Cần tự giác, tự nguyện tiết kiệm, chống lãng phí

Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống lãng phí (BCĐ) Phạm Minh Chính trong phiên họp trực tuyến về công tác phòng, chống lãng phí vào sáng nay 25/2. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến tham dự tại điểm cầu tỉnh Quảng Trị.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh chụp màn hình

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp - Ảnh chụp màn hình

Giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực

Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Công tác phòng, chống lãng phí được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, là một trong những yếu tố quan trọng để gia tăng sức mạnh về nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển, làm giàu cho đất nước, nhất là trong giai đoạn mới.

Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau Hội nghị Trung ương 10, BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được kiện toàn, bổ sung thêm chức năng phòng, chống lãng phí và đổi tên thành BCĐ Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, thời gian qua, Chính phủ chỉ đạo, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực nền kinh tế.

Trong đó, thành lập BCĐ rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế; giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai, năng lượng tái tạo, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương trước đây...Với phương thức, cách làm quyết liệt vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu góp phần chống lãng phí.

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng nêu rõ vẫn còn nhiều việc cần phải làm do lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng, hình thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, nhất là trong các lĩnh vực: Quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động...

Những hạn chế này là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển KT-XH, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Chính vì vậy, Chính phủ đã thành lập BCĐ phòng, chống lãng phí để giải quyết, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế, tạo chuyển biến mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công tác này.

Thủ tướng yêu cầu BCĐ rà soát lại các công việc đã triển khai, các kết quả đã đạt được, khó khăn, hạn chế và nguyên nhân, rút ra những bài học kinh nghiệm để làm cơ sở đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cho thời gian tới; nhất là việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án tồn đọng kéo dài để sớm giải quyết dứt điểm, giải phóng nguồn lực cho nền kinh tế.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến tham dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: M.L

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến tham dự phiên họp tại điểm cầu Quảng Trị - Ảnh: M.L

Nhiều dự án còn gặp khó khăn, vướng mắc

Tham gia ý kiến tại phiên họp, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương thẳng thắn chỉ rõ, lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều hình thức, chủ yếu do thiếu vốn đầu tư, nợ đọng xây dựng cơ bản; việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, giải phóng mặt bằng, trùng lắp quy hoạch; thiếu thủ tục giao đất, cho thuê đất; không tuân thủ thủ tục đấu thầu, đấu giá lựa chọn nhà đầu tư; vướng mắc về vật liệu xây dựng...Các đại biểu đề xuất tiếp tục hoàn thiện thể chế và có cơ chế tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án. Đồng thời có hướng dẫn kịp thời để sắp xếp tài sản, cơ sở vật chất, tránh lãng phí trong quá trình sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tham gia ý kiến tại phiên họp - Ảnh chụp màn hình

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng tham gia ý kiến tại phiên họp - Ảnh chụp màn hình

Quyết liệt rà soát, giải quyết vướng mắc các cơ chế, chính sách

Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ban ngành trung ương, địa phương xem thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành việc tự giác, tự nguyện như là cơm ăn, nước uống hằng ngày của mỗi người.

Yêu cầu các bộ, cơ quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao khẩn trương xử lý kiến nghị của các địa phương; kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố phải nghiêm túc rút rà soát các cơ chế còn vướng mắc để có biện pháp tháo gỡ với tinh thần quyết liệt.

Rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả. Trong đó, thực hiện nghiêm các công điện của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng, dừng thi công, khẩn trương triển khai, hoàn thành, đưa vào sử dụng chống lãng phí, thất thoát.

Chỉ đạo thực hiện quản trị thông minh và chuyển đổi số ở tất cả các cấp, các ngành, nhất là trong quản lý đất đai, tài sản công, tài chính, đất đai, tài nguyên..., góp phần phòng, chống lãng phí.

Rà soát công tác phối hợp giữa các bộ, ngành và địa phương sao cho chặt chẽ, hiệu quả theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động cụ thể trong phòng, chống lãng phí của cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng thời góp ý, xây dựng kế hoạch công tác năm 2025 của BCĐ.

Phát huy sức mạnh đoàn kết, tinh thần đổi mới, tự giác, tự chủ, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra.

Trong đó, mỗi bộ ngành địa phương phải là những hạt nhân tiên phong khơi dậy mọi tiềm năng đưa đất nước vững bước đi lên, tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc.

Minh Long

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/can-tu-giac-tu-nguyen-tiet-kiem-chong-lang-phi-191899.htm
Zalo