Cần sắp xếp cán bộ dôi dư khi tinh gọn bộ máy

Kỳ họp 8, Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua nhiều dự án Luật như: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Chứng khoán sửa đổi, Luật Kế toán sửa đổi; Luật Đầu tư công sửa đổi... nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm vấn đề tinh gọn bộ máy, coi đây là cuộc 'Cách mạng' - mở ra chương mới cho quản trị quốc gia.

Nhiều đại biểu cho rằng, việc tinh gọn, sáp nhập là cần thiết khi có đến 70% ngân sách chi thường xuyên phải dùng để chi trả lương cho bộ máy cán bộ công chức. Tinh gọn bộ máy là công việc rất khó khăn phức tạp, cần làm từng bước, chắc chắn, có lộ trình, không nóng vội, duy ý chí, nhưng cũng không cầu toàn, trì trệ, chậm trễ, lơi lỏng, thiếu chính xác, thiếu đồng bộ, thiếu nhịp nhàng trên từng bước đi; đặc biệt, cần thực hiện triệt để và khoa học. Tuy nhiên, cần tính toán đến yếu tố con người khi một lượng lớn cán bộ sẽ dôi dư sau khi thực hiện tinh gọn bộ máy.

Các đại biểu cũng cho rằng tinh gọn bộ máy cần gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, chuẩn hóa chức danh và xác định vị trí việc làm. Sự quyết tâm chính trị từ cấp lãnh đạo cao nhất cùng đồng thuận xã hội sẽ là động lực quan trọng giúp Việt Nam tạo ra một bộ máy hành chính hiện đại, tinh gọn và hiệu quả hơn, đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Đỗ Bắc

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/can-sap-xep-can-bo-doi-du-khi-tinh-gon-bo-may-284572.htm
Zalo