Cần thay đổi cách nhìn nhận về béo phì

Cần thay đổi cách nhìn nhận về béo phì, đây không chỉ đơn giản là vấn đề thay đổi lối sống mà là cả quá trình điều trị phức tạp, đa chuyên khoa.

Đó là đánh giá của PGS.TS. Vũ Thị Thanh Huyền, Trưởng đơn vị điều trị và quản lý béo phì, Bệnh viện Lão khoa Trung ương chia sẻ khi trao đổi về cách tiếp cận với bệnh béo phì hiện nay.

“Chúng ta cần mang lại hy vọng và sự đồng hành với bệnh nhân thông qua các giải pháp thực tế và hiệu quả. Hãy động viên và trấn an họ rằng đội ngũ y bác sĩ sẽ luôn sát cánh cùng họ trên hành trình thay đổi. Béo phì là bệnh mạn tính phức tạp – “kẻ giết người thầm lặng” nhưng có thể được kiểm soát khi được điều trị bởi các chuyên gia”, PGS.TS. Vũ Thị Thanh Huyền nhận định thêm.

Béo phì là thách thức lớn do những hiểu lầm phổ biến về tác động của bệnh đối với sức khỏe. Hậu quả của bệnh béo phì ảnh hưởng đến nhiều vấn đề sức khỏe như tiểu đường, tim mạch, ung thư, trầm cảm, suy giảm sinh lý, biến chứng thai kỳ và rối loạn giấc ngủ.

Béo phí được nhận định là một dịch bệnh toàn cầu – theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) năm 2022 với các con số thống kê đáng lưu ý. Cứ 8 người trên thế giới có 1 người mắc bệnh béo phì. Tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành trên toàn thế giới tăng hơn gấp đôi kể từ năm 1990, trong khi tỷ lệ mắc bệnh ở thanh thiếu niên tăng gấp bốn lần.

Lời khuyên từ chuyên gia được hiển thị trên website tư vấn.

Lời khuyên từ chuyên gia được hiển thị trên website tư vấn.

Theo WHO, đến năm 2022, có 2,5 tỷ người trưởng thành (43%) từ 18 tuổi trở lên bị thừa cân, trong đó 890 triệu người (16%) sống chung với bệnh béo phì. Ngoài ra, có 37 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân và hơn 390 triệu trẻ em, thanh thiếu niên từ 5–19 tuổi bị thừa cân, trong đó 160 triệu trẻ béo phì.

Dự kiến đến năm 2035, cứ 4 người sẽ có 1 người sống chung với bệnh béo phì, với tổng số người mắc bệnh trên 1,9 tỷ người.

Những người mắc béo phì được xác định theo chỉ số khối cơ thể (BMI) có nguy cơ mắc bệnh tim mạch tăng từ 1.5 đến 3.5 lần so với người bình thường. Trong số các bệnh đi kèm, bệnh đái tháo đường típ 2 có mối liên quan chặt chẽ nhất với béo phì.

Thực tế, Việt Nam không nằm ngoài những số liệu thống kê đáng báo động này. Tỷ lệ thừa cân, béo phì tại Việt Nam đang tăng 38%, là một trong số các quốc gia Đông Nam Á có tốc độ gia tăng tỷ lệ mắc bệnh béo phì nhanh nhất. Theo dữ liệu về các bệnh không lây nhiễm của STEP Việt Nam năm 2021, tỷ lệ béo phì ở Việt Nam là 19,5% (BMI ≥ 25 kg/m2).

Trong khi đó, dữ liệu của Viện dinh dưỡng Quốc gia năm 2020 cho biết, tỷ lệ béo phì của thanh thiếu niên tại TP.HCM vượt 50%, ở Hà Nội là hơn 41%.

Béo phì cũng là nguyên nhân liên quan đến 5 bệnh lý gây tử vong hàng đầu Việt Nam, bao gồm cao huyết áp, bệnh tim mạch, đái tháo đường, ung thư và các bệnh hô hấp mạn tính.

Giao diện trang chủ webiste.

Giao diện trang chủ webiste.

Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về gánh nặng béo phì, mới đây, Tổng hội Y học Việt Nam (Vietnam Medical Association - VMA) phối hợp cùng Công ty TNHH Novo Nordisk Việt Nam (Novo Nordisk Việt Nam) chính thức ra mắt website “giamcansongkhoe.vn” nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về gánh nặng béo phì này.

Theo thông tin hợp tác, website này được xây dựng với mục tiêu cung cấp kênh thông tin đáng tin cậy, cập nhật từ Tổng hội Y học Việt Nam, giúp người dân Việt Nam nhận thức rõ hơn về béo phì là một bệnh mạn tính, các cơ sở khoa học của bệnh và gánh nặng mà nó gây ra.

Đồng thời, trang web cũng đưa ra các công cụ kỹ thuật số hữu ích, dựa trên nguồn tài liệu khoa học đáng tin cậy từ Tổng hội Y học Việt Nam. Khuyến khích người thừa cân, béo phì chủ động trao đổi với các chuyên gia y tế về tình trạng của mình, thực hành quản lý cân nặng khoa học, hiệu quả và thực hiện lối sống lành mạnh; góp phần giảm thiểu sự kì thị trong cộng đồng.

Website cũng chia sẻ và lan tỏa những câu chuyện giảm cân thành công thông qua việc áp dụng, kiểm soát cân nặng khoa học, hiệu quả.

AN AN

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/can-thay-doi-cach-nhin-nhan-ve-beo-phi-ar916172.html
Zalo