Cảnh báo nguy hiểm từ dòng chảy xa bờ
Dòng chảy xa bờ là hiện tượng tự nhiên thường xuyên xuất hiện tại các bãi biển của tỉnh Quảng Ngãi, đặc biệt ở khu vực bãi ngang. Đây là nguyên nhân gây ra phần lớn các vụ đuối nước thương tâm trong thời gian qua. Khi mùa hè đến gần, việc nâng cao nhận thức và kỹ năng cho người dân, du khách phòng tránh dòng chảy xa bờ trở nên hết sức cần thiết.
“Bẫy nước” cực kỳ nguy hiểm
Dòng chảy xa bờ (rip current) là một dòng nước mạnh chảy từ bờ ra biển, hình thành khi sóng biển dồn nước vào bờ rồi dội ngược ra khơi thông qua những điểm trũng hoặc rãnh dưới đáy biển. Dòng chảy thường xuất hiện tại các khu vực bãi ngang, đáy biển thoải và sóng lớn.
Dòng nước này tuy hẹp, chỉ rộng vài chục mét, nhưng lại có tốc độ rất lớn, có thể lên đến 3m/giây, đủ sức cuốn trôi cả những người bơi khỏe nhất ra xa bờ chỉ trong tích tắc. Điều nguy hiểm là dòng chảy không cuốn người xuống đáy mà đẩy ra xa bờ. Điều này dễ khiến người gặp nạn hoảng loạn và cố bơi ngược vào bờ, dẫn đến kiệt sức, đuối nước.

Bề mặt nước ở khu vực có dòng chảy xa bờ thường lặng hơn so với khu vực sóng vỗ.
Tại vùng biển Quảng Ngãi, thời điểm dòng chảy xa bờ hoạt động mạnh nhất là từ tháng 4 đến tháng 9, khi gió nồm thổi mạnh, biển động, thủy triều lên xuống thất thường. Ở các bãi biển bãi ngang dòng chảy xuất hiện thường xuyên hơn do địa hình đáy biển biến đổi liên tục sau những đợt sóng lớn.
Theo người dân ở vùng ven biển, sự nguy hiểm của dòng chảy xa bờ nằm ở chỗ nó thường rất khó nhận biết. Bề mặt nước ở khu vực có dòng chảy xa bờ thường lặng hơn so với khu vực sóng vỗ, dễ gây ra sự chủ quan cho người tắm biển. Khi bị cuốn vào dòng chảy này, nạn nhân thường hoảng loạn, cố gắng bơi ngược dòng chảy để vào bờ. Tuy nhiên, do dòng chảy quá mạnh, mọi nỗ lực đều trở nên vô vọng, dẫn đến kiệt sức và đuối nước.

Trang bị kiến thức an toàn khi tắm biển không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
“Dòng chảy thường xuất hiện bất ngờ, hình thành ở những vùng sóng vỡ không đều hoặc vùng nước có màu sẫm hơn do cuốn theo bùn cát. Nhưng không phải ai cũng để ý được. Rất nhiều người khi thấy chỗ nước lặng, ít sóng thì tưởng an toàn, lại chính là nơi dòng chảy hoạt động mạnh nhất”, ông Đỗ Văn Tiên ở xã Thắng Lợi (Mộ Đức) nói.
Trang bị kỹ năng – lá chắn an toàn cho mỗi người
Theo kinh nghiệm của những người dân ven biển, nếu chẳng may bị cuốn vào dòng chảy, điều quan trọng nhất là không hoảng loạn. Người bị nạn cần thả lỏng cơ thể, giữ bình tĩnh, tránh gắng sức bơi ngược vào bờ. Thay vào đó, hãy bơi song song với bờ biển, thoát khỏi dòng nước mạnh, sau đó mới từ từ bơi chéo vào bờ. Trong trường hợp không thể tự bơi, nên nằm ngửa, nổi trên mặt nước và ra tín hiệu cầu cứu.
Trên thực tế, dòng chảy xa bờ tuy nguy hiểm nhưng hoàn toàn có thể phòng tránh nếu mỗi người được trang bị kiến thức cơ bản. “Việc đầu tiên là nhận biết được vùng có dòng chảy. Những nơi nước sẫm màu hơn, sóng vỗ không đều, hoặc có rãnh nước kéo dài ra khơi chính là dấu hiệu điển hình. Bọt biển, rác, rong biển trôi ra xa theo một đường thẳng từ bờ ra ngoài cũng là tín hiệu cần tránh xa”, ông Nguyễn Thanh Tân ở xã Đức Minh (Mộ Đức)- người có kinh nghiệm hơn 20 năm đi biển chia sẻ.
Tuy nhiên, không phải lúc nào các dấu hiệu trên cũng rõ ràng. Vì vậy, người dân và du khách cần chủ động tắm biển ở những nơi có lực lượng cứu hộ, tuân thủ biển cảnh báo, không xuống nước vào thời điểm thủy triều rút mạnh hoặc trời tối. Trẻ em cần có người lớn đi kèm và tuyệt đối không để tắm biển một mình.

Chính quyền địa phương xã Thắng Lợi (Mộ Đức) cắm biển cảnh báo nguy hiểm tại bãi biển thôn Tân Định.
Mới đây, 2 vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại bãi biển xã Thắng Lợi và Đức Chánh (Mộ Đức) khiến cho 4 em học sinh mất tích, tử vong, một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về sự chủ quan, thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân và du khách về mối nguy hiểm của dòng chảy xa bờ.
Đây không phải là lần đầu tiên biển Quảng Ngãi chứng kiến những tai nạn thương tâm mà phần lớn là do dòng chảy xa bờ gây ra. Mỗi vụ việc là một bài học đắt giá, nhắc nhở chúng ta về sự khắc nghiệt của thiên nhiên và tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân khi vui chơi trên biển.
Trước thực trạng này, các địa phương cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hiểm họa dòng chảy xa bờ, lắp đặt biển cảnh báo rõ ràng tại các bãi biển, đồng thời tăng cường lực lượng cứu hộ, đặc biệt trong mùa hè.

Lực lượng cứu hộ tại biển Mỹ Khê cắm biển cảnh báo du khách tắm biển khu vực có dòng chảy xa bờ.
Đội trưởng Đội Quản lý trật tự đô thị TP.Quảng Ngãi Phan Cao Lâm cho biết, đơn vị đang triển khai lắp đặt hệ thống phao bơi nhằm cảnh báo và khoanh vùng an toàn cho người dân, du khách khi tắm biển tại bãi biển Mỹ Khê. Mục tiêu là giúp mọi người nhận diện khu vực có dòng chảy xa bờ, từ đó hạn chế nguy cơ đuối nước.
"Chúng tôi không chỉ tập trung cảnh báo, nhắc nhở người dân mà còn bố trí lực lượng túc trực tại các bãi tắm. Nhân lực và phương tiện cứu hộ luôn trong trạng thái sẵn sàng để xử lý khi có sự cố", ông Lâm nói.
Biển luôn là điểm đến lý tưởng trong những ngày hè oi bức. Tuy nhiên, mỗi người cần ý thức được rằng, sự chủ quan dù chỉ trong chốc lát cũng có thể dẫn đến hậu quả đau lòng. Trang bị kiến thức an toàn khi tắm biển không chỉ bảo vệ bản thân mà còn góp phần hạn chế những tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bài, ảnh: LINH ĐAN