Cần thiết mở rộng thị trường xuất khẩu gạo

Để ứng phó với tình hình giá gạo đi xuống và tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt cần có giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Để ứng phó với tình hình giá gạo đi xuống và tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt cần có giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu - Ảnh: ITN

Để ứng phó với tình hình giá gạo đi xuống và tăng sức cạnh tranh, các doanh nghiệp Việt cần có giải pháp nhằm đa dạng hóa thị trường xuất khẩu - Ảnh: ITN

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), từ cuối tháng 9/2024, khi Ấn Độ đã chính thức dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng thường (phi basmati) thì giá gạo xuất khẩu của hầu hết các quốc gia đều sụt giảm. Tuy nhiên, kết thúc năm 2024, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn đạt những cột mốc mới. Từ đầu năm 2025 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam lại liên tục giảm mạnh, hiện nay giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức thấp nhất so với 3 quốc gia xuất khẩu lớn khác là Thái Lan, Ấn Độ và Pakistan, gạo 5% tấm ngày 13/2 đứng ở mức 397 USD/tấn, trong khi gạo cùng loại của Thái Lan là 425 USD/tấn, gạo Ấn Độ và Pakistan lần lượt đạt 413 USD/tấn và 402 USD/tấn. Nguyên nhân là do nguồn cung tiếp tục tăng ở nhiều quốc gia trong khi các nước nhập khẩu lớn đều đang có chủ trương gia tăng sản xuất kèm theo chính sách hạn chế nhập khẩu gạo giá cao trong năm 2025.

Dự báo tình hình xuất khẩu gạo năm 2025, ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch VFA cho rằng, xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ đối diện với nhiều khó khăn như sự trở lại của Ấn Độ. Dự báo năm 2025, Ấn Độ có thể xuất khẩu 22 triệu tấn, tăng 5 triệu tấn so với năm 2024.

“Thực tế, giá gạo xuất khẩu đã giảm khá mạnh ngay trong tháng 12/2024. Cụ thể, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Việt Nam chỉ còn ở mức 485 USD/tấn, giảm 17 USD so với đầu tháng 12/2024. Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã xuống thấp hơn gạo Thái Lan (501 USD/tấn) và ở mức thấp nhất trong 19 tháng qua. Tương tự, giá gạo 25% tấm và 100% tấm cũng giảm sâu, lần lượt đạt 459 USD/tấn và 388 USD/tấn. Sự sụt giảm này phản ánh rõ nét bối cảnh cung cầu toàn cầu, khi Ấn Độ chấm dứt lệnh hạn chế xuất khẩu và dự kiến thu hoạch vụ mùa bội thu, đẩy nguồn cung gạo lên cao vào năm 2025. Một trong những nguyên nhân chính khiến giá gạo Việt Nam xuất khẩu giảm còn là do Philippines, thị trường nhập khẩu lớn nhất, tạm ngừng nhập khẩu gạo, chờ vụ mùa đông xuân sắp tới”, ông Nam chia sẻ.

Để gỡ khó cho xuất khẩu gạo hiện nay, ông Nguyễn Ngọc Nam khuyến nghị các ngân hàng hỗ trợ vay vốn và ngành thuế nhanh chóng hoàn thuế giá trị gia tăng để giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để mở rộng thị trường tiềm năng và cung cấp thông tin kịp thời về thị trường cho doanh nghiệp.

Đồng quan điểm, để khắc phục những bất cập hiện nay, giới chuyên gia trong ngành cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường. Cụ thể, cùng với các thị trường như Hoa Kỳ, Trung Quốc, các doanh nghiệp cần quan tâm thêm các thị trường EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines...

Từ phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Vũ, Giám đốc Công ty TNHH quốc tế Vũ Phát cho rằng, việc doanh nghiệp tập trung quá lớn vào một số ít thị trường mua số lượng nhiều là nguyên nhân khiến ngành gạo Việt Nam bị ảnh hưởng nặng nề khi rủi ro xảy ra.

“Thái Lan xuất gạo đi rất nhiều nước nên không phụ thuộc quá nhiều vào một vài thị trường. Việt Nam phụ thuộc vào Philippines, Indonesia, Malaysia nên gặp khó khi có biến động”, đại diện Vũ Phát giải thích.

Theo ông Vũ, ngành gạo Việt Nam cần có cách làm như Thái Lan, tức khai thác đa dạng thị trường để gia tăng thêm sức cạnh tranh cho ngành lúa gạo. Việc khai thác tốt thị trường truyền thống cần được duy trì nhưng để gia tăng sức cạnh tranh, hạn chế rủi, ngành gạo cần mở thêm nhiều thị trường mới. Theo đại diện này, “không có công thức chung” cho việc mở thị trường, mỗi doanh nghiệp có thế mạnh riêng để thực hiện việc này.

“Chẳng hạn, với Vũ Phát, là doanh nghiệp nhỏ, tiềm lực tài chính hạn chế nên chọn cách xuất khẩu ủy thác, đi số lượng vừa phải nhưng khách hàng thuộc phân khúc cao cấp, giá bán cao. Khối lượng bán ra có thể không quá lớn ở mỗi đơn vị nhưng nếu nhiều công ty làm được việc này, khai thác thị trường ngách thuộc phân khúc cao cấp thì sẽ có đóng góp không nhỏ. Việc tạo thế cân bằng giúp giảm thiểu rủi ro cho ngành gạo, nhất là về mặt giá cả. Trên cơ sở định hướng khách hàng mục tiêu, doanh nghiệp sẽ xây dựng tiêu chuẩn chất lượng phẩm, kiểm dịch thực vật, chọn loại sản phẩm phù hợp vì mỗi thị trường có những yêu cầu khác nhau, bao gồm cả việc ghi nhãn, truy xuất nguồn gốc...”, đại diện này chia sẻ.

Cũng theo ông Vũ, để khai thác hiệu quả thị trường, bên cạnh chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp cần có chiến lược tiếp thị, chăm sóc khách hàng... phù hợp. Tóm lại, từ thế mạnh của doanh nghiệp và sự hiểu biết nhu cầu, quy định thị trường mục tiêu mới có thể mở rộng và khai thác tốt thị trường.

Theo Yến Nhung/diendandoanhnghiep.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/can-thiet-mo-rong-thi-truong-xuat-khau-gao.html
Zalo