng ngừa. Theo danh sách cảnh báo cập nhật tháng 12/2024 được Bộ Công Thương thông báo, có 24 nhóm mặt hàng xuất khẩu sang 9 thị trường có nguy cơ cao bị điều tra phòng vệ thương mại.
Về việc nâng cao năng lực sử dụng Hệ thống cảnh báo sớm, trong 5 năm, Bộ Công Thương (Cục Phòng vệ thương mại) đã phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng tổ chức trên 100 hội thảo, lớp tập huấn về phòng vệ thương mại và cảnh báo sớm, cung cấp kiến thức cho hơn 6.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan bộ, ngành và địa phương và doanh nghiệp để nhận biết các nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chủ động phòng, tránh, và phối hợp xử lý vụ kiện một cách hiệu quả.
Đồng thời, Bộ Công Thương đã tích cực đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến thông tin về phòng vệ thương mại thông qua nhiều hình thức. Thông qua các hoạt động này, nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp và hiệp hội về các vụ việc phòng vệ thương mại và hệ thống cảnh báo sớm của Bộ Công Thương được nâng cao rõ rệt. Các doanh nghiệp trong nhiều ngành hàng như dệt may, thủy sản, thép, gỗ, nhôm, cao su, gốm sứ, xi măng, mật ong đã có những hiểu biết cơ bản về phòng vệ thương mại và cách thức xử lý khi hàng hóa của mình có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại. Các địa phương đã có sự phối hợp tốt với Bộ Công Thương trong quá trình hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại của nước ngoài.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục duy trì các hoạt động hợp tác với các cơ quan phòng vệ thương mại nước ngoài và các cơ quan hải quan các nước có kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu lớn với Việt Nam để theo dõi, giám sát tình hình xuất nhập khẩu, phòng tránh hiện tượng gian lận, lần tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với cả hàng hóa xuất khẩu và nhập khẩu, bảo vệ tối đa lợi ích của Việt Nam trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại báo cáo, các bộ, ngành như Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trung ương, các Hiệp hội cũng đã báo cáo cụ thể về việc thực hiện Đề án 316.
Theo Bộ Công Thương, mặc dù đã hoàn thành các nhiệm vụ và đạt được những kết quả được các bộ ngành, hiệp hội nêu trong báo cáo, tuy nhiên, trong quá trình triển khai Đề án, các Bộ ngành và đơn vị liên quan cũng gặp phải những khó khăn nhất định. Như, nhiều địa phương, công tác thông tin tuyên truyền kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến phòng vệ thương mại và hệ thống cảnh báo sớm tuy đã được quan tâm xong hiệu quả vẫn chưa được như mong muốn.
Ngoài ra, phần lớn doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ và vừa, còn quen với các phương thức kinh doanh truyền thống, chưa có nhận thức hoặc nhận thức hạn chế về hội nhập kinh tế quốc tế và tầm quan trọng của lĩnh vực phòng vệ thương mại trong thương mại quốc tế. Do vậy, các doanh nghiệp còn tỏ ra thờ ơ, thiếu tích cực trong việc tham gia các hoạt động tập huấn, hội nghị tuyên truyền, đào tạo bồi dưỡng kiến thức về phòng vệ.
Một số địa phương còn chưa tận dụng, sử dụng tốt các thông tin cảnh báo từ hệ thống cảnh báo sớm phòng vệ thương mại để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do vậy, tuy hệ thống cảnh báo sớm đem lại hiệu quả tốt, song năng lực sử dụng Hệ thống cảnh báo sớm là vấn đề cần quan tâm. Đối với các hiệp hội ngành hàng, nguồn lực của hiệp hội mỏng, trình độ của các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế nên việc tổng hợp, truyền đạt thông tin, hướng dẫn doanh nghiệp còn gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở các nội dung báo cáo, nhằm tiếp tục triển khai Đề án 316 trong thời gian tới, Bộ Công Thương kính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương căn cứ các nội dung của Đề án “Xây dựng và vận hành hiệu quả Hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tiếp tục xây dựng kế hoạch để phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các nhiệm vụ cho giai đoạn 2025 - 2030 nhằm tăng cường khả năng cảnh báo và hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng vệ thương mại.