Cảnh báo nhiều ca mắc đậu mùa khỉ là trẻ em
Tình trạng trẻ em và những người không quan hệ tình dục mắc đậu mùa khỉ gia tăng tại một số nước khiến các chuyên gia lo ngại, dịch có thể bùng phát mạnh hơn nữa.
Trong bản cập nhật mới về đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận thấy một số ít trường hợp bệnh nhân là trẻ em và người không quan hệ tình dục.
Tiến sĩ Hans Kluge, Giám đốc WHO khu vực châu Âu, cho biết các ca bệnh này bị lây nhiễm do tiếp xúc với những thành viên mắc bệnh trong gia đình.
Tiến sĩ Kluge lưu ý, những con số sơ bộ cho thấy, đàn ông quan hệ tình dục đồng giới chiếm phần lớn các trường hợp. Trong báo cáo của WHO, hầu hết ca mắc đều là người 21-40 tuổi với 99% là nam giới có quan hệ tình dục đồng tính. Tuy nhiên, một số lượng nhỏ bệnh nhân là thành viên trong gia đình, những người tiếp xúc khác giới và những người không quan hệ tình dục, cũng như trẻ em.
Phần lớn bệnh nhân có biểu hiện phát ban và khoảng 3/4 có các triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, đau cơ, nôn mửa, tiêu chảy, ớn lạnh, đau họng hoặc đau đầu.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã lên kế hoạch mở rộng vắc-xin đậu mùa khỉ cho trẻ em nếu cần. Vắc-xin Jynneos của Bavarian Nordic A/S hiện chỉ được phép sử dụng cho người lớn và được coi là an toàn hơn so với vắc-xin đậu mùa ACAM2000 của Emergent BioSolutions Inc.
Đậu mùa khỉ là một bệnh lây truyền hiếm gặp từ động vật sang người. Bệnh có thể lây lan khi tiếp xúc với người, linh trưởng, động vật gặm nhấm... bị nhiễm virus, qua đường hô hấp, mắt, mũi, miệng và có thời gian ủ bệnh từ 6-13 ngày.
Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng tương tự như bệnh đậu mùa nhưng nhẹ hơn, bao gồm các biểu hiện như sốt, đau đầu, đau cơ, ớn lạnh, mệt mỏi, phát ban và nổi hạch bạch huyết.
Gần đây nhiều quốc gia châu Âu, Mỹ và cả châu Á đã ghi nhận các ca bệnh đậu mùa khỉ, vốn có nguồn gốc từ châu Phi khiến nhiều người lo lắng về diễn biến của bệnh.
Trong một báo cáo dữ liệu được công bố vào tuần trước, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết tính đến ngày 30/6, Vương Quốc Anh đã ghi nhận ít nhất 1.235 trường hợp.
Ngày 6/7, Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Dominicana Daniel Rivera xác nhận nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ. Bệnh nhân là công dân Cộng hòa Dominicana 25 tuổi vừa trở về từ Mỹ và đã được cách ly tại Bệnh viện Ramón de Lara ở thủ đô Santo Domingo. Bệnh nhân nhập cảnh hôm 28/6 và đã tự đến bệnh viện ngay sau khi nhận được thông báo từ Mỹ về khả năng nhiễm virus đậu mùa khỉ. Bệnh nhân chỉ tiếp xúc gần với 4 người thân và cơ quan y tế hiện đang theo dõi chặt chẽ các trường hợp này.
Cùng ngày, Bộ Y tế Ecuador thông báo xác nhận trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này. Bệnh nhân là nam giới 30 tuổi, có các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ như sốt và nổi mụn trên da. Hiện, người này đã được cách ly và theo dõi bệnh tình chặt chẽ, trong khi cơ quan chức năng đang truy vết những trường hợp đã có tiếp xúc gần.
Bộ Y tế Singapore ngày 7/7 đã ra thông báo xác nhận về trường hợp đầu tiên mắc bệnh đậu mùa khỉ ở nước này. Thông báo cho biết, bệnh nhân là nam giới quốc tịch Malaysia 45 tuổi, người sống ở Singapore. Người này làm xét nghiệm hôm 6/7 và hiện đang được cách ly tại Trung tâm Các bệnh truyền nhiễm quốc gia.
Trước đó, ngày 27/6, Pháp phát hiện trẻ đầu tiên trên thế giới mắc đậu mùa khỉ. Bệnh nhi là bé trai, đang học tiểu học trong vùng Ile-de-France. Cậu bé được cách ly, chăm sóc và không có dấu hiệu nghiêm trọng.
Theo thông tin từ CDC, tính đến nay toàn cầu đã ghi nhận gần 6.000 ca mắc đậu mùa khỉ. Một người đã tử vong. Gần 50% ca mắc là lây nhiễm trong cộng đồng.
Tiến sĩ Kluge khẳng định, chúng ta không được tự mãn. Bởi, "đợt bùng phát này cần được xác định cẩn trọng để không tạo thành tình trạng khẩn cấp toàn cầu".
WHO đã yêu cầu các quốc gia phải nhanh chóng mở rộng quy mô giám sát bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm xét nghiệm, nâng cao năng lực xét nghiệm.
Minh Hoa (t/h theo Zing, Sức khỏe và Đời sống)