Khảo sát năng lực tiếng Anh giáo viên: Không dùng để xét thi đua, xếp lương

Theo Sở GD&ĐT TPHCM, khảo sát tiếng Anh cán bộ quản lý, giáo viên nhằm đánh giá khách quan nhất năng lực của đội ngũ thầy, cô giáo.

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4, TPHCM).

Giờ học tiếng Anh của học sinh Trường tiểu học Đặng Trần Côn (Quận 4, TPHCM).

Đề khảo sát chia ra nhiều mức độ

Trước yêu cầu giáo viên tiểu học, THCS và THPT tại TPHCM phải tham gia bài khảo sát năng lực tiếng Anh, nhiều giáo viên bày tỏ sự lo lắng về mục đích tổ chức khảo sát, e ngại đề ra quá khó, không làm được, đồng thời lo ngại phải đóng tiền để tham gia các lớp bồi dưỡng do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT TPHCM – cho biết: Đề khảo sát năng lực tiếng Anh được xây dựng với nhiều cấp độ, bao gồm cả câu hỏi dễ đến khó. “Vì đây là khảo sát nhằm đánh giá năng lực nên giáo viên làm được tới đâu sẽ được ghi nhận và đánh giá tới đó. Không có yêu cầu phải hoàn thành toàn bộ đề”, ông Hồ Tấn Minh nhấn mạnh.

Trước câu hỏi làm thế nào để đảm bảo tính trung thực, khách quan của giáo viên khi tham gia khảo sát, tránh tình trạng nhờ người làm bài hộ, ông Hồ Tấn Minh cho rằng: Trách nhiệm này thuộc về sự tôn nghiêm và lòng tự tôn nghề nghiệp của mỗi nhà giáo.

Cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện bài khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh bằng hình thức trắc nghiệm khách quan trong thời lượng 90 phút. Nội dung khảo sát bao gồm 3 kỹ năng: Nghe, đọc và viết theo khung tham chiếu trình độ ngôn ngữ chung của Châu Âu (CEFR) với các bậc từ A1 đến C2.

Trước đó, Sở GD&ĐT TPHCM cũng văn bản hướng dẫn thực hiện khảo sát trình độ, năng lực tiếng Anh của công chức, viên chức ngành GD&ĐT thành phố. Theo đó, đối tượng khảo sát gồm cán bộ quản lý, giáo viên đang giảng dạy tại các trường tiểu học, THCS, THPT công lập trên địa bàn.

Tất cả thầy cô ở các trường công lập phải làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh, thời gian làm bài trong 90 phút bằng hình thức trực tuyến, gồm kỹ năng nghe, đọc và viết theo khung tham chiếu châu Âu (CEFR) từ A1 đến C2.

Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, bài khảo sát do Hội đồng khảo thí tiếng Anh Đại học Cambridge thiết kế, bảo đảm tính khách quan, khoa học và độ tin cậy cao. Thời gian khảo sát từ ngày 23 đến 29/4, được chia ca theo từng quận, huyện.

Khảo sát chỉ dùng để tham khảo, thống kê

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, mục đích của việc khảo sát nhằm đánh giá một cách tổng thể bức tranh chung về năng lực tiếng Anh của đội ngũ giáo viên toàn ngành.

Từ đó sở sẽ có cơ sở dữ liệu để xây dựng đề án "Từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học". Đây là một mục tiêu quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục và hội nhập quốc tế, thực hiện theo kết luận số 91 của Bộ Chính trị.

"Cụ thể là xây dựng bao nhiêu tiết học tiếng Anh trong trường, những hoạt động nào sẽ được tổ chức bằng tiếng Anh, lộ trình bồi dưỡng, hỗ trợ nâng cao năng lực ngoại ngữ cho đội ngũ ra sao... cần phải có các góc nhìn khách quan, tính toán số liệu dựa trên phân tích khoa học", ông Hiếu cho hay.

 Tất cả giáo viên tiểu học, THCS và THPT ở TPHCM đều phải làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh.

Tất cả giáo viên tiểu học, THCS và THPT ở TPHCM đều phải làm bài khảo sát năng lực tiếng Anh.

Cũng theo ông Hiếu, đây không phải là kỳ thi đánh giá chuyên môn, xếp loại năng lực giáo viên. Kết quả khảo sát cũng không được sử dụng cho bất kỳ mục đích nào khác như đánh giá thi đua, xét lương, kỷ luật hay các mục đích cá nhân khác.

"Thông tin kết quả khảo sát của từng cá nhân cũng sẽ được bảo mật. Chỉ có chính bản thân thầy cô tham gia khảo sát và tổ giúp việc của ban chỉ đạo xây dựng đề án (là bộ phận chuyên trách được giao nhiệm vụ tổng hợp, phân tích dữ liệu để phục vụ xây dựng kế hoạch chung) mới được tiếp cận với kết quả khảo sát”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, việc tham gia khảo sát là cơ hội để mỗi thầy, cô giáo tự nhìn nhận, đánh giá một cách khách quan năng lực tiếng Anh hiện tại của bản thân.

Tuy nhiên, đối với những giáo viên chỉ còn dưới 10 năm công tác trước khi nghỉ hưu hoặc đang gặp vấn đề về sức khỏe, hiệu trưởng các trường có thể cân nhắc không đưa vào danh sách khảo sát. Ngoài các trường hợp đặc biệt này, tất cả giáo viên đều cần thực hiện bài khảo sát.

Khảo sát chỉ mang tính chất tham khảo và thống kê, là cơ sở để Sở xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao năng lực tiếng Anh cho đội ngũ giáo viên trong thời gian tới. Vì vậy, không đặt ra tiêu chí "đạt" hay "không đạt" trong đợt khảo sát lần này. Sau khảo sát, mỗi giáo viên sẽ biết được trình độ tiếng Anh của mình đang ở mức nào.

Ngành Giáo dục TPHCM sẽ triển khai kế hoạch bồi dưỡng với nhiều hình thức linh hoạt, đa dạng. Việc tham gia các lớp bồi dưỡng sẽ do giáo viên tự lựa chọn hình thức học, phương pháp học và đơn vị giảng dạy phù hợp với điều kiện cá nhân. Thậm chí, giáo viên có thể tự học, miễn là đạt được mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh.

Ngoài ra với những giáo viên có năng lực tiếng Anh tốt, có nguyện vọng tham gia giảng dạy một số môn học bằng tiếng Anh sẽ được lựa chọn đưa đi bồi dưỡng. Những giáo viên này sẽ được bồi dưỡng bằng kinh phí từ ngân sách nhà nước, theo chương trình của thành phố.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Sở GD&ĐT TPHCM cũng sẽ tham mưu, đề xuất với lãnh đạo thành phố về chế độ phụ cấp đặc biệt dành cho giáo viên giảng dạy các môn học bằng tiếng Anh.

Minh Anh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/khao-sat-nang-luc-tieng-anh-giao-vien-khong-dung-de-xet-thi-dua-xep-luong-post728737.html
Zalo