Hơn 1.000 tỉ đồng bảo hiểm bị chậm đóng: Quyền lợi hàng nghìn lao động tại Thanh Hóa bị đe dọa

Dù tổng thu bảo hiểm xã hội, y tế, thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trong quý I.2025 tăng mạnh, nhưng tình trạng nợ đọng bảo hiểm lại ở mức báo động với hơn 1.000 tỉ đồng, khiến quyền lợi của hàng nghìn lao động bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Thanh Hóa đang phải đối mặt với một nghịch lý lớn: trong khi số thu bảo hiểm trong quý I năm nay đạt hơn 3.761 tỉ đồng, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2024, thì số tiền nợ bảo hiểm cũng lên đến mức kỷ lục, vượt ngưỡng 1.000 tỉ đồng.

Hệ quả là hàng nghìn người lao động bị “treo” quyền lợi, từ chốt sổ bảo hiểm cho đến hưởng chế độ ốm đau, thai sản, thất nghiệp...

Người lao động tại Công ty CP May Vạn Hà (ở thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh tình trạng chậm đóng BHXH kéo dài, ảnh hưởng đến việc chốt sổ và hưởng chế độ. Ảnh: Minh Hoàng

Người lao động tại Công ty CP May Vạn Hà (ở thị trấn Thiệu Hóa, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) phản ánh tình trạng chậm đóng BHXH kéo dài, ảnh hưởng đến việc chốt sổ và hưởng chế độ. Ảnh: Minh Hoàng

Hơn 3.300 đơn vị nợ bảo hiểm trên 3 tháng

Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Thanh Hóa, tính đến hết tháng 3.2025, toàn tỉnh có 3.368 đơn vị nợ bảo hiểm từ 3 tháng trở lên, tổng số tiền hơn 527 tỉ đồng. Trong đó, nhóm doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể chiếm đến 99,33% số nợ (trên 524 tỉ đồng).

Đáng chú ý, khối hành chính sự nghiệp – vốn được cho là tuân thủ tốt nghĩa vụ bảo hiểm, cũng có 25 đơn vị nợ hơn 3,5 tỉ đồng. Riêng trong quý I.2025, phát sinh thêm 19 đơn vị hành chính sự nghiệp chậm đóng bảo hiểm với tổng nợ hơn 2,5 tỉ đồng.

Ông Nguyễn Khắc Tuấn, Giám đốc BHXH khu vực VI thẳng thắn nhìn nhận: “Chậm đóng bảo hiểm không chỉ vi phạm pháp luật mà còn trực tiếp xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người lao động”.

Tính đến hết quý I.2025, Thanh Hóa có hơn 3,2 triệu người tham gia các loại bảo hiểm, giảm 0,32% so với cùng kỳ năm ngoái (tương đương 10.417 người). Trong số này, có hơn 441.000 người tham gia BHXH, BHYT bắt buộc, 92.781 người tham gia BHXH tự nguyện, còn lại là gần 2,7 triệu người chỉ tham gia BHYT.

Con số giảm này không chỉ phản ánh sự biến động lao động mà còn là hệ quả của việc các doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm kéo dài, khiến người lao động rơi vào tình thế bị động.

Không thể chốt sổ bảo hiểm, không được giải quyết chế độ thai sản, tai nạn lao động, nhiều người rơi vào vòng xoáy thiệt thòi kéo dài mà không biết bấu víu vào đâu.

Danh sách các doanh nghiệp nợ bảo hiểm kéo dài tại Thanh Hóa có thể khiến bất kỳ ai cũng phải giật mình.

Điển hình như Công ty TNHH FLC Samson Golf & Resort, dù có tới 325 lao động, nhưng đã chậm đóng bảo hiểm 47 tháng, với tổng nợ hơn 35 tỉ đồng. Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Thanh Hóa chỉ với 43 lao động nhưng nợ hơn 18 tỉ đồng trong suốt 97 tháng. Công ty CP May Vạn Hà với 743 lao động cũng chậm đóng suốt 16 tháng, nợ hơn 13,6 tỉ đồng.

Một số trường hợp nợ bảo hiểm kéo dài tới hàng trăm tháng, dù lao động đã rút gần hết hoặc đơn vị gần như ngừng hoạt động: Công ty CP Xây dựng Hancorp.2 nợ hơn 41,6 tỉ đồng suốt 152 tháng; Công ty CP Công nghiệp tàu thủy Hoàng Long nợ 8,4 tỉ đồng trong 141 tháng; Công ty CP Đầu tư xây dựng Công trình giao thông 838 nợ 7,1 tỉ đồng trong 181 tháng...

Giải pháp “vá lỗ hổng”: Có đủ mạnh?

Tình trạng này cho thấy không ít doanh nghiệp “chây ỳ” bất chấp các đợt thanh tra, kiểm tra, xử phạt, trong khi người lao động vẫn bị “treo” quyền lợi từng ngày.

Ngành BHXH cho biết, vẫn đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều biện pháp như đôn đốc thu, thanh tra chuyên ngành, hỗ trợ doanh nghiệp chốt sổ riêng từng lao động để giải quyết chế độ cần thiết. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Khắc Tuấn, những biện pháp này vẫn chưa đủ sức răn đe.

“Chúng ta cần những chế tài đủ mạnh như ngành thuế đang áp dụng, chẳng hạn cấm xuất cảnh với chủ doanh nghiệp có nợ đọng kéo dài, đặc biệt là khối doanh nghiệp FDI. Nếu không, quyền lợi của người lao động sẽ còn tiếp tục bị xâm phạm”, ông Tuấn đề xuất.

Mặt khác, BHXH cũng yêu cầu các doanh nghiệp có nợ phải xây dựng lộ trình trả nợ cụ thể, cam kết thực hiện để từng bước gỡ khó. Song, trên thực tế, việc thu hồi nợ bảo hiểm vẫn vô cùng nan giải, nhất là với những doanh nghiệp đã “trắng” tài sản hoặc cố tình trốn tránh trách nhiệm.

Trước tình trạng đáng lo ngại này, nhiều chuyên gia cho rằng cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía cơ quan công quyền: xử lý hình sự các hành vi trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm theo quy định của Bộ luật Hình sự; đồng thời tăng cường minh bạch dữ liệu nợ đọng bảo hiểm để công khai trách nhiệm từng đơn vị, tạo sức ép xã hội.

Bảo hiểm xã hội không chỉ là nghĩa vụ, mà còn là “lưới an sinh” sống còn của người lao động. Việc để hàng nghìn người lao động bị bỏ rơi quyền lợi giữa lúc bệnh tật, tai nạn, thất nghiệp… là điều không thể chấp nhận trong một nền kinh tế hướng tới phát triển bền vững.

Khi trách nhiệm không được thực thi nghiêm minh, hậu quả sẽ không chỉ dừng ở những con số nợ đọng, mà còn là lòng tin bị xói mòn.

NGUYỄN LINH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/doi-song/hon-1000-ti-dong-bao-hiem-bi-cham-dong-quyen-loi-hang-nghin-lao-dong-tai-thanh-hoa-bi-de-doa-136552.html
Zalo