Căng thẳng thương mại thúc đẩy làn sóng phòng ngừa rủi ro tỷ giá dài hạn
Các công ty đa quốc gia của Mỹ đang kéo dài kỳ hạn phòng ngừa rủi ro tỷ giá để bảo vệ dòng tiền của họ khỏi những biến động tỷ giá có thể xảy ra do chính sách thuế quan của Mỹ.

Đồng USD Mỹ. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Các chuyên gia ngân hàng và chuyên gia tư vấn về phòng ngừa rủi ro cho biết, sự biến động mạnh trên thị trường ngoại hối sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao hơn dự đoán vào ngày 2/4 đã khiến một số biện pháp phòng ngừa rủi ro của họ không còn hiệu quả. Ngay cả những công ty vượt qua được đợt biến động mạnh vừa qua cũng đã bắt đầu kéo dài kỳ hạn phòng ngừa rủi ro.
Ông Eric Huttman, Giám đốc điều hành của MillTechFX, cho biết trong tuần qua, nhiều khách hàng của công ty này đã đẩy kỳ hạn phòng ngừa rủi ro lên mức cao nhất có thể, để vượt qua tình trạng bất ổn trong ngắn hạn. Tương tự, ông Garth Appelt, một lãnh đạo cấp cao của Mizuho Americas, cho biết thay vì phòng ngừa rủi ro ngắn hạn, khách hàng hiện đang phòng ngừa rủi ro trong kỳ hạn từ 2-5 năm, vì sự suy yếu của đồng USD đã trở thành một trong những hậu quả lớn nhất từ sự biến động mạnh của thị trường liên quan đến thuế quan.
Đồng USD suy yếu có thể tốt cho các nhà xuất khẩu Mỹ vì nó khiến sản phẩm của họ rẻ hơn ở nước ngoài. Nhưng sự không chắc chắn về thương mại toàn cầu và những lo ngại về nguy cơ suy thoái đang thúc đẩy các công ty có các biện pháp bổ sung để bảo vệ lợi nhuận trong tương lai.
Việc ông Trump tạm hoãn áp thuế quan đối ứng trong 90 ngày với tất cả các đối tác thương mại, không có Trung Quốc, đã không giúp ngăn chặn đà giảm của đồng USD, hoặc kiềm chế sự biến động gia tăng trên thị trường ngoại hối. Đồng USD đã suy yếu so với các đồng tiền chủ chốt khác, trong đó đồng euro đã tăng lên mức cao nhất trong ba năm so với “đồng bạc xanh”.
Các công ty còn có một lý do mạnh mẽ khác để tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa rủi ro xa hơn: mức độ biến động cao hơn đã đẩy chi phí của các công cụ phòng ngừa rủi ro ngắn hạn lên cao.
Dữ liệu của LSEG cho thấy, kỳ vọng về sự biến động tỷ giá thể hiện qua giá của các hợp đồng quyền chọn (options) ngắn hạn 1 tháng và 3 tháng đã tăng lần lượt 72% và 46% kể từ ngày 2/4, trước khi giảm nhẹ. Điều này đồng nghĩa với việc các công ty phải trả nhiều tiền hơn cho "bảo hiểm" tỷ giá ngắn hạn. Trong khi đó, chi phí tương ứng cho hợp đồng quyền chọn 2 năm lại chỉ tăng 23%.