Căng thẳng thương mại khiến vị thế của các đại gia ngân hàng Mỹ lung lay
Khi căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, nhiều ngân hàng Mỹ ghi nhận sự sụt giảm hoạt động tư vấn M&A, khi khách hàng tạm ngưng các kế hoạch để chờ đợi chính sách thương mại rõ ràng hơn.

Trụ sở ngân hàng JPMorgan Chase ở New York, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Mỹ có thể nhập khẩu nhiều hàng hóa sản xuất hơn là xuất khẩu, nhưng lại đang dẫn đầu rõ rệt trong một lĩnh vực đặc biệt là dịch vụ tài chính.
Theo dữ liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA), thặng dư thương mại của Mỹ trong mảng dịch vụ tài chính năm 2024 đạt khoảng 130 tỷ USD.
Một phần thặng dư này xuất phát từ phí giao dịch, dịch vụ bảo lãnh phát hành cổ phiếu, và tư vấn sáp nhập-mua lại (M&A). Riêng nhóm dịch vụ này đã đóng góp gần 10 tỷ USD thặng dư trong năm qua.
Trên thực tế, các bảng xếp hạng toàn cầu về tư vấn M&A và huy động vốn cũng cho thấy ưu thế vượt trội của các ngân hàng Mỹ kể từ sau khủng hoảng tài chính năm 2008.
Theo Dealogic, năm 2024, 5 vị trí dẫn đầu về doanh thu ngân hàng đầu tư toàn cầu đều thuộc về các ngân hàng Mỹ, và có đến 7 đại diện trong top 10 là từ Mỹ.
Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang, các “ông lớn” ngân hàng Mỹ có nguy cơ trở thành đối tượng chịu thiệt hại. Trong khi các ngân hàng châu Âu dần thu hẹp quy mô hoạt động trong 15 năm qua, các ngân hàng Trung Quốc và châu Á vẫn chủ yếu hoạt động nội địa. Một cuộc chiến thương mại kéo dài có thể làm thay đổi cục diện hiện tại.
Hiện tại, nhiều ngân hàng Mỹ đã ghi nhận sự sụt giảm hoạt động tư vấn M&A, khi khách hàng tạm ngưng các kế hoạch để chờ đợi chính sách thương mại rõ ràng hơn. Nguy cơ đặt ra là họ có thể mất cả những hợp đồng còn lại vào tay các đối thủ nước ngoài.
Dù vậy, quan hệ giữa các công ty quốc tế và ngân hàng Mỹ không dễ gì chấm dứt trong thời gian ngắn, nhất là khi những ngân hàng này đã phục vụ họ trong nhiều năm. Một lợi thế lớn khác của các ngân hàng Mỹ là khả năng kết nối với thị trường vốn sâu rộng của Mỹ - điều từ lâu đã hấp dẫn các công ty nước ngoài. Điều đó khiến họ vẫn có lý do để gắn bó với các ngân hàng Mỹ.
Tuy nhiên, nếu chiến tranh thương mại kéo dài, rủi ro đối với các ngân hàng Mỹ sẽ ngày càng lớn. Ông Brad Setser, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Mỹ, nhận định: “Các công ty nước ngoài không nhất thiết phải dùng dịch vụ ngân hàng Mỹ cho các giao dịch có phí cao." Theo ông, căng thẳng thương mại có thể gây ra hiệu ứng tâm lý e ngại, tương tự việc nhiều người Canada đang cân nhắc lại việc du lịch sang Mỹ.
Nếu hệ thống thương mại toàn cầu được định hình lại theo hướng lâu dài, điều này có thể thúc đẩy các quốc gia khác - đặc biệt là châu Âu, tăng tốc cải cách thị trường tài chính.
Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi, đã kêu gọi Liên minh châu Âu phát triển các thị trường vốn nội khối để huy động vốn hiệu quả hơn. Nếu thành công, châu Âu có thể sản sinh ra các ngân hàng mạnh mẽ và toàn diện hơn, đồng thời giảm nhu cầu tiếp cận thị trường tài chính Mỹ. Khi đó, vai trò của các ngân hàng Mỹ cũng sẽ bị thu hẹp.
Giới lãnh đạo các ngân hàng lớn của Mỹ mới đây cảnh báo những bất ổn kinh tế do thuế quan gây ra, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế, ngay cả khi lợi nhuận của các ngân hàng này vượt dự báo trong quý đầu tiên.
Giới lãnh đạo ngành ngân hàng cho biết mặc dù còn quá sớm để thấy được đầy đủ tác động của thuế quan, nhưng người tiêu dùng và doanh nghiệp đã bắt đầu phản ứng và ngày càng thận trọng hơn về những mức thuế quan sâu rộng của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ông Jeremy Barnum, Giám đốc tài chính của JPMorgan, cho biết người tiêu dùng đã bắt đầu mua trước những thứ có thể sẽ đắt đỏ hơn do thuế quan. Trong khi đó, các khách hàng doanh nghiệp đang bật chế độ “án binh” để xem xét tình hình, vì mức độ bất ổn chính sách này khiến việc lập kế hoạch dài hạn trở nên khó khăn.
Tương tự, ông Michael Santomassimo, Giám đốc tài chính của Wells Fargo, cho biết khách hàng doanh nghiệp và thương mại đang tỏ ra thận trọng hơn, vì muốn chờ đợi thêm để có cái nhìn rõ ràng hơn về tình hình thị trường trước khi đưa ra quyết định. Ông Santomassimo dự đoán thu nhập lãi ròng, khoản chênh lệch giữa lãi cho vay và lãi tiền gửi, của ngân hàng này sẽ ở mức thấp trong khoảng dự báo cho năm nay do thị trường biến động.
Về phần mình, Giám đốc điều hành Morgan Stanley, ông Ted Pick, lại bày tỏ sự lạc quan hơn, khi cho rằng nền kinh tế có thể tránh được suy thoái, dù vẫn thừa nhận những rủi ro hiện hữu. Giám đốc tài chính Sharon Yeshaya cho biết, dù một số khách hàng trì hoãn giao dịch do bất ổn thị trường, nhưng nhìn chung các thương vụ của ngân hàng vẫn duy trì ổn định./.