Cảnh báo nguy cơ ngộ độc rượu dịp cuối năm

Lo ngại tình trạng ngộ độc rượu xảy ra vào cuối năm, mới đây, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã gửi văn bản tới các tỉnh, thành phố tăng cường các biện pháp giám sát rượu kém chất lượng.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đề nghị cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành y tế và công thương tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu. Trong đó, chú trọng vào các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, nhất là các cơ sở nấu rượu thủ công.

Từ đó, ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không bảo đảm an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác đưa ra lưu thông trên thị trường.

Thực tế, thông tin từ Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, thường xuyên tiếp nhận nhiều ca uống rượu quên ăn, đến khi nhập viện đường máu bệnh nhân về 0, nguy hiểm đến tính mạng. Theo các bác sĩ, ngộ độc rượu diễn ra rải rác quanh năm nhưng cao điểm thường bắt đầu từ Tết Dương lịch đến sau Tết Nguyên đán. Thời điểm này, bệnh nhân nhập viện trong nhiều tình trạng khác nhau từ nhẹ đến nặng.

Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các bệnh nhân đến viện thường ngộ độc cấp do uống một lần quá nhiều rượu hoặc lạm dụng rượu trong thời gian dài. Các lý do vào viện nhẹ nhất là nôn mửa hoặc nặng hơn là lơ mơ, lẫn lộn, kích thích, thậm chí là hôn mê, hôn mê sâu.

BS Nguyên cho biết, không chỉ rượu methanol, ngay cả rượu truyền thống ethanol nếu như lạm dụng cũng có thể gây ra ngộ độc, tử vong. Cụ thể, thành phần ethanol trong rượu trực tiếp gây hạ đường huyết. Đường huyết xuống thấp gây tổn thương lan tỏa ở cả hai bên bán cầu não. Nếu tình trạng này chậm xử lý, tổn thương não sẽ lan rộng hơn, gây co giật, lờ đờ, hôn mê, thậm chí tử vong.

Thông thường, các bệnh nhân hay uống, mua rượu nhưng ít có thói quen truy xuất nguồn gốc rượu. Do đó, đa phần những ca ngộ độc rượu là do mua phải rượu rởm, rượu pha cồn công nghiệp rao bán trên mạng, hoặc qua giới thiệu từ người quen.

Cách tốt nhất để ngừa ngộ độc rượu là không uống rượu hoặc hạn chế uống rượu. Kiểm soát bản thân và người uống cùng, nên từ chối dứt khoát khi bị ép uống rượu. Không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu tự pha chế, đặc biệt rượu pha chế từ cồn công nghiệp (methanol). Không uống rượu khi đói và không uống nhiều. Khi nhận thấy bản thân hoặc những người xung quanh có dấu hiệu bị ngộ độc sau khi sử dụng rượu không rõ nguồn gốc, hãy đưa đến cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được xử trí kịp thời.

Dương Toàn

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/canh-bao-nguy-co-ngo-doc-ruou-dip-cuoi-nam-10269254.html
Zalo