Cần thêm 50,3 tỉ đồng mỗi năm để thực hiện 'nghỉ thai sản 7 tháng'

Tại dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất cho phép phụ nữ sinh con thứ 2 nghỉ thai sản 7 tháng.

Bộ Y tế đang lấy ý kiến đối với dự thảo Luật Dân số.

Dự thảo nêu rõ: “Luật Dân số thể chế hóa Nghị quyết 21-NQ/TW tập trung chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển”.

Nhiều quy định nhằm duy trì mức sinh thay thế

Tại dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất nhiều quy định nhằm duy trì mức sinh thay thế.

Trong đó, Bộ Y tế đề xuất định kỳ Chính phủ công bố tình trạng mức sinh để địa phương xây dựng, thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phù hợp. Trường hợp mức sinh của một số địa phương xuống mức rất thấp, Chính phủ báo cáo, đề xuất Quốc hội có biện pháp can thiệp kịp thời.

 Tại dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất cho phép phụ nữ sinh con thứ 2 nghỉ thai sản 7 tháng. Ảnh minh họa: TT

Tại dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế đề xuất cho phép phụ nữ sinh con thứ 2 nghỉ thai sản 7 tháng. Ảnh minh họa: TT

Dự thảo Luật Dân số cũng quy định cho phép lao động nữ khi sinh con thứ 2 được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 6 tháng lên 7 tháng. Phụ nữ sinh đủ 2 con ở các khu công nghiệp, khu chế xuất và các tỉnh, thành có mức sinh thấp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.

Theo Bộ Y tế, những quy định này sẽ thúc đẩy các cặp vợ chồng sinh đủ 2 con.

Đồng thời, dự thảo Luật Dân số cần lồng ghép các nội dung về duy trì mức sinh thay thế, kế hoạch hóa gia đình trong xây dựng, thực hiện các chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh.

Theo số liệu cung cấp của BHXH Việt Nam, năm 2024, có 552.217 lượt người giải quyết chế độ thai sản sinh 1 con với kinh phí là hơn 22.787 tỉ đồng. Mức chi trả trợ cấp thai sản khi sinh 1 con bình quân là khoảng 37,2 triệu đồng (6 tháng theo quy định của Bộ luật Lao động).

Như vậy, mỗi phụ nữ khi sinh 1 con được hưởng trợ cấp thai sản với mức bình quân là 6,2 triệu đồng/tháng.

Năm 2024, có 6.531 lượt người giải quyết chế độ thai sản sinh 2 con với kinh phí là 354,2 tỉ đồng. Mức chi trả trợ cấp thai sản khi sinh 2 con bình quân là 46,2 triệu đồng (6 tháng theo quy định của Bộ luật Lao động).

Như vậy, mỗi phụ nữ khi sinh 2 con được hưởng trợ cấp thai sản với mức bình quân là 7,7 triệu đồng/tháng.

Do đó, dự kiến ngân sách nhà nước cần chi trả thêm khoảng 50,3 tỉ đồng/năm (6.531 người x 7,7 triệu đồng/người/tháng) khi thực hiện chính sách cho phép phụ nữ nghỉ thai sản 7 tháng khi sinh con thứ 2.

Nhằm kiểm soát lựa chọn giới tính thai nhi để bảo đảm cân bằng giới tính khi sinh, Bộ Y tế đề xuất định kỳ Chính phủ công bố các tỉnh, thành mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức rất cao, cao và ở mức cân bằng tự nhiên.

Cùng với đó, Bộ đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính về dân số lên 100 triệu đồng (hiện nay, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý nhà nước về dân số đối với cá nhân là 30 triệu đồng theo quy định tại Luật xử lý vi phạm hành chính).

Dự thảo Luật Dân số cũng đưa ra các chính sách thích ứng với quá trình già hóa dân số.

Cụ thể, Bộ Y tế đề xuất xây dựng và phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại nhà, cộng đồng và cơ sở chăm sóc tập trung; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực về chăm sóc người cao tuổi, bao gồm: cấp học bổng, hỗ trợ học phí đối với người học chuyên ngành lão khoa; xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng về chăm sóc người cao tuổi… Đồng thời, mua thẻ BHYT cho người cao tuổi chưa có thẻ BHYT được ngân sách nhà nước đóng.

Nhằm nâng cao chất lượng dân số, dự thảo Luật Dân số quy định các cơ sở khám chữa bệnh tại cơ sở có trách nhiệm tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn; khuyến khích nam, nữ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn.

Các cơ sở khám chữa bệnh có chuyên khoa sản, nhi phải cung cấp dịch vụ tư vấn, sàng lọc trước sinh và sơ sinh; khuyến khích phụ nữ mang thai thực hiện tầm soát, chuẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

Đối tượng chính sách, vùng sâu và đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được Nhà nước hỗ trợ thực hiện tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn, cũng như tầm soát, chuẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

Ngân sách cho công tác dân số chỉ đáp ứng 15% nhu cầu

Tại dự thảo Luật Dân số, Bộ Y tế cho biết hiện nay, nhiều quy định liên quan đến công tác dân số vẫn chưa đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Thực trạng dân số Việt Nam đã phát sinh những vấn đề nghiêm trọng phải kịp thời giải quyết. Trong khi đó, nguồn lực đầu tư cho công tác dân số còn thấp, chưa tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Mức sinh trên toàn quốc đang có xu hướng giảm thấp dưới mức sinh thay thế, đạt 1,91 con/phụ nữ (2024) - thấp nhất trong lịch sử và được dự báo là sẽ tiếp tục xuống thấp trong các năm tiếp theo.

Nếu mức sinh tiếp tục giảm, năm 2039 Việt Nam sẽ kết thúc thời kỳ dân số vàng, năm 2042, quy mô dân số trong độ tuổi lao động đạt đỉnh và sau năm 2054, dân số bắt đầu tăng trưởng âm.

Mất cân bằng giới tính khi sinh cũng trở thành thách thức. Năm 2006, tỉ số giới tính khi sinh ở mức 109,8 bé trai/100 bé gái sinh ra sống, năm 2024 là 111,4.

Theo Bộ Y tế, tỉ số giới tính khi sinh luôn ở mức cao. Nếu tình trạng này tiếp diễn, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới 15-49 tuổi vào năm 2039 và tăng lên 2,5 triệu vào năm 2059.

Điều này dẫn tới nguy cơ phá vỡ cấu trúc gia đình, một bộ phận nam giới sẽ phải kết hôn muộn, không có khả năng kết hôn, gia tăng tình trạng buôn bán phụ nữ, trẻ em gái, mại dâm, bạo hành giới, tội phạm xuyên quốc gia...

 Năm 2024, tỉ số giới tính khi sinh ở mức 111,4 bé trai/100 bé gái. Ảnh minh họa: TT

Năm 2024, tỉ số giới tính khi sinh ở mức 111,4 bé trai/100 bé gái. Ảnh minh họa: TT

Hiện, Việt Nam chưa có giải pháp đồng bộ thích ứng với già hóa dân số, dân số già; dịch vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi còn hạn chế. Chất lượng dân số chưa đáp ứng yêu cầu.

Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, nguồn lực đầu tư cho dân số và phát triển còn thấp, chưa tương xứng với nhu cầu. Ngân sách nhà nước giảm mạnh, nhiều địa phương chưa quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác dân số; tài trợ quốc tế hầu như không còn, nguồn lực huy động từ xã hội và tư nhân gặp nhiều khó khăn.

Giai đoạn 2011-2015 là khoảng 740 tỉ đồng/năm, giai đoạn 2016-2020 chỉ còn dưới 360 tỉ đồng/năm.

Năm 2021 đến nay, sau kết thúc Chương trình mục tiêu y tế - dân số, giai đoạn 2021-2023, mặc dù nhu cầu thực tế trung bình lên đến 800 tỉ đồng/năm, nhưng địa phương chỉ bố trí được khoảng 95 tỉ đồng/năm và trung ương chỉ bảo đảm được khoảng 25 tỉ đồng/năm (tức chỉ đáp ứng 15% nhu cầu).

Dự thảo Luật Dân số dự kiến trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 10 tháng 10-2025.

Nhiều nước có mức sinh rất thấp

Theo báo cáo của Bộ Y tế, hơn một nửa quốc gia trên toàn cầu có mức sinh dưới mức thay thế (2,1 con/phụ nữ). Gần 1/5 số quốc gia trên thế giới đang trải qua tình trạng mức sinh rất thấp (dưới 1,4 con/phụ nữ).

Mức sinh thấp kéo dài tác động trực tiếp, sâu sắc tới quy mô, cơ cấu dân số và để lại nhiều hệ lụy như thiếu hụt lực lượng lao động, đẩy nhanh tốc độ già hóa dân số, gia tăng các dòng di cư.

Hiện nay, đa số các quốc gia giàu đang phải sử dụng lao động nhập cư để bù đắp thiếu hụt lao động, đảm bảo đủ nguồn nhân lực để phát triển kinh tế.

Một trong những hiện tượng nổi bật trên thế giới trong thế kỷ XXI là “bùng nổ” người cao tuổi. Nếu như năm 1950, thế giới có 2,5 tỉ người, trong đó có 214 triệu người cao tuổi, thì năm 2000 các con số này tương ứng là 6,080 tỉ và 590 triệu.

Dự báo dân số năm 2050 là 9,75 tỉ người, trong đó có 2.100 triệu người cao tuổi.

Như vậy, từ năm 1950 đến 2000, tỉ lệ người cao tuổi trong tổng dân số tăng từ 8,6% lên 9,7%, tức chỉ tăng thêm 1,1%. Từ năm 2000 đến 2050, dự báo tỉ lệ này tăng thêm 11,9%, đạt 21,6%.

Tại Nhật Bản, quốc gia có tỉ lệ người cao tuổi cao nhất thế giới, tỉ lệ người dân trong độ tuổi trên 65 chiếm gần 30% dân số với 36,23 triệu người.

Năm 2023, số người trong độ tuổi trên 75 ở nước này lần đầu tiên vượt mốc trên 20 triệu người, số người từ 80 tuổi trở lên là khoảng 12,59 triệu người.

Đây là lần đầu tiên tỉ lệ người trên 80 tuổi ở nước này vượt ngưỡng 10% trong tổng dân số.

THANH THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/can-them-503-ti-dong-moi-nam-de-thuc-hien-nghi-thai-san-7-thang-post851422.html
Zalo