Cá mái chèo dạt vào bờ biển Ninh Thuận, có phải là cá 'báo trước tương lai'?
Một con cá mái chèo lớn mới được người dân phát hiện là dạt vào bờ biển Vĩnh Hy (Ninh Thuận). Đây là loài cá mà con người rất hiếm khi nhìn thấy trực tiếp. Loài cá này gắn liền với nhiều lời đồn đoán rằng nó có thể 'dự báo' những hiện tượng không tốt trong thời gian sắp tới. Điều này có thật không?
Nhiều trang mạng xã hội và một số trang tin/ báo điện tử đã đăng tin rằng một con cá mái chèo dài khoảng 3 mét dạt vào bờ biển Vĩnh Hy (tỉnh Ninh Thuận) vào ngày 18/5. Khi vào bờ, con cá này vẫn còn sống nên người dân đã cố gắng đưa nó trở lại biển.
Sự xuất hiện của cá mái chèo ở bờ biển khiến nhiều người lo lắng, bởi lâu nay vẫn có những lời đồn đoán rằng cá mái chèo báo trước thiên tai, đặc biệt là động đất.

Cá mái chèo xuất hiện ở Ninh Thuận ngày 18/5. Ảnh: An An.
Những lời đồn đoán này bắt nguồn từ đâu và có phải sự thật không?
Theo trang Live Science, trong truyền thuyết của Nhật Bản thì cá mái chèo được gọi là “sứ giả từ cung điện của Long Vương”. Người ta tin là cá mái chèo bơi từ dưới đáy biển sâu lên để cảnh báo con người rằng sắp có động đất.
Niềm tin này càng được củng cố và cá mái chèo càng nhận được nhiều sự chú ý sau thảm họa động đất (và sóng thần) ở Nhật vào tháng 3/2011, khiến hơn 19.000 người thiệt mạng. Thực tế, đã có cả chục con cá mái chèo - vốn rất ít được nhìn thấy trực tiếp - bị dạt vào bờ biển ở Nhật Bản vào cuối năm 2009 và cả năm 2010, theo trang Forbes. Vì vậy, người ta càng dễ dàng gắn cá mái chèo với thảm họa động đất.

Một con cá mái chèo bị dạt vào bờ biển ở Mexico. Ảnh: Eric Broder Van Dyke/ Getty Images.
Nhiều nhà khoa học đã cố giải thích mối liên kết cũng như truyền thuyết nói trên. Họ cho rằng, sự dịch chuyển của các mảng kiến tạo dưới đáy biển đã tạo ra các dòng điện từ, khiến cá mái chèo - sống ở độ sâu khoảng 200 mét - bị đẩy lên mặt nước và dạt vào bờ. Đó là lý do mà không lâu sau khi cá mái chèo bị dạt vào bờ thì động đất có thể xảy ra.
Nhưng các nghiên cứu gần đây lại khẳng định rằng cá mái chèo không dự báo động đất. Một đội nghiên cứu ở Nhật đã tập hợp dữ liệu và thấy từ tháng 11/1928 đến 3/2011 đã ghi nhận 336 lần người dân nhìn thấy cá mái chèo ở Nhật. Nhưng không một lần nào trong số đó xảy ra trong vòng 30 ngày tính từ một trận động đất mạnh ít nhất 7,0 độ. Cũng không có trận động đất nào mạnh từ 6,0 độ trở lên xảy ra trong vòng 10 ngày kể từ khi cá mái chèo được nhìn thấy.

Một con cá mái chèo bị dạt vào bờ biển California (Mỹ) cuối năm 2024. Ảnh: Alison Laferriere/ Scripps Institution of Oceanography.
Cho nên, mặc dù truyền thuyết về cá mái chèo nghe rất ly kỳ, nhưng không có bằng chứng khoa học nào để coi cá mái chèo là điềm báo động đất. Các nhà nghiên cứu chỉ nói, vì cá mái chèo sống ở rất sâu và hiếm khi lên vùng nước nông, nên họ biết rất ít về thói quen của chúng, nên khó có thể giải thích hành vi của loài cá này.
Các nhà khoa học đoán rằng, cá mái chèo có thể bị trôi dạt vào bờ biển do một số thay đổi trong hệ sinh thái ở biển sâu (ví dụ nhiệt độ), hoặc cũng có thể do chúng đuổi theo sinh vật nào đó…