Cần sớm ban hành quy định về đào tạo nghệ thuật đặc thù để tránh đứt gãy nguồn nhân lực
Chiều 25.4, phiên họp thứ 44 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật. Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương chủ trì phiên họp.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên họp
Nhiều bất cập trong các luật hiện hành ảnh hưởng đến công tác đào tạo tài năng nghệ thuật
Trình bày báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm nhấn mạnh đến cơ sở chính trị, pháp lý và căn cứ thực tiễn ban hành Nghị quyết.
Về cơ sở chính trị, Thứ trưởng cho biết, Các Nghị quyết, Kết luận của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, của Quốc hội đều có yêu cầu và chỉ đạo về rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên, đột phá trong đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, trọng dụng, đãi ngộ trong đào tạo nghệ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật đặc thù.
Về cơ sở thực tiễn, thứ nhất là căn cứ vào tính đặc thù, thực tiễn tổ chức đào tạo các ngành, nghề nghệ thuật trên thế giới và tại VN nhiều năm qua, cho thấy rằng, trong đào tạo nghệ thuật, người học thường bắt đầu từ rất sớm, thường từ 5-10 tuổi, bởi đây là giai đoạn vàng để phát triển khả năng cảm thụ, kỹ năng vận động và hình thành nền tảng chuyên môn cơ bản.
Những lĩnh vực như múa, âm nhạc hay xiếc đặc biệt yêu cầu khởi đầu sớm để tận dụng tối đa sự linh hoạt và khả năng tiếp thu tự nhiên của cơ thể và trí não.
Với lộ trình đào tạo thường kéo dài 6-8 năm, học viên thường đạt trình độ trung cấp vào khoảng 16-18 tuổi, tức độ tuổi vị thành niên. Đây là thời điểm kỹ năng cơ bản đã thành thục, đủ để bước vào thị trường lao động hoặc tiếp tục học nâng cao.
Để tối ưu hóa thời gian và sức lực, học viên nghệ thuật thường học đồng thời chương trình văn hóa phổ thông ngay tại cùng một trường, cùng địa điểm với chương trình học nghệ thuật.
Điều này không chỉ giúp đảm bảo họ hoàn thành cả kiến thức văn hóa lẫn chuyên môn nghề nghiệp mà còn tạo điều kiện quản lý lịch trình chặt chẽ và xây dựng môi trường phát triển toàn diện, chuẩn bị tốt nhất cho hành trình sự nghiệp lâu dài.
“Căn cứ thực tiễn thứ hai, một số bất cập nảy sinh trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp, do chưa bao quát đầy đủ và xử lý thỏa đáng các đặc thù trong đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật”, Thứ trưởng Phan Tâm cho biết.
Nêu các dẫn chứng cụ thể, Thứ trưởng cho biết đó là quy định về thời gian đào tạo trình độ trung cấp trong Luật Giáo dục nghề nghiệp không phù hợp thực tiễn. Theo Luật Giáo dục nghề nghiệp, người học cần hoàn thành thời gian học trình độ trong thời gian tối đa là 2 năm với số tín chỉ nghề tối thiểu là 35-50.

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Phan Tâm trình bày báo cáo trước Quốc hội
“Thực tiễn người học lĩnh vực nghệ thuật đặc thù cần nhiều hơn 2 năm, có chuyên ngành cần đến 9 năm để hoàn thành chương trình trung cấp với số lượng tín chỉ ít nhất là 90 và có thể lên đến 180 ở một số chuyên ngành”, Thứ trưởng báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Đề xuất ban hành quy định để kịp thời tháo gỡ khó khăn
Thứ trưởng Phan Tâm cũng nêu, có sự không thống nhất nội tại và sự không thống nhất giữa Luật Giáo dục nghề nghiệp và Luật Giáo dục đại học về quyền đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp tại các cơ sở giáo dục đại học.
Như khoản 5 Điều 3 Luật Giáo dục nghề nghiệp thì cho quyền này nhưng Điều 38 của chính Luật Giáo dục nghề nghiệp lại quy định chỉ có hiệu trưởng Trung cấp, trường cao đẳng mới được cấp bằng tốt nghiệp trung cấp và bằng tốt nghiệp cao đẳng. Bên cạnh đó Khoản 1 Điều 4 Luật Giáo dục đại học lại hạn chế quyền này.
Bên cạnh đó, Luật Giáo dục hiện hành quy định chưa thật sự nhất quán, đủ rõ và hợp lý về việc thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên bậc trung học cơ sở và chương trình giáo dục thường xuyên trung học phổ thông tại Điều 44, cũng như việc cấp bằng tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học.
Về sự cấp thiết phải ban hành Nghị quyết, Thứ trưởng cho biết, một số bất cập nêu trên nảy sinh trong quá trình sửa đổi, bổ sung các Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp và việc xử lý các bất cập trở nên cấp thiết khi Khoản 3 Điều 3 Nghị định số 24/2022/NĐ-CP ngày 4.6.2022 của Chính phủ sửa đổi Nghị định quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp quy định.
Theo đó cơ sở giáo dục đại học đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp để tổ chức đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ trung cấp các ngành, nghề chuyên môn đặc thù hoặc thuộc các dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thì tiếp tục được tuyển sinh đến hết ngày 31.12.2025.
Do vậy, nếu không xử lý kịp thời trước năm học mới 1.9.2025 thì sẽ dẫn tới gián đoạn, đứt gãy trong hoạt động tuyển sinh và đào tạo tài năng nghệ thuật, không thực hiện được mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị, bản sắc văn hóa nghệ thuật của Việt Nam và tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại.

Toàn cảnh phiên họp
Việc sửa đồng bộ 3 Luật: Giáo dục, Giáo dục đại học, Luật Giáo dục nghề nghiệp là giải pháp căn cơ và triệt để nhưng theo kế hoạch lập pháp của Quốc hội thì phải đợi đến tháng 10.2025. Bên cạnh đó việc ban hành các văn bản hướng dẫn và chuẩn bị các điều kiện thực hiện cũng cần một khoảng thời gian nhất định.
Về mục đích ban hành Nghị quyết, Thứ trưởng Phan Tâm nhấn mạnh, việc ban hành Nghị quyết về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật nhằm tháo gỡ một số bất cập do chưa có quy định cụ thể trong luật, có quy định nhưng còn bất cập, chồng chéo, không thống nhất, không phù hợp với thực tiễn và tính đặc thù trong đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật.
Cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra đã có nhiều nỗ lực
Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản tán thành sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật với những lý do được nêu tại Tờ trình số 204/TTr-CP của Chính phủ, trong đó chủ yếu nhằm tháo gỡ những vướng mắc liên quan tới Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết
Tuy nhiên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm nổi bật tính cấp thiết ban hành nghị quyết này theo trình tự, thủ tục rút gọn, nhất là trong điều kiện nhiệm vụ sửa đổi 03 dự thảo luật này đã được bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, dự kiến trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10.2025).
“Thường trực Ủy ban đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, điều chỉnh tên gọi của Nghị quyết theo hướng là Nghị quyết thí điểm, xác định rõ thời gian thực hiện để phù hợp quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh đề nghị.
Và cũng đánh giá hồ sơ vè dự thảo Nghị quyết của Chính phủ được chuẩn bị cơ bản bảo đảm đầy đủ các tài liệu theo quy định. Dự thảo Nghị quyết phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiến pháp; tương thích với điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; bảo đảm các vấn đề bình đẳng giới.
Cũng theo Chủ nhiệm Nguyễn Đắc Vinh, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với phạm vi điều chỉnh; tuy nhiên, đề nghị nghiên cứu thêm những vấn đề liên quan cơ chế đặc thù trong tuyển sinh, tổ chức, quản lý đào tạo, cấp văn bằng, công nhận trình độ, chính sách cho người học; xác định đối tượng áp dụng cụ thể hơn về cơ sở giáo dục, ngành nghề đặc thù thụ hưởng chính sách.
Tại phiên họp, các đại biểu đã phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề của dự thảo Nghị quyết. Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương ghi nhận những nỗ lực của Chính phủ, Bộ VHTTDL - cơ quan soạn thảo dự thảo Nghị quyết và cơ quan thẩm tra của Quốc hội.
Đồng thời cho biết, Ủy ban Thường vụ của Quốc hội thống nhất với sự cấp thiết phải ban hành các quy định để tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực này. Tuy nhiên đây là lĩnh vực đặc thù có nội dung đã có quy định trong các luật nhưng cũng có những nội dung chưa có quy định cụ thể.
Vì thế Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cơ quan thẩm tra là Ủy ban Văn hóa và Xã hội phối hợp với cơ quan soạn thảo là Bộ VHTTDL tiếp tục nghiên cứu, thiết kế và đề xuất hình thức văn bản quy phạm phù hợp đảm bảo hài hòa với các quy định, thẩm quyền và trách nhiệm của các bên.