Cảnh báo khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng tại Iran
Khủng hoảng đang đè nặng lên cuộc sống của người dân Iran, gây áp lực lên chính phủ nước này.
Iran đang phải đối mặt với một trong những cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất từ trước đến nay.
Theo CNBC, đồng tiền Iran, rial, đã chạm mức thấp kỷ lục 756.000 rial đổi 1 USD. Điều này bắt nguồn từ các lệnh trừng phạt của phương Tây cũng như các chính sách quản lý thiếu hiệu quả. Người dân quốc gia này đang phải vật lộn với muôn vàn khó khăn, từ lạm phát tăng cao đến tình trạng thất nghiệp tràn lan.
Những lệnh trừng phạt do các quốc gia phương Tây áp đặt đã gây áp lực lên nền kinh tế Iran, làm tê liệt các ngành quan trọng, chẳng hạn như: ngành xuất khẩu dầu mỏ. Tình hình trở nên tồi tệ hơn khi ông Donald Trump, người đã từng áp đặt các chính sách cứng rắn đối với Tehran trong nhiệm kỳ trước đây, đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vừa qua. Bên cạnh đó, những bê bối tham nhũng cũng góp phần đẩy quốc gia này đến bờ vực.
Không những vậy, tầm ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông đang sụt giảm nghiêm trọng sau sự sụp đổ của Tổng thống Bashar al-Assad tại Syria. Behnam ben Taleblu, thành viên cấp cao tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ tại Washington, cho rằng việc mất đi đồng minh quan trọng có thể khiến Iran rơi vào tình trạng bị cô lập.
Các nhà lãnh đạo Iran, bao gồm cả Tổng thống Masoud Pezeshkian, thẳng thắn thừa nhận về cuộc khủng hoảng kinh tế. Ông Pezeshkian cho biết chính phủ không có đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách cải thiện đời sống người dân, chống đói nghèo hay phát triển cơ sở hạ tầng.
Cuộc khủng hoảng cũng phản ánh những hạn chế trong các chính sách tài chính của Iran. Hojatollah Mirzaei, người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu của Phòng Thương mại Iran, cảnh báo những rủi ro từ chính sách phát hành trái phiếu của nước này để giải quyết các khoản nợ công. Ông cho rằng chính sách trên sẽ làm suy yếu thị trường vốn, ảnh hưởng đến việc hỗ trợ khu vực tư nhân cũng như hạn chế khả năng phân bổ nguồn lực của chính phủ cho các dự án phát triển cơ sở hạ tầng. Ngoài ra, việc giá năng lượng tăng có thể sẽ làm trầm trọng thêm áp lực lạm phát, gây thêm sức ép lên hộ gia đình.
Theo một báo cáo gần đây, cuộc khủng hoảng kinh tế đã khiến khoảng 70% dân số Iran sống dưới mức nghèo khổ. Tầng lớp trung lưu cũng bị ảnh hưởng đáng kể với việc nhiều người phải vật lộn để có đủ khả năng chi trả cho những nhu cầu cơ bản. Người dân ngày càng thất vọng do chính phủ không thể đưa ra giải pháp kịp thời nhằm giải quyết thách thức.
Bên cạnh đó, việc thiếu hụt các mặt hàng thiết yếu như: điện, xăng và nước cũng cho thấy các chính sách quản lý của chính phủ nước này đang không thực sự hiệu quả.
Các chuyên gia cho biết chính phủ Iran cần phải kịp thời đưa ra những thay đổi về chính sách nhằm hạn chế cuộc khủng hoảng cũng như xoa dịu áp lực từ người dân.