Cảng biển đón xu thế vận tải xanh
Ngành hàng hải đang chạy đua giảm phát thải khí nhà kính khi những con tàu chạy bằng nhiên liệu thay thế liên tục được xuất xưởng, khai thác. Các cảng biển cũng đang rốt ráo để sẵn sàng đón các tàu này.
Áp lực đảm bảo an toàn
Cuối tháng 10, chi nhánh Cảng Tân Vũ (Công ty CP Cảng Hải Phòng) lần đầu đón chuyến tàu chạy bằng khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) của hãng tàu CMA-CGM cập cảng làm hàng. Tàu CMA-CGM Visby có tải trọng 31.016 DWT với chiều dài 204,26m, được đóng mới và bàn giao hồi tháng 7/2024.
Theo đại diện Cảng Hải Phòng, hiện các hãng tàu có xu hướng đưa vào khai thác những con tàu chạy bằng nhiên liệu xanh, cắt giảm các tàu cũ chạy nhiên liệu thông thường nhằm bảo vệ môi trường, giảm lượng khí thải độc hại, ô nhiễm.
Đặc biệt, cầu cảng tiếp nhận tàu LNG phải được trang bị cơ sở hạ tầng an toàn cao và các hệ thống chuyên dụng như đường ống cách nhiệt, thiết bị kết nối an toàn và hệ thống an toàn khẩn cấp.
Trong đó, tàu LNG khi cập cảng thường cần thời gian dài hơn để hoàn thành các quy trình an toàn trước khi bốc dỡ. Việc xử lý LNG yêu cầu các biện pháp an toàn và bảo mật nghiêm ngặt hơn so với dầu diesel, chẳng hạn như việc duy trì khoảng cách an toàn và triển khai thêm nhân sự an ninh.
Ông Lê Minh Hải, Giám đốc chi nhánh Cảng Tân Vũ chia sẻ, trước khi tàu vào 2 tuần, các bộ phận khai thác của cảng và hãng tàu đã phải họp bàn về công tác chuẩn bị.
Để đưa tàu vào cảng an toàn, cảng đã bố trí tàu vào cầu 2 - nơi có thể tiếp nhận tàu có chiều dài đến 220m. Đồng thời, bố trí 5 máng khai thác sử dụng 5 cần cẩu QC có tầm với 14 - 15 hàng, cùng đầy đủ phương tiện thiết bị, công nhân xếp dỡ. Đặc biệt, cảng phải đảm bảo cao nhất về công tác phòng chống cháy nổ.
Trong chuyến bốc xếp đầu tiên tại Hải Phòng, tàu đã nhập 822 container (tương đương 1.447 teus), xuất 930 container (tương đương 1.700 teus). Tổng nhập và xuất đạt 1752 container (tương đương 3.147 teus).
Sau chuyến cập cảng thành công, hãng tàu CMA CGM đã quyết định đưa vào khai thác tuyến dịch vụ với tàu chạy bằng LNG để giảm thiểu carbon. Đây là dấu mốc không chỉ riêng với Cảng Hải Phòng, mà còn là dấu mốc với ngành hàng hải Việt Nam trong xu thế phát triển cảng xanh để đón nhiều tàu nhiên liệu sạch.
Tập trung đầu tư điện bờ
Theo tờ Seatrade Maritime, các chủ tàu đang tìm kiếm các giải pháp môi trường để giảm lượng khí thải. Hàng loạt tàu mới đang chuẩn bị được ra lò sau thời gian đặt đóng mới kể từ năm 2022.
Trong đó, các nhà máy đóng tàu Trung Quốc đang chiếm hơn 70% đơn đặt hàng đóng tàu xanh trên toàn cầu. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2024, đã có khoảng 370 tàu sử dụng nhiên liệu thay thế đã được đặt đóng mới tại các nhà máy đóng tàu Trung Quốc.
Việc các tàu sử dụng nhiên liệu xanh ngày càng phát triển đặt ra bài toán cho các cảng biển Việt Nam để kịp thời đáp ứng các tiêu chuẩn và đón được những con tàu này.
Ông Trần Khánh Hoàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cảng biển VN cho rằng, hiện các hãng tàu có xu thế yêu cầu chuỗi cung ứng dịch vụ xanh, bắt đầu từ khâu sản xuất, vận tải, cảng biển xanh và các dịch vụ nằm trên chuỗi cung ứng đều phải xanh hóa. Điều này đòi hỏi các cảng biển và ngành hàng hải cần phải tập trung nhiều hơn trong thời gian tới.
"Trước mắt, cần tập trung chuyển đổi các thiết bị tại cảng biển sang sử dụng nhiên liệu ít phát thải. Trong đó, có việc đầu tư điện bờ để đảm bảo cho nhu cầu phát triển xanh trong tương lai", ông Hoàng nói.
Chuẩn bị để đón đầu
Trong khi đó, theo ông Lê Minh Hải, ngay từ bây giờ, khối cảng biển cần tập trung nâng cao hơn nữa nhận thức cho người lao động về cảng xanh và xu thế tương lai. Các cảng cũng cần áp dụng quản lý chặt chẽ môi trường, đo lường, đánh giá mức độ ô nhiễm, chuyển đổi phương tiện thiết bị sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu thân thiện với môi trường.
"Nếu môi trường không đảm bảo, không đáp ứng được yêu cầu, hãng tàu sẽ không đưa tàu đến cảng", ông Hải nói và cho biết thêm, một trong những điều khó khăn nhất với cảng Tân Vũ nói riêng và các cảng biển tại Việt Nam nói chung khi đón tàu chạy bằng nhiên liệu xanh là việc cung cấp nhiên liệu cho tàu.
Theo một đại diện Cục Hàng hải VN, thông thường, các hãng tàu ít khi tiếp nhiên liệu tại các cảng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, các cảng vẫn luôn phải đảm bảo nhiên liệu để sẵn sàng cung cấp ngay khi hãng tàu có nhu cầu. Dù vậy hiện chưa có cảng biển nào tại Việt Nam có hạ tầng và trạm nhiên liệu để có thể cung cấp các nhiên liệu thay thế cho tàu biển.
Trước bối cảnh ngành hàng hải chuyển đổi xanh, đối với khối cung cấp dịch vụ, hoa tiêu ngoại hạng Nguyễn Hữu Tình (Công ty TNHH MTV Hoa tiêu hàng hải miền Bắc) khẳng định, việc dẫn tàu chạy bằng nhiên liệu hóa thạch hay nhiên liệu thay thế cơ bản không khác nhau nhiều.
Tuy nhiên, ngoài đóng tàu chạy bằng nhiên liệu giảm phát thải, các hãng tàu còn gia tăng kích cỡ và trọng tải tàu. Đó là một trong những áp lực với hoa tiêu hàng hải. Với các tàu lớn và khó, hoa tiêu phải là hoa tiêu ngoại hạng có kinh nghiệm lâu năm dẫn nhằm đảm bảo độ an toàn cao nhất.