Công nghệ số, cơ hội tạo cú nhảy vọt cho doanh nghiệp

Trong bối cảnh mới khi kinh tế tri thức và Cách mạng công nghiệp 4.0, cơ hội tạo cú nhảy vọt 'đi tắt đón đầu' cho doanh nghiệp chưa bao giờ rõ ràng như lúc này.

Thông tin được đưa ra tại tọa đàm với chủ đề “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội tổ chức vào chiều 10/5, tại Hà Nội.

Kỷ nguyên mới, cơ hội doanh nghiệp vươn mình

Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội - cho biết, nếu năm 1975, Việt Nam thu nhập bình quân đầu người chỉ khoảng 200 USD/năm, thì đến năm 2023, GDP bình quân đầu người đạt 4.284 USD; Quy mô nền kinh tế khoảng 430 tỷ USD, đứng thứ 5 ASEAN và 35 thế giới; Kim ngạch xuất khẩu vượt 355 tỷ USD; Khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp hơn 45% GDP và tạo ra 65% việc làm.

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội - phát biểu tại tọa đàm

TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội - phát biểu tại tọa đàm

Hiện Việt Nam giữ ổn định kinh tế vĩ mô với lạm phát được kiểm soát bình quân dưới 4%; nợ công duy trì quanh 38% GDP, thuộc nhóm an toàn của khu vực; Kinh tế số ước đạt 14% GDP năm 2024, dự kiến đạt 20% vào 2025; Việt Nam đứng thứ 2 ASEAN về chỉ số phát triển chính phủ điện tử; Tham gia 17 FTA thế hệ mới, nổi bật CPTPP, EVFTA, RCEP, mở cánh cửa cho thị trường gần 60 quốc gia, chiếm 71% GDP toàn cầu;…

Những con số biết nói đó khẳng định Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục “bứt phá” nhờ một đường hướng phát triển nhất quán, đặt con người làm trung tâm, doanh nghiệp làm động lực, khoa học - công nghệ làm then chốt, văn hóa - giá trị Việt làm nền tảng.

Trong bối cảnh mới khi kinh tế tri thức và Cách mạng công nghiệp 4.0 với AI, chuỗi khối, dữ liệu lớn, IoT, sản xuất bồi đắp (additive) đang tái định nghĩa giá trị gia tăng. Việt Nam nổi lên là trung tâm gia công phần mềm, bán dẫn, dịch vụ công nghệ thông tin, thu hút tập đoàn NVIDIA, Samsung, Foxconn, Amkor… Ông Mạc Quốc Anh cho rằng, cơ hội tạo cú nhảy vọt “đi tắt đón đầu” chưa bao giờ rõ ràng như lúc này.

Bên cạnh đó, kinh tế số ASEAN 2030 trị giá khoảng 1.000 tỷ USD. Việt Nam với lợi thế 77% dân số dùng Internet; gần 74% tiếp cận smartphone có thể bứt phá ở các mảng fintech, thương mại điện tử xuyên biên giới, ed-tech, health-tech.

Dù vậy, ông Mạc Quốc Anh cũng chỉ ra những bài toán mà doanh nghiệp Việt Nam cần lời giải. Theo đó, năng suất lao động của Việt Nam bằng 62% Thái Lan, 37% Malaysia, 11% Singapore. Nếu không bứt phá, đà tăng trưởng có nguy cơ chậm lại. Cùng với đó, áp lực công nghệ xanh từ các thị trường xuất khẩu buộc doanh nghiệp phải đầu tư chuyển đổi quy trình, thay thế máy móc tiêu tốn năng lượng.

"Theo khảo sát năm 2024, chỉ 26% doanh nghiệp nhỏ và vừa áp dụng tiêu chuẩn quản trị xuyên biên giới (IFRS, ISO 14001, SA 8000);… nếu không nhận diện đúng và ứng phó linh hoạt, cơ hội vàng có thể thoát khỏi tầm tay", ông Mạc Quốc Anh dẫn chứng.

Chuyển đổi số cần hành động ngay

Chia sẻ tại tọa đàm, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - đại biểu Quốc hội khóa XV - cho hay, trong bối cảnh cải cách thể chế diễn ra mạnh mẽ, tạo cơ hội bứt phá vươn lên của doanh nghiệp nhưng việc này tạo áp lực cạnh tranh lớn nếu doanh nghiệp không chịu đổi mới thì nguy cơ bị đào thải là rất lớn.

Tọa đàm với chủ đề “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội chiều 10/5, tại Hà Nội

Tọa đàm với chủ đề “Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội chiều 10/5, tại Hà Nội

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Hồng Quang - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần MISA - cho hay, nếu trước kia, mô hình sản xuất của doanh nghiệp chủ yếu dựa vào tài nguyên thiên nhiên, thì ngày nay, phương thức sản xuất số là yếu tố quyết định lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Đây chính là điểm chuyển biến căn bản về tư duy và hành động.

Trong kỷ nguyên của phương thức sản xuất số, việc ứng dụng các công nghệ mới nhất như AI vào kinh doanh sản xuất ngày càng trở thành yếu tố then chốt. Ông Quang cho hay, tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng AI vào quản trị đã tăng từ 33% năm 2022 lên 72% năm 2024 (theo IBM, Forbes, McKinsey). Công nghệ này đang hỗ trợ mạnh mẽ trong dịch vụ khách hàng (56%), an ninh mạng (51%), quản lý quan hệ khách hàng (42%) và sản xuất nội dung (40%). Các doanh nghiệp ứng dụng dữ liệu để ra quyết định có thể tăng khả năng thu hút khách hàng cao hơn 23 lần so với doanh nghiệp truyền thống.

Theo ông Quang, AI là xu thế tất yếu, đòi hỏi doanh nghiệp nhanh chóng thích nghi để duy trì lợi thế cạnh tranh. Doanh nghiệp cần phổ cập AI trong quản trị để nâng cao hiệu suất, xây dựng văn hóa ra quyết định dựa trên dữ liệu và đẩy mạnh chuyển đổi số với nền tảng điện toán đám mây tích hợp AI. Doanh nghiệp cần rà soát liên tục và có kế hoạch ứng dụng AI vào từng quy trình sẽ giúp tối ưu hiệu quả vận hành và quản lý.

Về việc này, bà Đinh Thị Thúy - Phó Chủ tịch HĐQT MISA - nhấn mạnh: “Trong kỷ nguyên số, các chủ doanh nghiệp không chỉ cần có tầm nhìn chiến lược mà còn phải sở hữu năng lực quản trị số vững vàng. Chuyển đổi số cần hành động ngay, với quyết tâm mạnh mẽ và tốc độ nhanh chóng, để dẫn dắt thị trường, phát triển đột phá và tăng trưởng bền vững”.

MISA đã chính thức ký kết hợp tác với May 10 nhằm đồng hành hỗ trợ May 10 nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh thông qua giải pháp của MISA

MISA đã chính thức ký kết hợp tác với May 10 nhằm đồng hành hỗ trợ May 10 nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh thông qua giải pháp của MISA

Để hiện thực hóa khát vọng dân tộc hùng cường, Việt Nam xây dựng 3 đột phát chiến lược mới gồm: Đột phá thể chế, hoàn thiện nhà nước kiến tạo phát triển; Đột phá hạ tầng đồng bộ, hiện đại; Đột phá nguồn nhân lực chất lượng cao. Bên cạnh đó, Chiến lược quốc gia tăng trưởng xanh 2021 - 2030 mở ra khung ưu đãi thuế carbon, tín dụng xanh, cơ chế PPA (mua bán điện trực tiếp) tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp bứt tốc.

Nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp là “cỗ máy kiến tạo giá trị” và “tế bào” của nền kinh tế, ông Mạc Quốc Anh cho hay, doanh nghiệp, đặc biệt khu vực tư nhân, sở hữu 70% nguồn lực nghiên cứu và phát triển (R&D). Do đó, nếu không đổi mới, doanh nghiệp sẽ tự đánh mất mình. Cùng với đó, việc lan tỏa văn hóa kinh doanh chính trực với 3 chữ “Tín - Tâm - Minh bạch” sẽ là hộ chiếu đưa thương hiệu Việt ra biển lớn.

Việc nâng tầm từ OEM (gia công chế biến) đến ODM (sản xuất theo đơn đặt hàng) và đến OBM (phát triển và sản xuất sản phẩm dưới thương hiệu của riêng mình) sẽ giúp đưa hàm lượng tri thức nội địa từ 10% lên 50% trong 10 năm.

"Hà Nội, với hơn 400.000 doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp sôi động, phải tiên phong thí điểm sandbox (khung thể chế thí điểm), quỹ đầu tư thiên thần, trung tâm đổi mới sáng tạo cấp thành phố - hình mẫu lan tỏa", ông Mạc Quốc Anh nhấn mạnh.

Cũng theo ông Mạc Quốc Anh, khát vọng xây dựng một Việt Nam giàu mạnh, hùng cường, hạnh phúc không thể hiện hữu nếu thiếu một liên minh hành động rộng rãi. Trong đó, Chính phủ đóng vai “nhạc trưởng”, cải cách thủ tục, bảo vệ quyền tài sản, tạo sân chơi bình đẳng. Doanh nghiệp là “người chơi chính”, dám nghĩ lớn, làm thật, bền bỉ đổi mới. Hệ thống tài chính - ngân hàng cung cấp “nhiên liệu” dài hạn, chi phí hợp lý. Viện, trường, chuyên gia là “trí tuệ tư vấn”, cung cấp giải pháp dựa trên bằng chứng. Người dân, cộng đồng là “khách hàng - giám sát”, nuôi dưỡng hệ sinh thái tiêu dùng có trách nhiệm. Kỷ nguyên mới không chờ đợi chúng ta kịp thích ứng; nó chỉ gọi tên những ai dám ước mơ lớn và hành động quyết liệt.

Cũng trong khuôn khổ sự kiện, MISA đã chính thức ký kết hợp tác với May 10 nhằm đồng hành hỗ trợ May 10 nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh thông qua giải pháp của MISA.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cong-nghe-so-co-hoi-tao-cu-nhay-vot-cho-doanh-nghiep-386993.html
Zalo