NASA đầu tư 11,5 triệu USD để thiết kế máy bay tương lai

NASA đang tài trợ cho 5 nghiên cứu thiết kế máy bay mới với mục tiêu tạo ra thế hệ máy bay thương mại ít phát thải, hiệu quả và bền vững hơn, góp phần đạt mục tiêu không phát thải khí nhà kính từ ngành hàng không vào năm 2050.

NASA đầu tư 11,5 triệu USD để thiết kế máy bay tương lai (Ảnh: Electra)

NASA đầu tư 11,5 triệu USD để thiết kế máy bay tương lai (Ảnh: Electra)

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Hoa Kỳ (NASA) đang hướng tới việc phát triển một thế hệ máy bay thương mại mới, ít phát thải, mang đến phương thức di chuyển hiệu quả và bền vững hơn.

Trong khuôn khổ sáng kiến "Các khái niệm máy bay tiên tiến vì sự bền vững môi trường" (AACES) 2050, NASA đã ủy thác 5 nghiên cứu thiết kế mới. Các tổ chức tham gia vào các khái niệm thiết kế máy bay mới bao gồm Aurora Flight Sciences của Boeing, công ty hàng không vũ trụ Electra, Viện Công nghệ Georgia, công ty khởi nghiệp hàng không JetZero và Pratt & Whitney.

Tổng số tiền tài trợ cho 5 nghiên cứu này lên tới 11,5 triệu USD. Mỗi tổ chức mang đến những chuyên môn độc đáo để thiết kế một khái niệm máy bay thế hệ tiếp theo, từ nguồn nhiên liệu thay thế đến công nghệ động cơ đẩy và thiết kế khí động học của máy bay.

"Là đơn vị dẫn đầu trong nghiên cứu và phát triển hàng không bền vững của Hoa Kỳ, những giải thưởng này là một ví dụ về cách chúng tôi tập hợp những ý tưởng tốt nhất và những khái niệm sáng tạo nhất từ khu vực tư nhân, học viện, cơ quan nghiên cứu và các bên liên quan khác để tiên phong cho tương lai của ngành hàng không", ông Bob Pearce, Phó Giám đốc NASA phụ trách Ban Giám đốc Sứ mệnh Nghiên cứu Hàng không, cho biết.

Aurora Flight Sciences sẽ nghiên cứu nhiên liệu hàng không thay thế, hệ thống động cơ đẩy, công nghệ khí động học và cấu hình máy bay.

Electra sẽ khám phá động cơ đẩy điện cũng như các tính năng thiết kế khí động học độc đáo cho thân và cánh máy bay để giúp giảm phát thải và tiếng ồn.

Viện Công nghệ Georgia sẽ tập trung vào các công nghệ bền vững, bao gồm nhiên liệu thay thế, hệ thống động cơ đẩy và cấu hình máy bay.

JetZero sẽ nghiên cứu công nghệ cho phép sử dụng hydro lỏng đông lạnh làm nguồn nhiên liệu để giảm phát thải khí nhà kính.

Pratt & Whitney sẽ nghiên cứu công nghệ động cơ đẩy hàng không, tập trung vào cải thiện hiệu suất nhiệt và lực đẩy để giảm mức tiêu thụ nhiên liệu và phát thải khí nhà kính.

Các khái niệm thiết kế máy bay được phát triển thông qua AACES có thể được đưa vào sử dụng trong vòng 25 năm tới. Bằng cách giảm sự phụ thuộc của máy bay vào các nguồn nhiên liệu truyền thống góp phần gây ra khí thải nhà kính, NASA đang góp phần hỗ trợ mục tiêu của Hoa Kỳ về không phát thải ròng từ ngành hàng không vào năm 2050.

Ngành hàng không đang phải đối mặt với những thách thức lớn trong việc giảm thiểu tác động đến môi trường. Việc phát triển các công nghệ mới để giảm phát thải khí nhà kính, tiếng ồn và tiêu thụ nhiên liệu là ưu tiên hàng đầu của các nhà sản xuất máy bay và các cơ quan quản lý.

Việt Vũ (tổng hợp)

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/nasa-dau-tu-115-trieu-usd-de-thiet-ke-may-bay-tuong-lai-post532875.html
Zalo