Cần thiết lập khung pháp lý để thúc đẩy phát triển tài sản số
Các dữ liệu đã khẳng định được sự phát triển của ngành tài sản số tại Việt Nam, song việc thiếu khung pháp lý đang làm giảm niềm tin, là rào cản cho sự phát triển các doanh nghiệp, nhà đầu tư ở lĩnh vực này.
Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về tài sản số
Tại Hội nghị "Tác động Công nghệ Việt Nam" (Vietnam Tech Impact Summit - VTIS 2024) do CTCP Chứng khoán SSI phối hợp cùng Tập đoàn FPT tổ chức, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Chứng khoán SSI cho biết, dẫn theo nghiên cứu từ Forbes, thị trường Việt Nam đứng thứ 2 trên thế giới về sở hữu và quan tâm tài sản số. Ngoài ra, thị trường Việt Nam đứng thứ 4 trong top 10 thị trường giao dịch lớn nhất thế giới, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đang dẫn đầu về tốc độ giao dịch.
"Trước đây, công nghệ blockchain, tiền mã hóa, token hóa tài sản và các ứng dụng phi tập trung (DeFi) từng được nhắc đến như là giải pháp công nghệ, câu chuyện của ý tưởng tại các quốc gia khác, song ngày nay, điều này đã đi vào sống từng gia đình Việt", ông Hưng nhấn mạnh.
Hiện nay, tài sản số là điều được bất cứ tổ chức tài chính quốc nào đánh giá như một yếu tố không thể thiếu trong hệ thống tài chính.
Vì vậy, Việt Nam đứng trước sự lựa chọn, hoặc tiếp tục để thị trường tự phát, các doanh nghiệp tiếp tục đăng ký kinh doanh nước ngoài và trở lại Việt Nam làm các mô hình như hiện nay; hoặc chúng ta quản lý, giữ về mình, thu thuế và để các doanh nghiệp phát triển trên chính đất nước mình.
Cần khung pháp lý để nắm bắt cơ hội chưa từng có
Dù thực tiễn đã khẳng định được sự phát triển của ngành tài sản số tại Việt Nam, song đi kèm với đó, là tình trạng các nhóm xấu lừa đảo trên không gian mạng cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư mất đi niềm tin vào lĩnh vực này.
"Trong khi tài sản hữu hình có biên giới, có hải quan bảo vệ, quản lý, ngăn chặn mang ra nước ngoài thì tài sản số lại có thể bị mang đi bất cứ đâu, quốc gia nào nếu Việt Nam không có cơ sở pháp lý để giữ gìn, phát triển", Chủ tịch SSI cho biết.
Vì vậy, một khung pháp lý là điều cần thiết. Lúc này, các doanh nghiệp, doanh nhân mới có thể yên tâm vì họ được bảo vệ, được phát triển, tránh được các chiêu trò lừa đảo, trục lợi trên thị trường. Khi đó, những người đang sở hữu tài sản số, tài sản công nghệ được công khai đóng thuế, tiền và tài sản lúc này là tài sản "sạch".
Từ góc độ nhà đầu tư, ông Hưng chia sẻ: "Bản thân cũng rất muốn chi tiền, muốn hỗ trợ rất nhiều nhưng chúng tôi cũng không biết làm thế nào để có thể hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển. Các tổ chức quốc tế đến Việt Nam cũng cần thấy họ có thể đóng góp gì, có lợi gì trong thị trường này. Lúc này, sự hỗ trợ từ Chính phủ đóng vai trò cần thiết cho sự phát triển của các doanh nghiệp và doanh nhân".
Ông Hưng nêu quan điểm: "Việt Nam cần khơi dậy lòng yêu nước của một quốc gia dân số trẻ, đam mê công nghệ, mong muốn đóng góp cho đất nước, đây cũng là lý do phải có thị trường tài sản số. Khi tài sản sinh ra, chỉ khi được công nhận, quyền tự do định đoạt, mua bán trao đổi thì lúc đó mới thu hút được nguồn lực, con người tham gia đóng góp"
Nhấn mạnh thêm về vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch CTCP FPT, cho biết, người Việt và công nghệ Việt hoàn toàn có thể làm được tất cả khi Việt Nam đang đứng thứ 2 trên thế giới về xuất khẩu phần mềm, vượt 1 tỷ USD, chỉ xếp sau Ấn Độ.
Ngoài ra, trước bối cảnh khó lường về địa chính trị cũng như nền kinh tế như hiện nay, Việt Nam có thể được coi là bến đỗ an toàn trong bão táp chính trị thế giới, là nơi kết nối giữa các thị trường lớn. "Do vậy, chúng ta có đủ điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn nữa nhưng chúng ta có nắm bắt được cơ hội chưa từng có này hay không, vẫn còn là rào cản từ pháp lý và cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ", ông Bình chia sẻ.
Chủ tịch Chứng khoán SSI, ông Nguyễn Duy Hưng, khẳng định, xây dựng khung pháp lý cho tài sản số tại Việt Nam không chỉ là nhu cầu của các doanh nghiệp mà còn là tiền đề, mở ra cơ hội, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ, tài chính số và nền kinh tế nói chung.
Theo đó, ông Nguyễn Duy Hưng đề xuất một số kiến nghị: (1) Cần ban hành khung pháp lý rõ ràng, minh bạch để điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số, tạo niềm tin cho nhà đầu tư và các bên tham gia thị trường; (2) Chính phủ cần hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain và công nghệ số thông qua các chính sách khuyến khích đầu tư, tài trợ nghiên cứu và hợp tác quốc tế; (3) Xây dựng các cơ chế quản lý linh hoạt để vừa bảo vệ người dùng, vừa không làm mất đi tính sáng tạo cốt lõi của tài sản số; (4) Thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài sản số, tận dụng kinh nghiệm từ các quốc gia để xây dựng một khung pháp lý phù hợp, hiệu quả với Việt Nam.
Cùng với đó, dựa vào điều kiện thuận lợi về tỷ trọng dân số trẻ cao, yêu công nghệ và sẵn sàng thử nghiệm các xu hướng mới, Chủ tịch SSI dự báo, khi có một khuôn khổ pháp lý, Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm phát triển tài sản số trong khu vực.