Bất động sản khu công nghiệp sẽ là điểm sáng năm 2025

Năm 2025, thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ là điểm sáng, mở ra cơ hội đầu tư lớn và tiềm năng sinh lời cao do nhu cầu lớn về nhà ở cho công nhân.

Ảnh minh họa. Nguôn Internet.

Ảnh minh họa. Nguôn Internet.

Năm 2024, kinh tế thế giới phục hồi chậm và không đồng đều, được cải thiện trong giai đoạn cuối năm với tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới chung từ 2,7 - 3,2%. Mặt bằng lạm phát toàn cầu đã có những bước cải thiện đáng kể so với năm 2023, tăng trưởng thương mại hàng hóa thế giới tăng 2,7% và có thể đạt mức 3,0% vào năm 2025.

Tăng trưởng kinh tế thế giới năm 2025 có nhiều khả năng cao hơn năm 2024 và tiếp tục có sự không đồng đều giữa các khu vực, với các nền kinh tế phát triển dần ổn định ở mức tăng trưởng vừa phải, trong khi các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức khác nhau. Sự phục hồi này sẽ phụ thuộc nhiều vào hiệu quả của các chính sách tiền tệ và tài khóa, cũng như khả năng giải quyết các thách thức cấu trúc tại từng quốc gia.

Triển vọng thị trường bất động sản năm 2025 được định hình trên nền tảng thành quả kinh tế tích hợp năm 2024 và các cơ hội mới, gắn với cải cách thể chế, biến động thị trường chung trong nước và quốc tế, với các điểm nhấn nổi bật sau:

Gia tăng nhu cầu về nhà ở

Theo Tổng cục Thống kê, đến nay, cơ bản kinh tế nước ta đã phục hồi và đạt được mức tăng trưởng như giai đoạn trước dịch Covid-19, nhất là các chỉ số về sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại và xuất nhập khẩu. Quy mô nền kinh tế đứng thứ 35 thế giới và thuộc nhóm 20 nước có quy mô thương mại hàng đầu thế giới, với xuất siêu 9 năm liên tiếp; bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia được kiểm soát tốt và các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới tiếp tục duy trì tín nhiệm quốc gia của Việt Nam với triển vọng “ổn định”.

Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao chính thức với 194 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc; được 73 nước công nhận nền kinh tế thị trường; đã ký kết 16 Hiệp định thương mại tự do (CPTPP, EVFTA, RCEP…) với trên 60 quốc gia, đối tác lớn trên toàn cầu; đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Việt Nam từ năm 2021 đã được quốc tế xếp hạng là nền kinh tế có mức “tự do trung bình” nằm trong khoảng nhóm nước “tin cậy” về sở hữu trí tuệ. Xếp hạng giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam có mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới tính từ năm 2019 đến nay (74%), và năm 2024 tăng thêm 1 bậc, xếp thứ 32/100 giá trị thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới, đạt 431 tỷ USD trong bảng xếp hạng của hãng Brand Finance, công ty định giá thương hiệu và tư vấn chiến lược hàng đầu thế giới có trụ sở tại Anh.

Theo số liệu báo cáo của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cả năm 2024 có thể đạt khoảng 782,33 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay. Xuất siêu ước đạt 23,53 tỷ USD.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam sẽ trải qua một giai đoạn tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 các nền kinh tế mới nổi có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới, với dự báo tăng trưởng 6,4% từ năm 2024 - 2029…

Ngày 20/12/2024, nhóm Nghiên cứu Toàn cầu HSBC đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 lên 7% GDP từ mức 6,5%. Đây là mức cao nhất trong 6 nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á (bao gồm Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore và Thái Lan). Việt Nam sẽ trở lại như “một ngôi sao tăng trưởng” trong năm 2024, sau khi Philippines dẫn đầu khu vực vào năm 2023.

Năm 2025, HSBC dự báo GDP Việt Nam tăng 6,5% và tiếp tục duy trì mức cao nhất khu vực. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng vào năm 2025 được Quốc hội giao cho Chính phủ là từ 6,5 - 7% và phấn đấu 7 - 7,5%.

Năm 2025, Việt Nam sẽ tăng tốc các vấn đề về xây dựng chuỗi cung ứng trong các ngành công nghiệp chế biến ứng dụng/có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tăng cường chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và tinh gọn bộ máy, củng cố kinh tế độc lập tự chủ, nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế để thích ứng với bối cảnh cạnh tranh địa chính trị thế giới ngày càng phức tạp, khó lường và chuẩn bị cho sự khởi đầu kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc theo tinh thần Tổng Bí thư Tô Lâm đã khởi xướng…

Đà tăng trưởng kinh tế tích cực và mở rộng thu hút FDI đang và sẽ tiếp tục thúc đẩy nhu cầu nhà ở, văn phòng và các dự án bất động sản thương mại, giúp giá trị bất động sản cũng sẽ gia tăng, tạo ra lợi nhuận hấp dẫn cho nhà đầu tư.

Hơn nữa, Việt Nam đang trải qua quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, và các khu vực ven đô. Điều này dẫn đến sự gia tăng nhu cầu về nhà ở và các loại hình bất động sản khác như nhà phố, bất động sản nghỉ dưỡng, các dự án căn hộ trung và cao cấp, khu đô thị thông minh và khu vực có hệ thống cơ sở hạ tầng tốt.

Ngoài ra, tình hình lạm phát được kiểm soát và chính sách tiền tệ linh hoạt sẽ là yếu tố tích cực, giúp duy trì sự ổn định của thị trường bất động sản. Lãi suất cho vay mua nhà được dự báo sẽ ở mức hợp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua và nhà đầu tư bất động sản.

Nguồn cung, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng trưởng ổn định

Bất động sản công nghiệp và hậu cần năm 2024 và năm 2025 tiếp tục là điểm sáng của thị trường, tâm điểm thu hút vốn đầu tư nước ngoài, dẫn đầu về số lượng giao dịch trong năm 2024 và có thể của cả năm 2025, gắn với nhu cầu thuê cao, nguồn cung tăng trưởng ổn định từ nhiều dự án khu công nghiệp được phê duyệt và triển khai trên cả nước và giá thuê tăng trung bình 2 - 5% mỗi quý năm 2024 tại các thị trường trọng điểm, đi kèm tỷ lệ lấp đầy cao.

Lực đẩy chính của xu hướng này đến từ dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các ngành sản xuất, đặc biệt là xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc.

Tính đến hết tháng 11/2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt khoảng 31,38 tỷ USD, chỉ tăng 1% so với cùng kỳ năm trước, song cần lưu ý là năm 2023 FDI vào Việt nam tăng tới trên 36% so với năm 2022. Niềm tin thị trường của các doanh nghiệp FDI được củng cố qua con số tổng vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2024 ước đạt 21,68 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức kỷ lục mới trong giai đoạn 2019 - 2024. Đây cũng chính là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam đạt được mức giải ngân FDI trên 20 tỷ USD. Đặc biệt, trong 11 tháng, vốn FDI đăng ký vào ngành kinh doanh bất động sản tăng đến 89,1% so với cùng kỳ năm trước, đạt khoảng 5,63 tỷ USD.

Đến nay, Việt Nam lọt vào nhóm 20 nước dẫn đầu thế giới về thu hút FDI (với lũy kế đến nay có hơn 40,8 nghìn dự án đang hoạt động với tổng số vốn đăng ký khoảng 487 tỷ USD). Việt Nam đang từng bước trở thành một trung tâm sản xuất, nằm trong chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu của nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, LG, Intel, Apple, GE, Foxconn… Theo khảo sát của JETRO (Nhật Bản), trong hai năm 2024 - 2025, hơn 60% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có kế hoạch mở rộng kinh doanh Việt Nam do coi Việt Nam là điểm phát triển kinh doanh hấp dẫn nhất trong ASEAN.

Hơn nữa, không chỉ có riêng sản xuất điện tử mà ngay cả các lĩnh vực giá trị công thêm cao cũng thu hút sự quan tâm từ các tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới. Minh chứng là Google dự định mở văn phòng ở Việt Nam vào tháng 4/2025 và Nvidia mở trung tâm tâm R&D để phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam.

Việt Nam với nhiều lợi thế cạnh tranh như vị trí địa lý thuận lợi, môi trường đầu tư ổn định và chi phí sản xuất hấp dẫn, các điều kiện chính sách, môi trường đầu tư, dân số hay đô thị hóa tại Việt Nam, cầu vượt cung ở hầu hết các phân khúc chủ đạo như công nghiệp và hậu cần (I&L), nhà ở, văn phòng và bán lẻ… sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên toàn cầu. Những nỗ lực cải thiện khung pháp lý bất động sản và phát triển hạ tầng đang góp phần giúp thị trường ngày càng hấp dẫn hơn với các nhà đầu tư quốc tế.

Vì vậy, thị trường bất động sản khu công nghiệp sẽ là điểm sáng, mở ra cơ hội đầu tư lớn và tiềm năng sinh lời cao cho đầu tư bất động sản đáp ứng nhu cầu nhà ở cho công nhân, các khu vực dịch vụ hỗ trợ và thương mại tại các khu vực này.

Theo Báo Công thương

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/bat-dong-san-khu-cong-nghiep-se-la-diem-sang-nam-2025.html
Zalo