Hội thảo tham vấn về định hướng phát triển ngành gắn với không gian phát triển tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình
Sáng 24/5, tại TP. Hoa Lư (Ninh Bình), Tỉnh ủy, HĐND, UBND 3 tỉnh: Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình phối hợp tổ chức Hội thảo tham vấn về định hướng phát triển ngành gắn với không gian phát triển tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025- 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các đồng chí: Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình; Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam; Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định chủ trì hội thảo. Dự hội thảo có các đồng chí: PGS,TS Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản; Thường trực Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, lãnh đạo UBND tỉnh; cán bộ chủ chốt các sở, ban ngành và các huyện, thị xã, thành phố 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; các chuyên gia, nhà khoa học uy tín trong nước là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các trường, cục, vụ, viện, công ty, tổng công ty; đại diện các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp.

Các đồng chí lãnh đạo chủ chốt 3 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Nam Định điều hành hội thảo.
Hội thảo tham vấn về Định hướng phát triển ngành - lĩnh vực, sản phẩm chủ lực, vùng động lực gắn với tổ chức lại không gian phát triển Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, khi 3 tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định đang gấp rút thực hiện hợp nhất với tên gọi là tỉnh Ninh Bình, theo chủ trương tại Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Đây là thời điểm để tái cấu trúc không gian phát triển, định hướng lại các ngành, lĩnh vực dựa trên tiềm năng nổi trội, lợi thế cạnh tranh, bản sắc riêng có của từng tỉnh hiện nay với tầm nhìn xây dựng tỉnh Ninh Bình mới là một trung tâm của vùng và cả nước, hướng tới mục tiêu là thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu tại hội thảo.
Sau sáp nhập, tỉnh Ninh Bình mới sở hữu những tiềm năng và lợi thế cạnh tranh riêng, được hình thành từ sự tổng hòa các yếu tố kinh tế - văn hóa xã hội và các nguồn lực. Không gian phát triển mới sau sáp nhập có diện tích tự nhiên khoảng 3.942,61 km2, quy mô dân số hơn 4,4 triệu người (lớn thứ 6 cả nước nếu tính theo các tỉnh hiện nay). Với bề dày truyền thống văn hóa, lịch sử, ba tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình hội tụ nhiều tầng giá trị, được biết đến là những địa phương có nhiều di sản văn hóa lịch sử, danh thắng thiên nhiên, lễ hội truyền thống và sản phẩm du lịch đặc sắc, với gần 5.000 di tích các loại đã được kiểm kê, trong đó có 01 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới (Quần thể danh thắng Tràng An là di sản hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam và Đông Nam Á) và 01 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh.

Đồng chí Trương Quốc Huy, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu khai mạc hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Trương Quốc Huy nhấn mạnh: Chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; tại Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025, Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã thống nhất hợp nhất tỉnh Hà Nam, Ninh Bình và Nam Định, lấy tên là tỉnh Ninh Bình, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại tỉnh Ninh Bình hiện nay. Việc hợp nhất 03 tỉnh theo đơn vị hành chính mới bù đắp những hạn chế về diện tích, dân số, góp phần tinh gọn bộ máy, tạo ra thay đổi tích cực, hướng đến nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của bộ máy quản lý hành chính nhà nước; tăng cường quy mô kinh tế, tăng khả năng cạnh tranh, thu hút đầu tư và phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh trong phát triển ngành, lĩnh vực, nhất là du lịch, công nghiệp, công nghiệp văn hóa gắn với bảo tồn di sản,...; mở rộng không gian phát triển, tăng cường kết nối đồng bộ hạ tầng khung chiến lược và đặc biệt mở rộng không gian phát triển kinh tế biển. Những ý kiến đóng góp của các đại biểu, chuyên gia kinh tế, nhà khoa học sẽ góp phần định hướng phát triển ngành - lĩnh vực, sản phẩm chủ lực gắn với quy hoạch không gian, vùng động lực phát triển Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để phục vụ xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh.

Đồng chí Đặng Khánh Toàn, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định phát biểu tại hội thảo.
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm, tham gia, viết bài tham luận của 37 chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp của các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình. Nội dung các bài tham luận đều được nghiên cứu công phu, kỹ lưỡng, chất lượng, có chiều sâu với cách tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực, đặt trong mối tương quan tổng thể với các tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng và các tỉnh, thành phố trong cả nước; phân tích làm rõ, sâu sắc hơn về định hướng phát triển ngành - lĩnh vực, sản phẩm chủ lực gắn với quy hoạch không gian, vùng động lực phát triển Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới, giai đoạn 2025 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đồng chí Đinh Thị Lụa, Phó Bí thư Thường Tỉnh ủy Hà Nam phát biểu tại hội thảo.
Những ý kiến trực tiếp tại hội thảo đã nêu rõ: Việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là một trong những chủ trương lớn, có ý nghĩa chiến lược của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình đẩy mạnh cải cách tổ chức bộ máy nhà nước, nhằm tinh gọn bộ máy của cả hệ thống chính trị, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở các cấp chính quyền, đồng thời tập trung nguồn lực tài chính, nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Hơn nữa, việc sáp nhập 3 tỉnh, còn phát huy được thế mạnh của từng tỉnh; trong đó: tỉnh Ninh Bình có chức năng và vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước. Là trung tâm du lịch quốc gia và quốc tế; có tiềm năng trở thành một cực tăng trưởng trung tâm công nghiệp, du lịch, dịch vụ, văn hóa, thể dục thể thao, y tế, giáo dục, logistics... của khu vực phía Nam vùng đồng bằng sông Hồng. Tỉnh Nam Định có vai trò là một trong những trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng. Với hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại tạo vị trí thuận lợi để Nam Định kết nối với thủ đô Hà Nội, các trung tâm kinh tế và các tỉnh lân cận. Ngoài ra, Nam Định cũng có thể tích hợp vào hệ sinh thái hiện có của các tỉnh đồng bằng sông Hồng để tạo ra chuỗi cung ứng toàn diện; tăng cường hợp tác trong lĩnh vực du lịch và phát triển các tour du lịch kết hợp sẽ thúc đẩy hoạt động du lịch phát triển. Đối với tỉnh Hà Nam ngày càng phát triển, từng bước thể hiện vai trò trong phát triển kinh tế -xã hội vùng và cả nước. Nguồn nhân lực trẻ, dồi dào là thế mạnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế- xã hội và thực hiện tái cấu trúc kinh tế. Sự phát triển đô thị tỉnh Hà Nam là động lực để phát triển các quận huyện phía Nam của thủ đô Hà Nội và các vùng lân cận. Khi hợp nhất 3 tỉnh Nình Bình, Hà Nam, Nam Định, tỉnh mới sẽ phát huy tiềm năng, lợi thế và nguồn lực của địa phương để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Phó GS, TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo.
Phát biểu kết luận hội thảo, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn cho biết: Trong những năm qua, Đảng bộ các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tranh thủ cơ hội, vượt qua thách thức, nỗ lực hoàn thành cơ bản các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, với nhiều điểm sáng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, nhất là làm mới động lực tăng trưởng truyền thống, chú trọng phát triển các động lực tăng trưởng mới dựa trên giá trị các ngành công nghiệp công nghệ cao, kinh tế số, kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh. Tại hội thảo, các đại biểu đã nhận diện tiềm năng thế mạnh để phát triển tỉnh mới, trong đó định dạng và định vị của tỉnh Ninh Bình mới đặt trong vị trí của quốc gia và trên thế giới; từ vị trí địa lý thuận lợi, dân số đông, di sản, hạ tầng giao thông... là tiềm năng rất quan trọng và đòi hỏi phải tiếp cận theo tư duy mới; khắc phục điểm trũng của logistics, phát triển khu công nghệ, khu đại học, thành phố du lịch di sản, phát triển kinh tế biển, kinh tế nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, gắn với khai thác thế mạnh ở từng địa bàn; tổ chức lại các vùng động lực cho phát triển, trong đó hình thành chuỗi kết nối các khu đô thị của 3 tỉnh Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình; phát triển các ngành công nghiệp, công nghệ mới nổi; phát triển các làng nghề truyền thống.

Các đại biểu dự hội thảo.
Trên cơ sở các bài tham luận khoa học và các ý kiến đóng góp của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiêu biểu của 03 tỉnh Hà Nam, Nam Định và tỉnh Ninh Bình, Ban Tổ chức sẽ chắt lọc để xây dựng văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Ninh Bình theo đơn vị hành chính mới và xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng phát triển.