Giá dầu thô sẽ ra sao trong năm 2025?
Theo nhận định của MXV, giá dầu thô trong nửa đầu năm sau có thể lặp lại diễn biến trong năm 2024 và ổn định trong vùng 65-80 USD/thùng, với khả năng OPEC+ sẽ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá.
Hiện nay, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới. Trước bối cảnh, hàng loạt sự kiện lớn diễn ra như xung đột tại Trung Đông, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ; cùng với các chính sách sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh (OPEC+)... Năm 2025, thị trường dầu thô sẽ biến động ra sao? Báo Giao thông trò chuyện cùng ông Dương Đức Quang, Phó tổng Giám đốc Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) về vấn đề này.
Thị trường đang thặng dư nguồn cung
Nhìn lại một năm qua, ông đánh giá thế nào về thị trường dầu thô? Những yếu tố nào tác động vào diễn biến trên?
Theo dữ liệu của MXV, từ đầu năm tới nay, giá dầu liên tục đảo chiều lên xuống và có nhiều phiên quay đầu tăng giảm rất mạnh. Trong hai tuần gần đây, giá dầu có xu hướng đi xuống. Đóng cửa phiên gần nhất ngày 5/12,giá dầu thô WTI ở mức 68,3 USD/thùng; giá dầu Brent ở mức 72 USD/thùng, giảm 5-7,5% so với tháng đầu năm.
Nguyên nhân khiến giá giảm là do thị trường đang chuyển dần sang trạng thái thặng dư nguồn cung, trong khi nhu cầu tiêu thụ chỉ tăng trưởng chậm.
Tuy nhiên, nếu không có chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ và diễn biến nóng tại Trung Đông thì giá dầu đã còn giảm sâu hơn nữa.
Giá năng lượng vốn rất nhạy cảm với các rủi ro địa chính trị. Cho nên từ đầu năm đến nay, giá dầu thế giới đã nhiều lần đảo chiều theo diễn biến xung đột tại các khu vực, đặc biệt là tại Trung Đông - giếng dầu của thế giới với hàng loạt nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu, trong đó có Iran.
Iran hiện là một trong những quốc gia có năng lực lọc dầu lớn nhất ở khu vực với công suất khoảng 2,4 triệu thùng/ngày và xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng/ngày.
Điển hình tuần đầu tháng 4, sau khi Iran thực hiện cuộc tấn công bằng tên lửa nhằm vào Israel, thị trường dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai quốc gia này có thể lan rộng ra toàn khu vực, gây gián đoạn nguồn cung dầu thế giới. Chỉ trong vòng một tuần, giá dầu thô đã có đến 6 phiên tăng liên tiếp và duy trì ở vùng đỉnh trong hơn 5 tháng. Đáng chú ý, đóng cửa phiên giao dịch ngày 5/4, giá dầu WTI ở mức 87 USD/thùng; giá dầu Brent vượt 91 USD/thùng. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng một năm qua.
Tuy nhiên, ba ngày sau đó, thông tin về một thỏa thuận ngừng bắn được đưa ra đã ngay lập tức cắt đứt chuỗi tăng, kéo giá dầu hạ nhiệt.
Bên cạnh thị trường dầu, một trong các lĩnh vực bị tác động mạnh từ căng thẳng Trung Đông chính là lĩnh vực vận tải, bao gồm cả giao dịch hàng hóa, trong đó có dầu thô. Cho nên, khi căng thẳng xoay quanh Iran dâng cao, thị trường lại dấy lên lo ngại nguy cơ Iran sẽ phong tỏa eo biển Hormuz.
Theo thống kê của Cơ quan Quản lý Thông tin Năng lượng Mỹ, trong số 77,5 triệu thùng dầu được vận chuyển bằng đường biển mỗi ngày trên thế giới trong năm 2023, có khoảng 20,9 triệu thùng đi qua eo biển Hormuz, 8,6 triệu thùng qua eo biển Bab el-Mandeb và 8,8 triệu thùng qua kênh đào Suez cùng đường ống SUMED.
Điều này có nghĩa là nếu một cuộc xung đột trực tiếp giữa Iran và Israel nổ ra, hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua các tuyến đường nói trên sẽ bị gián đoạn và khiến thị trường dầu toàn cầu đối mặt với một cuộc khủng hoảng chưa từng có. Những nghi ngại này khiến cho giá dầu "nhảy múa" liên tục trong năm qua.
Ông có nhắc đến chính sách cắt giảm sản lượng của OPEC+ để điều phối thị trường dầu thế giới trong thời gian qua. Nó được thể hiện như thế nào? Dự báo chính sách này sẽ góp phần ổn định thị trường trong thời gian tới ra sao, thưa ông?
Kể từ cuối năm 2022, tổ chức này đã thực hiện nhiều đợt cắt giảm sản lượng để hỗ trợ cho giá dầu thô. Cho đến nay, OPEC+ đã cắt giảm sản lượng đi tổng cộng 5,86 triệu thùng/ngày, tương đương khoảng 5,7% nhu cầu toàn cầu.
Tuy nhiên, tình hình hiện tại trên thị trường dầu thô không thể khiến giá tăng. Theo ước tính của thị trường, năm nay, nhu cầu dầu toàn cầu tăng chưa bằng một nửa mức tăng năm 2023. Trong đó Trung Quốc - quốc gia chiếm 1/5 lượng dầu nhập khẩu thế giới, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm, trong khi các quốc gia ngoài OPEC+ có xu hướng sản xuất nhiều dầu hơn.
Mặt khác, OPEC+ cũng đang phải đối mặt với áp lực nội bộ khi một số quốc gia thành viên như Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và Iraq phản đối việc duy trì giới hạn sản lượng trong thời gian dài.
Cho nên, bất chấp những nỗ lực duy trì hạn chế sản lượng của OPEC+, giá dầu thô thế giới chủ yếu vẫn giao dịch trong khoảng 70-80 USD/thùng trong năm 2024 và thậm chí còn giảm xuống dưới mốc 70 USD/thùng vào giai đoạn cuối năm nay. Điều này khiến nhiều thành viên của nhóm gặp khó khăn trong việc cân đối ngân sách và cản trở kế hoạch tăng dần sản lượng của khối.
Cuộc họp chính sách diễn ra vào ngày 5/12 của OPEC+ đang giành được sự quan tâm đặc biệt của thị trường, khi quyết định của nhóm sẽ có tác động đến nguồn cung dầu toàn cầu trong đầu năm sau.
Vì thế, chúng tôi cho rằng, nhóm này có thể duy trì mức cắt giảm sản lượng hiện tại để giúp giá dầu thô ổn định, cũng như tránh làm gia tăng những bất đồng trong nhóm.
Tuy nhiên, tổ chức này cũng không thể mãi dựa vào "thế cờ" này bởi thị phần của OPEC+, mà đi kèm với đó là sức mạnh thị trường, đang giảm dần. OPEC+ hiện sản xuất khoảng 39% nguồn cung dầu của thế giới, so với 41% cách đây một năm và 42% cách đây hai năm.
Có thể ổn định trong vùng giá 65-80 USD/thùng
Vậy, ông dự báo triển vọng giá dầu sẽ thế nào vào năm 2025?
Sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, ông Donald Trump sẽ quay trở lại Nhà Trắng vào ngày 20/1/2025 và bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai của mình, được kỳ vọng sẽ tác động đáng kể lên thị trường dầu thô thế giới trong năm tới.
Một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Trump là giảm giá năng lượng tại Mỹ bằng cách thúc đẩy hoạt động sản xuất dầu nội địa, trong đó bao gồm việc đẩy nhanh quy trình cấp giấy phép cho các giàn khoan dầu mới.
Về mặt lý thuyết, chính sách của ông Trump sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành dầu mỏ trong việc mở rộng sản xuất và gia tăng sản lượng. Tuy nhiên, ông Quang nhận định rằng trong ngắn và trung hạn, hoạt động sản xuất dầu của Mỹ sẽ chưa thể bùng nổ và khiến giá dầu suy yếu.
Trong 6 năm trở lại đây, Mỹ duy trì vị thế là nước sản xuất dầu thô lớn nhất thế giới, với sản lượng năm nay dự kiến đạt kỷ lục 13,53 triệu thùng/ngày. Nhờ những tiến bộ về khoa học kỹ thuật, các công ty sản xuất dầu mỏ lớn của Mỹ có thể cắt giảm chi phí, trong khi vẫn duy trì hoặc thậm chí gia tăng sản lượng mà không cần mở thêm các giếng dầu mới. Ưu tiên của họ là duy trì sản lượng ở mức hiện tại để giúp giá dầu ổn định, qua đó tối đa hóa lợi nhuận cho các nhà đầu tư và cổ đông.
Ngoài ra, chính sách đối ngoại liên quan đến Trung Đông của chính quyền Donald Trump cũng sẽ là yếu tố được thị trường dầu chú ý trong năm tới. Với lập trường cứng rắn của mình, ông Trump được cho là sẽ siết chặt hơn nữa các biện pháp cấm vận đối với ngành dầu mỏ của Iran.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump, hoạt động sản xuất và xuất khẩu dầu của Iran đã bị thiệt hại nặng nề trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, Iran đã dần thích nghi thông qua việc phát triển "hạm đội bóng tối" của riêng mình, trong khi khách hàng mua dầu chính của nước này là Trung Quốc cũng giúp Tehran giảm bớt áp lực từ các lệnh trừng phạt.
Thay vào đó, thị trường dầu trong năm 2025 sẽ cần theo dõi cách mà ông Trump giải quyết cuộc xung đột giữa Iran và Israel. Như đã phân tích ở trên, một cuộc đối đầu trực tiếp giữa hai quốc gia này có thể làm gián đoạn gần như hoàn toàn dòng chảy dầu thô từ Trung Đông và đẩy giá dầu tăng vọt.
Trong khi đó, thế giới bước vào năm 2025 với những mâu thuẫn địa chính trị sẽ còn kéo dài dai dẳng, làm tăng chi phí rủi ro cho giá dầu. Tôi cho rằng, giá dầu thô trong nửa đầu năm sau có thể lặp lại diễn biến trong năm 2024 và ổn định trong vùng 65-80 USD/thùng với khả năng OPEC+ sẽ duy trì chính sách cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá.