Cảnh báo nhiễm độc cồn công nghiệp qua đường hô hấp và da

Ngộ độc methanol thường xảy ra ở nước ta do nạn nhân uống phải rượu rởm pha cồn công nghiệp, gây nguy hiểm đến tính mạng, hoặc nhiều người trong số đó cứu được đã để di chứng nặng nề.

Tuy nhiên, lần đầu tiên Việt Nam ghi nhận nhiễm độc methanol qua đường hô hấp và qua da trong điều kiện lao động, ảnh hưởng tới nhiều người. 108 công nhân tại công ty chuyên sản xuất linh kiện điện tử tại Bắc Ninh đã phải nhập viện cấp cứu, có 37 người nhiễm độc methanol, trong đó 1 người tử vong, nhiều người tổn thương mắt và não, có người mù mắt. Cồn công nghiệp được sử dụng để sản xuất rượu rởm, cồn y tế rởm đang được bán và lưu hành trên thị trường, gây ra nhiều ca bệnh thương tâm và hậu quả nặng nề.

Môi trường làm việc với nguy hiểm có thể gây chết người

Sự việc bắt đầu vào cuối tháng 2/2023, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa Bắc Ninh bắt đầu tiếp nhận các công nhân Công ty TNHH HSTECH Vina (Bắc Ninh) có biểu hiện mệt, đau đầu vào nhập viện.

Bệnh nhân ngộ độc methanol điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân ngộ độc methanol điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai.

Nặng nhất trong số đó là chị Nguyễn Thị H. (SN 1981, ở Thuận Thành, Bắc Ninh), có dấu hiệu bệnh từ ngày 27/2 với triệu chứng mờ mắt, đau đầu, buồn nôn, sau đó lơ mơ dần, chị được đưa đến Bệnh viện Thuận Thành, rồi chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai. Ngày 28/2, chị H. nhập Trung tâm Chống độc trong tình trạng hôn mê, tụt huyết áp, nhiễm toan chuyển hóa nặng, nồng độ methanol trong máu là 123,16 mg/dL, não tổn thương nặng hai bên. Dù đã được các bác sĩ khẩn trương cấp cứu, hồi sức, giải độc, lọc máu, tuy nhiên não chị vẫn tổn thương nặng không hồi phục nên gia đình đã xin về và chị H. đã qua đời.

Tiếp đó, Trung tâm Chống độc tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng, có triệu chứng như chị H, tổn thương mắt, mù mắt như 2 anh em Phàn A.T (dân tộc Mông, 18 tuổi) và Phàn A.S (16 tuổi), đều trú tại Sơn La. Công ty TNHH HSTECH Vina chuyên sản xuất linh kiện điện tử, trong đó có một loại linh kiện bằng kim loại được sản xuất từ công đoạn cắt bằng dao. Trong công đoạn này, máy có phun cồn ethanol để làm mát dao cắt. Đồng thời, một số linh kiện sau đó không sạch sẽ được các công nhân chấm lau sạch bằng cồn ethanol. Khoảng một tuần cuối tháng 2, công ty chuyển sử dụng sang lô cồn ethanol mới. Sau khi sử dụng, các công nhân bắt đầu thầy mệt, đau đầu nên xin về nghỉ.

Hàng loạt công nhân phải nhập viện cấp cứu, nguy kịch đến tính mạng đã gây xôn xao dư luận. Theo Bệnh viện Bạch Mai, tính đến nay, đã có 108 công nhân được khám, xét nghiệm, cấp cứu tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, trong đó 37 người bị nhiễm methanol; có 7 người mức độ nặng hoặc nguy kịch, trong đó tử vong 1 người, 4 người tiên lượng di chứng giảm nặng hoặc mất khả năng nhìn, 1 người di chứng nặng với não.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Loại cồn công ty sử dụng được một người nhà bệnh nhân gửi tới xét nghiệm, kết quả cho thấy nồng độ methanol là 77,83%, không có ethanol. Các công nhân ở đây đã nhiễm độc methanol qua đường hô hấp do hít phải không khí có nhiễm methanol và có thể một phần qua da khi da tiếp xúc trực tiếp với cồn.

Cồn độc hại “núp bóng” ethanol

Theo BS Nguyên, Trung tâm Chống độc thường tiếp nhận các vụ ngộ độc rượu chứa methanol, đây là vụ nhiễm độc methanol đầu tiên qua đường hô hấp và qua da trong điều kiện lao động, ảnh hưởng tới nhiều người. Cách đây vài năm, Trung tâm Chống độc cũng đã tiếp nhận điều trị một bệnh nhân trẻ bị nhiễm độc methanol trong một xưởng sản xuất cồn khô, do tiếp xúc qua da và đường hô hấp, bệnh nhân này cũng bị nhiễm độc nặng, không tử vong nhưng bị tổn thương mắt và di chứng.

Trung tâm Chống độc đã nhiều lần cảnh báo về hóa chất methanol chưa được kiểm soát tốt, bị “tuồn” ra ngoài vào tay kẻ xấu hoặc nhiều nhà sản xuất không chính đáng đóng thành các loại rượu rởm, pha thành nhiều loại cồt sát trùng, cồn y tế rởm bán ở một số hiệu thuốc khiến người tiêu dùng lầm tưởng mua về sử dụng, kết quả gây ra tử vong và ngộ độc để lại di chứng nặng nề. Điển hình nhất là vào tháng 2 vừa qua, nam bệnh nhân 46 tuổi ở Vĩnh Phúc có tiền sử nghiện rượu, đã mua phải cồn y tế rởm (methanol) về uống, sau đó bị ngộ độc, khi đưa vào Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng hôn mê, nguy kịch. Dù đã điều trị tích cực, song do quá nặng, bệnh nhân đã tử vong.

BS Nguyễn Trung Nguyên cho biết, cồn methanol được dùng làm dung môi tẩy sơn, véc ni, trong sơn, dung môi công nghiệp, chất tẩy rửa, làm sạch, lau chùi, các loại nhiên liệu thay thế cho động cơ, làm nguyên liệu cho sản xuất nhiều hóa chất, sản phẩm khác nhau. Methanol là hóa chất rất độc, không được uống, tác dụng sát trùng cũng rất kém.

Tuy cảnh báo nhiều, nhưng hóa chất methanol được sử dụng rộng rãi trong đời sống, từ công nghiệp đến gia dụng, từ sản phẩm chính thức đến các sản phẩm phi pháp, sản phẩm rởm. Do lượng hóa chất cồn công nghiệp methanol rất nhiều, được bán với giá rất rẻ nên cồn methanol rất dễ bị kẻ xấu dùng thay cho ethanol, dẫn tới nhiều sản phẩm ethanol có nguy cơ bị làm giả (thay vì chứa ethanol, nay lại bị thay bằng methanol) và gây ngộ độc/nhiễm độc cho người sử dụng. Do đó, người dân, người sản xuất cần hết sức cảnh giác và các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường kiểm soát.

Trần Hằng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/y-te/canh-bao-nhiem-doc-con-cong-nghiep-qua-duong-ho-hap-va-da-i686670/
Zalo