Ô nhiễm hàng đầu thế giới với gần 81 triệu 'ống xả di động': Lý do xe điện cần được ưu tiên sử dụng tại Việt Nam

Theo giới chuyên gia, giải pháp gốc rễ để 'đảo ngược' tình trạng ô nhiễm ngày càng tồi tệ tại Việt Nam là xanh hóa hàng triệu phương tiện di chuyển - tác nhân chính gây nên tình trạng báo động về môi trường hiện tại.

70% khí thải ô nhiễm bắt nguồn từ phương tiện giao thông

Theo công bố của cơ quan quan sát chất lượng không khí IQAir, liên tiếp các ngày trong tháng 10, chỉ số ô nhiễm không khí tại Hà Nội luôn nằm trong top những thành phố ô nhiễm nhất thế giới. Thậm chí, sáng 7/10, Hà Nội còn phải nhận “danh hiệu” thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số ô nhiễm lên tới gần 200 - ngưỡng gây hại cho sức khỏe con người.

Phương tiện giao thông là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Ảnh: TTXVN

Phương tiện giao thông là tác nhân chính gây ô nhiễm không khí tại các thành phố lớn. Ảnh: TTXVN

Trên thực tế, đây không phải lần đầu tiên những thành phố của Việt Nam bị nêu tên trong danh sách không ai mong muốn trên. TP HCM và Hà Nội - 2 đô thị lớn có mật độ dân số cao nhất cả nước - thường xuyên nằm trong top các thành phố ô nhiễm nhất hành tinh.

Theo nghiên cứu của Trung tâm Quan trắc môi trường miền Nam - Bộ Tài nguyên và Môi trường, vào năm 2023, tại các đô thị lớn, khí thải ô nhiễm môi trường có tới 70% bắt nguồn từ các phương tiện giao thông. Tính đến cuối năm 2023, thống kê cho thấy Việt Nam đang có gần 80,6 triệu ô tô, xe máy, trong đó đại đa số là xe chạy bằng xăng, dầu - những phương tiện bị coi là “ống xả di động” gây ô nhiễm không khí.

Theo TS Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, đây chính là lý do việc giảm thiểu ô nhiễm không khí từ các phương tiện giao thông cần được ưu tiên.

Vị chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách đưa xe điện vào sử dụng cho dịch vụ công, phương tiện công cộng, chính sách hạn chế phương tiện xăng, dầu và khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông sạch… Ông lấy ví dụ nhiều thành phố trên thế giới từng là tâm điểm ô nhiễm không khí nay đã cải thiện dần nhờ các chính sách quyết liệt. Đặc biệt, mới đây Nghị viện châu Âu đã thông qua luật cấm bán ô tô chạy bằng xăng, dầu từ năm 2035…

Tại Việt Nam, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí metan của ngành giao thông vận tải. Mục tiêu đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, bao gồm cả xe cá nhân và xe vận tải công cộng, xe chuyên dụng chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

Quyết định này đã sớm nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân và các chuyên gia về giao thông, môi trường… tại Việt Nam. Đặc biệt, với lượng ô tô, xe máy điện tăng nhanh và liên tục trong thời gian gần đây, giới quan sát nhận định, mục tiêu này hoàn toàn có thể thành hiện thực.

Chung tay để phủ sóng xe điện

Đầu tháng 10 năm nay, hãng ô tô VinFast công bố kết quả kinh doanh đạt hơn 9.300 xe bán ra trong tháng 9 và là hãng xe bán chạy nhất thị trường, vượt qua các hãng xe quốc tế đã có thâm niên 20-30 năm tại Việt Nam. Đáng chú ý, danh mục sản phẩm hiện tại của VinFast chỉ có xe điện do hãng này đã dừng hoàn toàn sản xuất xe động cơ đốt trong từ năm 2022.

Nhìn vào những kết quả trên, ông Hoàng Dũng, một người theo dõi thị trường ô tô lâu năm bày tỏ sự vui mừng, không chỉ vì những kỳ tích của thương hiệu Việt mà còn bởi đây là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng ngày càng có niềm tin và ý thức về những lợi ích ô tô điện mang lại cho môi trường.

Điều đáng mừng là ngoài khách hàng cá nhân, rất nhiều doanh nghiệp ở lĩnh vực vận tải đã không ngần ngại chuyển đổi từ xe xăng sang các mẫu xe điện để kinh doanh dịch vụ.

“Chúng tôi đang dần đưa xe điện vào dịch vụ, góp phần đưa ngành vận tải hướng tới một bước quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính và giảm ô nhiễm không khí. Điều này không chỉ đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường, mà còn tạo ra một hình ảnh tích cực về thương hiệu, thu hút khách hàng quan tâm đến các giải pháp bền vững”, ông Nguyễn Văn Định - Chủ tịch HĐQT & Giám đốc CTCP Én Vàng Quốc Tế khẳng định.

Én Vàng cũng là một trong những doanh nghiệp đã sớm chuyển đổi sang sử dụng xe điện VinFast từ tháng 4/2023 và dự kiến sẽ có đội ngũ 500 xe điện vào cuối năm 2024. Ngoài Én Vàng là rất nhiều cái tên đang mạnh mẽ chuyển đổi xanh như Lado (Lâm Đồng), Bách Đại Dũng (Hà Tĩnh), taxi MaiLove (Nghệ An) hay mới đây nhất là liên minh 4 hãng taxi lâu đời tại Hà Nội gồm Thanh Nga, Long Biên, Quê Lụa, Bắc Á. Không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, nhiều doanh nghiệp đều cho rằng, xe điện là chìa khóa giúp các đơn vị tiết kiệm chi phí vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ, từ đó tối ưu lợi ích kinh tế.

Đánh giá cao những bước chuyển mình trên, các chuyên gia ngành môi trường cho rằng, sự chung tay của người dân, doanh nghiệp các lĩnh vực, đặc biệt là đầu tàu như VinFast sẽ là nền tảng không thể vững chắc hơn trong “cuộc chiến” chống ô nhiễm của Việt Nam. Đây là hướng đi đúng đắn nhưng cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trong điều kiện ô nhiễm vẫn là báo động đỏ tại Việt Nam.

“Muốn đi xa thì phải đi cùng nhau, không thể đi riêng lẻ được. Công cuộc bảo vệ môi trường này không phải của riêng ai, không phải của một doanh nghiệp nào, không phải của riêng chính phủ, mà của cộng đồng người dân. Sự chung tay của tất cả mọi người mới dẫn đến thành công”, TS Hoàng Dương Tùng khẳng định.

Như Loan

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/o-nhiem-hang-dau-the-gioi-voi-gan-81-trieu-ong-xa-di-dong-ly-do-xe-dien-can-duoc-uu-tien-su-dung-tai-viet-nam-d227863.html
Zalo