Cần siết quảng cáo đối với người nổi tiếng trên mạng

Hiện có không ít người dùng mạng xã hội (MXH, đặc biệt là những người nổi tiếng) giới thiệu, mời chào, quảng cáo cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đảm bảo chất lượng, gây thiệt hại, bức xúc cho đông đảo người tiêu dùng.

Nghệ sĩ, các KOL (người có sức ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) đang live stream quảng cáo sản phẩm. Ảnh: chụp màn hình

Nghệ sĩ, các KOL (người có sức ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) đang live stream quảng cáo sản phẩm. Ảnh: chụp màn hình

Trước tình trạng này, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã xây dựng Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo nhằm siết chặt quy định về quảng cáo, dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV sắp tới. Việc bổ sung thêm quy định quyền và nghĩa vụ, có chế tài hoặc ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, người nổi tiếng quảng cáo không đúng sự thật… được đề cập trong dự án luật mới đã nhận được sự đồng tình và nhiều ý kiến đóng góp từ dư luận

Đảm bảo sự trung thực, chính xác

Hiện nay, hoạt động quảng cáo đang thực hiện theo Luật Quảng cáo năm 2012. Luật này không quy định quyền và nghĩa vụ của người chuyển tải sản phẩm quảng cáo mà chủ yếu tập trung trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Vì vậy, chưa có chế tài hoặc quy định ràng buộc đối với người chuyển tải sản phẩm quảng cáo trong trường hợp nội dung quảng cáo không đúng sự thật hoặc yêu cầu người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải là người đã tìm hiểu, sử dụng sản phẩm và có trách nhiệm về nội dung quảng cáo.

Trong khi đó, xu hướng mời các nhân vật nổi tiếng trong showbiz Việt, KOL (người có sức ảnh hưởng trên MXH), KOC (những người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn đến thị trường trên MXH)… quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình đang trở nên phổ biến. Có không ít nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng thực tế của sản phẩm đã gây mất niềm tin, thiệt hại cho người tiêu dùng.

“Sau khi sự việc xảy ra, họ chỉ nói lời xin lỗi rồi thôi, không chịu bất kỳ một trách nhiệm nào trước những điều mình đã làm. Thái độ phớt lờ trách nhiệm cho thấy việc đưa ra các quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của những cá nhân tham gia quảng cáo trong Luật sửa đổi bổ sung Luật Quảng cáo là rất cần thiết” - ông Trần Minh Trí (ngụ phường Trảng Dài, thành phố Biên Hòa) nhận xét.

KOL (người có sức ảnh hưởng) và KOC (người tiêu dùng có sức ảnh hưởng lớn trên thị trường) đang ngày càng có vai trò quan trọng trong việc ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của người tiêu dùng, thúc đẩy thương mại điện tử ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của NielsenIQ Việt Nam gần đây, khoảng 50% người tiêu dùng cho biết, quyết định mua hàng của họ bị ảnh hưởng bởi các KOL và KOC.

Ông Trí rất đồng tình với việc dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo quy định: người chuyển tải sản phẩm quảng cáo phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định khác của pháp luật có liên quan về tính năng, chất lượng hàng hóa dịch vụ khi thực hiện quảng cáo; thông báo trước cho người tiêu dùng về việc mình đang thực hiện hoạt động quảng cáo; khi đăng tải ý kiến, cảm nhận về kết quả sử dụng mỹ phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm bổ sung trên MXH phải là người đã trực tiếp sử dụng sản phẩm.

Theo ông Trí, quy định này là phù hợp với thực tế hiện nay bởi tình trạng người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng quảng cáo sai sự thật xuất hiện nhiều trong thời gian gần đây. Điều này thực sự nguy hiểm, khi người tiêu dùng, nhất là người tiêu dùng trẻ ngày càng có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều. Những lời quảng cáo, tiếp thị của người có sức ảnh hưởng lại tác động không nhỏ đến quyết định mua sắm của người dùng.

Cần thêm quy định ràng buộc trách nhiệm

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thanh Tuấn (ngụ xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) cho rằng, quy định ràng buộc trách nhiệm của người nổi tiếng trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo là rất đúng. Điều này có tính răn đe và cũng giúp người nổi tiếng hiểu rằng, mỗi lời nói ra, mỗi hành động đều có tác động nhất định đối với người khác, thậm chí có thể tạo ra sự nguy hiểm cho cộng đồng.

“Nguyên nhân một số người nổi tiếng, các KOL, KOC quảng cáo sai sự thật, tiếp tay cho nhà sản xuất, nhà phân phối đưa hàng kém chất lượng ra thị trường xuất phát từ việc họ nhận quảng cáo mà chủ yếu quan tâm đến lợi nhuận, thu nhập mà bỏ qua trách nhiệm với xã hội… Do vậy, quy định buộc họ tìm hiểu, sử dụng sản phẩm đó và có trách nhiệm về nội dung mình cung cấp sẽ góp phần hạn chế tình trạng quảng cáo sai sự thật, thổi phồng công dụng của sản phẩm, dịch vụ đang diễn ra phổ biến, gây thiệt hại cho người tiêu dùng như hiện nay” - ông Tuấn chia sẻ.

Bên cạnh việc ủng hộ quy định mới trên, nhiều ý kiến cho rằng nên có các quy định cụ thể hơn để có căn cứ xác định rõ để phân định ai được xem là người có sức ảnh hưởng. Ví dụ như một tài khoản có số lượng người theo dõi bao nhiêu để được tính là người có sức ảnh hưởng. Bên cạnh đó, làm sao để kiểm tra việc người nổi tiếng, người có sức ảnh hưởng có thực sự trải nghiệm, nghiên cứu về sản phẩm trước khi quảng cáo hay không…

Một số ý kiến đề xuất chế tài hoặc ràng buộc đối với người nổi tiếng, các KOL, KOC thì cần có quy định cụ thể, xử lý trách nhiệm đối với các đơn vị, tổ chức, cơ quan liên quan bởi hành vi chuyển tải các quảng cáo sai sự thật là một trong các hành vi cấm, cần được ngăn chặn. Không chỉ đối với người tham gia quảng cáo cho sản phẩm sai sự thật mà các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình.

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo hướng tới việc xây dựng và hoàn thiện một thị trường quảng cáo số minh bạch, lành mạnh và thực sự vì lợi ích người tiêu dùng. Hy vọng, khi dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo được thông qua sẽ siết chặt quản lý trong lĩnh vực quảng cáo cũng như có những quy định cụ thể, rõ ràng để chấn chỉnh và xử lý nghiêm những quảng cáo không đúng sự thật. Đồng thời hoàn thiện các thể chế, cơ sở pháp lý để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được hiệu quả hơn.

Kim Liễu

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/van-hoa/202410/can-siet-quang-cao-doi-voi-nguoi-noi-tieng-tren-mang-d294205/
Zalo