Cần sớm hoàn thiện khung pháp lý để phát triển thị trường carbon ở Việt Nam
Các chuyên gia khẳng định Việt Nam cần sớm hoàn thiện khung pháp lý và học hỏi kinh nghiệm quốc tế để phát triển thị trường carbon hiệu quả.
Ngày 10-5, Trường Đại học Luật TPHCM, Trường Đại học Luật - Đại học Quốc gia Hà Nội và Trường Đại học Ngoại Thương phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế “Thị trường carbon: Kinh nghiệm quốc tế và khuyến nghị cho Việt Nam”.
Thị trường carbon hiện được công nhận là một trong những công cụ định giá carbon hiệu quả đang được triển khai rộng rãi trên thế giới.
Trong bối cảnh Việt Nam hướng đến phát triển kinh tế bền vững và thực hiện cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, yêu cầu cắt giảm khí nhà kính và từng bước thiết lập thị trường carbon trở nên cấp thiết.
Cạnh đó, thị trường carbon đang là xu hướng phát triển tất yếu hiện nay. Việt Nam được đánh giá là có nhiều tiềm năng để tham gia thị trường này, đặc biệt là tài nguyên rừng.
Tuy vậy, để có thể tham gia thị trường carbon một cách bền vững, hiệu quả thì cần phải sớm xúc tiến triển khai các kế hoạch, giải pháp, khung pháp lý liên quan.

Toàn cảnh hội thảo ngày 10-5.
Phát biểu tại hội thảo, GS.TS. Đỗ Văn Đại – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM nhấn mạnh, biến đổi khí hậu là thách thức mang tính toàn cầu.
Một trong những giải pháp trọng tâm đang được các quốc gia thúc đẩy chính là phát triển thị trường carbon. Tuy nhiên, do tính mới và phức tạp của lĩnh vực này, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm quốc tế để xây dựng khung pháp lý hiệu quả.
PGS.TS. Nguyễn Hoàng Anh – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho biết tầm quan trọng của việc phát triển thị trường carbon tại Việt Nam trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Chính vì vậy, cộng đồng nghiên cứu cần tiếp tục quan tâm, đào sâu vấn đề này từ nhiều góc độ để góp phần hoàn thiện chính sách và thể chế pháp lý phù hợp.
Hội thảo đã diễn ra trong 5 phiên làm việc, tập hợp những tham luận xuất sắc được lựa chọn từ hơn 200 đề xuất gửi đến Ban tổ chức. Các chủ đề được trình bày bao quát từ kinh nghiệm quốc tế đến các giải pháp đề xuất cho Việt Nam, phản ánh sự quan tâm sâu sắc của giới học thuật và cộng đồng doanh nghiệp đối với thị trường carbon.

Các chuyên gia trình bày tham luận tại hội thảo.
Góc nhìn từ lĩnh vực carbon rừng, PGS-TS Nguyễn Ngọc Hà, Viện trưởng Viện nghiên cứu sáng tạo, Trường Đại học Ngoại Thương trình bày nghiên cứu về khả năng phát triển thị trường carbon rừng tại Việt Nam dựa trên 4 nguyên tắc thiết kế toàn cầu là quản trị toàn diện, tăng cường giám sát – kiểm kê, giảm chi phí khởi tạo và linh hoạt theo điều kiện địa phương.
Bà cho biết thị trường carbon rừng đang nổi lên như một cơ chế tiềm năng để huy động nguồn lực tài chính nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời thúc đẩy quản lý rừng bền vững.
Theo bà Hà, với tiềm năng lớn về tài nguyên rừng và khả năng hấp thụ carbon, Việt Nam được dự báo có thể tạo ra khoảng 40–70 triệu tính chỉ carbon rừng trong giai đoạn 2021–2030, tương đương hàng chục nghìn tỷ đồng từ việc chuyển nhượng. Một số kết quả tích cực bước đầu đã được ghi nhận, như việc bán thành công 10,3 triệu tấn CO₂ giảm phát thải cho Ngân hàng Thế giới vào năm 2024.
Tuy vậy, thị trường carbon rừng trong nước vẫn gặp nhiều rào cản pháp lý, kỹ thuật và thể chế. Đặc biệt, việc chưa có cơ chế xác lập quyền sở hữu carbon rừng, cùng hệ thống đo lường, báo cáo, xác minh còn thiếu và phụ thuộc vào hỗ trợ quốc tế, khiến Việt Nam khó tham gia sâu và độc lập vào thị trường carbon toàn cầu.
Trước thực tế đó, bà Hà đề xuất một loạt giải pháp thực tiễn bao gồm: hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng hệ thống đo lường – báo cáo – xác minh hiện đại, nâng cao nhận thức và tăng cường hỗ trợ tài chính – kỹ thuật cho cộng đồng địa phương...
Từ góc nhìn doanh nghiệp, bà Lưu Thị Thanh Mẫu – Tổng Giám đốc Phuc Khang Corporation – đề xuất các cơ quan chức năng cần sớm xây dựng khung pháp lý đồng bộ cho thị trường carbon.
Đồng thời, cần rà soát, bổ sung các quy định liên quan đến tín chỉ carbon trong Luật Bảo vệ môi trường, Luật về khí hậu và các văn bản hướng dẫn nhằm tạo nên một hệ thống pháp lý nhất quán và đầy đủ.