Cần chi hơn 30.000 tỷ mỗi năm để miễn học phí cho học sinh cả nước
Tổng nhu cầu kinh phí ngân sách nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông dân lập, tư thục ước tính khoảng 30,6 nghìn tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Bộ GD&ĐT)
Ngân sách cần chi thêm 8.200 tỷ đồng/năm
Chiều 25/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026. Dự thảo Nghị quyết sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, và sẽ áp dụng chính sách từ năm học 2025-2026.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Kim Sơn cho biết, Nghị quyết lần này dự kiến bổ sung các đối tượng được miễn, hỗ trợ đóng học phí là: Trẻ em mầm non dưới 5 tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục và học sinh trung học phổ thông, người học Chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục.
Như vậy theo dự thảo Nghị quyết, Nhà nước sẽ hỗ trợ học phí với cả trẻ em mầm non, học sinh phổ thông tại cơ sở giáo dục dân lập, tư thục để đảm bảo quyền tiếp cận giáo dục, thể hiện tính ưu việt của chế độ và thực thi chính sách thống nhất, công bằng đối với người học; khuyến khích phát triển giáo dục ngoài công lập, tăng cường xã hội hóa giáo dục.
Thông tin thêm về tác động của chính sách hỗ trợ học phí đến ngân sách Nhà nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho biết, theo số liệu thống kê năm học 2023-2024, cả nước có 23,2 triệu học sinh. Trong đó, có 21,5 triệu học sinh công lập, chiếm 93%; 1,7 triệu học sinh ngoài công lập, chiếm 7%.
Chính phủ ước tính tổng nhu cầu kinh phí ngân sách Nhà nước phải chi trả để thực hiện miễn học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập và hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh phổ thông dân lập, tư thục ước tính khoảng 30.600 tỷ đồng. Trong đó, khối công lập là 28.700 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1.900 tỷ đồng.
Thực tế, tổng ngân sách Nhà nước đã thực hiện miễn (không thu) học phí với trẻ em mầm non 5 tuổi, học sinh tiểu học, học sinh trung học cơ sở từ năm học 2025-2026 là 22.400 tỷ đồng. Trong đó, khối công lập là 21.800 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 600 tỷ đồng.
Như vậy, ngân sách Nhà nước phải đảm bảo thêm khi thực hiện chính sách theo nghị quyết của Quốc hội là 8.200 tỷ đồng. Trong đó, khối công lập là 6.900 tỷ đồng; khối dân lập, tư thục là 1.300 tỷ đồng.
Thống nhất đề xuất miễn, hỗ trợ học phí cho học sinh
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Thường trực Ủy ban cơ bản nhất trí với chính sách miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông công lập, dân lập, tư thục của dự thảo Nghị quyết.
Dự thảo Nghị quyết quy định phương thức hỗ trợ học phí với người học chi trả thông qua các cơ sở giáo dục. Tuy nhiên, tại phiên họp thẩm tra sơ bộ mở rộng của Thường trực Ủy ban Văn hóa và Xã hội, các cơ quan thống nhất thực hiện theo phương thức hỗ trợ đóng học phí là cấp trực tiếp cho người học. Thường trực Ủy ban đề nghị thực hiện theo phương thức này.
Giải trình sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn thống nhất với hướng hỗ trợ học phí trực tiếp cho người học thông qua cha mẹ, người giám hộ của học sinh vì phương án này khả thi và hợp lý.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, chính sách này của trung ương nên ngân sách phải đảm bảo nằm trong chi phí giáo dục. "Nguồn chi cho giáo dục thì phải tính vào, nên đưa khoản này thành khoản chi giáo dục. Ngân sách đảm đương được, cần thì phải chi", Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung thông tin, Bộ Tài chính nhận thức đây là nhiệm vụ chung, sẽ tính tổng chi ngân sách chi thường xuyên. Song để đảm bảo bố trí dự toán thì Bộ GD&ĐT cần đánh giá đầy đủ về số lượng học sinh cả công lập và ngoài công lập để có cơ sở tính toán.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất sự cần thiết ban hành nghị quyết về miễn, hỗ trợ học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông, người học chương trình giáo dục phổ thông tại các cơ sở giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan hoàn thiện hồ sơ dự thảo nghị quyết, trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9. Việc ban hành Nghị quyết này, theo ông Phương, nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta, bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và trách nhiệm của Nhà nước đối với người học, chăm lo cho thế hệ trẻ và bảo đảm an sinh xã hội.